Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại sứ quán Việt Nam tại Nhật bản chía sẻ đặc điểm nổi bật nhất của người Nhật đó là tính cách thật thà.
“Nếu như bạn mua hàng hết 99 yên mà bạn đưa 100 yên thì người bán hàng vẫn sẽ ngơ ngác tìm bạn để trả lại 1 yên nếu bạn bước ra khỏi cửa hàng. Dù 1 yên có giá trị rất nhỏ nhưng họ vẫn quý từng đồng tiền”, ông Bình nêu.
Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại sứ quán Việt Nam tại Nhật bản (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Ông Bình cho biết, đặc tính của người Nhật là tinh thần tập thể, ý thức cộng đồng rất cao. Khi có động đất, họ bình tĩnh đối phó, mỗi người một việc một cách cẩn thận.
Trong khi đó, sau khi động đất xảy ra, họ cũng trật tự, ngăn nắp để nhận hàng cứu trợ mà không có cảnh chen lấn, xô đẩy.
“Người Nhật cần đến đâu, họ sẽ lấy đến đó và không vì mình mà xâm phạm đến người khác”, ông Bình chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong các trường mẫu giáo, trẻ em 3-4 tuổi cũng đã được giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật.
“Cảnh sát giao thông cũng vào tận lớp học để dạy các em bé mới chỉ 3-4 tuổi”, ông Bình nói.
Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật đã học được cách tôn trọng pháp luật.
Trong giáo dục, người Việt Nam luôn có tâm lý sợ con “không bằng bạn bằng bè” nên muốn dạy trước cho con. Trong khi đó, trẻ em ở Nhật được chú trọng dạy về đạo đức và kỹ năng sống. Trẻ cần được dạy kỹ năng nhiều hơn kiến thức vì bản thân mỗi đứa trẻ đều học kiến thức rất nhanh nên các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng.
“Dạy cho trẻ biết nói lời cảm ơn, xin lỗi cũng rất quan trọng”, ông Bình nhấn mạnh.
Người Việt có tâm lý trọng bằng cấp và “chạy theo bằng cấp” thì người Nhật lại chú trọng cả những công việc chân tay và kỹ thuật.
Ông Bình nhớ lại, trong một chuyến thăm một nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, ông rất bất ngờ khi biết trong một bộ phận quan trọng của nhà máy điện hạt nhân chỉ có một cử nhân, còn lại là trình độ cao đẳng.
“ Mới đầu tôi cứ nghĩ làm trong những khu vực này chỉ toàn là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng khi hỏi ra thì thấy hoàn toàn bất ngờ”, ông Bình nhớ lại.
Vì vậy, ông Bình cho rằng không nên có tâm lý “chạy theo bằng cấp” và hãy làm tốt công việc dù là đơn giản nhất.
“Phải biết đam mê với công việc, luôn cố gắng không ngừng”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Toshiki Ando – Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam - Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản |
Chia sẻ thêm về văn hóa và lối sống của người Nhật, ông Toshiki Ando – Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam - Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản lấy ví dụ về Shinkansen - tàu chạy nhanh nhất, và được coi như một biểu tượng ở Nhật Bản.
Để đảm bảo 1 ngày có 20 chuyến chạy, thời gian dọn vệ sinh giữa các chuyến phải cực chính xác.
Thời gian giữa chuyến tàu về ga cuối và chuyến tàu khởi hành tiếp theo có 20 phút. Thời gian để hành khách lên hoặc xuống mất 5 phút. Những người dọn vệ sinh chỉ có 7 phút để làm việc.
“Khi một chuyến tàu Shinkansen đến ga cuối, đội dọn vệ sinh phải khẩn trương bắt tay vào công việc rất nhanh. Từng người dọn vệ sinh trong đội cũng phải đảm bảo đúng thời gian quy định”, ông Ando nói.
Video: Nhân viên vệ sinh đã làm thế nào trong 7 phút trên tàu Shinkansen?
Người Nhật Bản rất tiết kiệm thời gian làm việc. Trong việc vệ sinh trên tàu, thay vì mở cả bàn uống nước, họ chỉ mở 1 ít vừa đủ để lau bên trong. Giữa các công đoạn, họ gần như đều chạy.
“Điểm nổi bật số 1 trong cách làm việc của người Nhật là cực coi trọng việc đảm bảo giờ giấc. Người Nhật luôn làm việc với quy định không được chậm trễ, sẽ làm ảnh hưởng đến công việc sau”, ông Ando nói thêm.
Vì vậy, với công việc dọn dẹp về sinh trên tàu, chỉ 1 người trong 1 toa làm chậm ảnh hưởng đến toàn bộ tiến độ chung của cả đội, từ đó làm ảnh hưởng đến giờ xuất phát của các chuyến tàu tiếp theo. Chính vì vậy, từng người dọn vệ sinh Nhật luôn phải đảm bảo hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian quy định.
Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ thêm điểm nổi bật thứ 2 của người Nhật là làm việc theo nhóm.
Đối với công việc dọn vệ sinh toa tàu, chỉ 1 người trong 1 toa làm chậm ảnh hưởng đến toàn bộ tiến độ chung của cả đội. Do đó, mục tiêu làm việc không phải của 1 người mà là của 1 nhóm, 1 tập thể.
“Đặc trưng của người Nhật là để hoàn thành mục tiêu của tập thể, mỗi cá nhân phải tự xác định hoàn thành công việc của mình hiệu quả để đảm bảo tiến độ chung của toàn tập thể”, ông Toshiki Ando – Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam - Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản nhấn mạnh.
Câu cửa miệng của người Nhật là “cải tiến, cải tiến, và cải tiến”. Đấy cũng là một ưu điểm của người Nhật khi từng cá nhân luôn tìm tòi cách thức làm việc sao cho hoàn thành công việc hiệu quả trong thời gian nhanh nhất.
“Người Nhật không quan niệm làm việc tốt hơn thì sẽ nhận lương nhiều hơn”, ông Ando bật mí.
Họ làm việc trước hết là vì mục tiêu tập thể. Tất nhiên, khi làm tốt công việc của mình, qua đó đóng góp cho hiệu suất làm việc tốt của tập thể, không phải ngay lập tức nhưng theo thời gian các bạn sẽ được xem xét mức lương cao hơn.
Phạm Thịnh
Bình luận