• Zalo

Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư: Khủng hoảng niềm tin mới nguy hiểm

Thời sựThứ Bảy, 31/01/2015 01:11:00 +07:00Google News

85 năm Đảng ra đời, dân vẫn luôn yêu và tin Đảng, nhưng bây giờ dân không tin cán bộ, nhất là cán bộ có chức có quyền tham nhũng, xa dân, hà hiếp dân.

(VTC News)  - 85 năm Đảng ra đời, dân vẫn luôn yêu và tin Đảng, nhưng bây giờ dân không tin cán bộ, nhất là cán bộ có chức có quyền tham nhũng, xa dân, hà hiếp, nhũng nhiễu dân.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị Nội bộ nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2015).

Là một đảng viên với 65 năm tuổi Đảng, người từng có 50 năm làm công tác tổ chức cán bộ, ông Nguyễn Đình Hương khẳng định những thành tựu to lớn của Đảng trong suốt những năm qua, nhưng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong Đảng, đặc biệt là về con người mà theo ông “nếu sau Đại hội XII vẫn không khắc phục được thì đất nước khó phát triển”.

Trả lời phỏng vấn VTC News, ông Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh:  85 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại. Công lao của Đảng là vô cùng to lớn. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực hiện được sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhờ có Đảng, sau 30 năm đổi mới, đời sống của nhân dân được cải thiện rất nhiều. 
Ông Nguyễn Đình Hương: 'Chọn cán bộ cần nhất hai tiêu chuẩn 'sạch' và 'dám đổi mới'  Ảnh HL
Là một đảng viên với 65 năm tuổi Đảng, đến giờ nhìn lại những ngày đầu chuẩn bị được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi vẫn còn nhớ nguyên cái cảm giác vinh dự, tự hào. 
Thời kỳ đó, ai được vào Đảng cũng thấy tự hào vô cùng. Chúng tôi thề với nhau, thề trước Đảng là sẽ cống hiến cho Đảng đến giọt máu cuối cùng, không sợ hy sinh. Ngày đó thanh niên vác ba lô lên đường, vào chiến trường là quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Đảng viên lúc đó không nghĩ đến quyền lợi, mà nghĩ đến nghĩa vụ nhiều hơn. Khi đó đảng viên ít nhưng chất lượng. Tất cả các đảng viên khi đó đều vì đất nước, vì tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, ra đi không nghĩ ngày trở lại, không hẹn ngày về. 
Nói về Đảng thời trước, ai cũng phải nhớ một câu “dân yêu Đảng như mẹ yêu con”. Đảng khi đó vĩ đại lắm, lãnh tụ vĩ đại lắm, Bác Hồ là nhất. 
Đảng ta vẫn vậy nhưng bây giờ đảng viên có nhiều cái thay đổi rồi. Tôi thấy “Đảng đông mà không mạnh”. Vì sao? Vì bây giờ nhiều đảng viên có chức, có quyền, ngày càng xa dân. Tôi chưa nói là có một bộ phận sa đọa, hư hỏng mà tôi nói có một bộ phận xa dân. Có thể nói giờ cán bộ hách dịch, quan cách, nhũng nhiễu đối với dân hơi nhiều, khiến dân ngày càng xa cách cán bộ, xa cách Đảng.

- Cụ thể, theo ông có những nguy cơ và thách thức nào đối với công tác xây dựng và phát triển Đảng hiện nay?

Hiện nay trong công tác xây dựng Đảng đang đứng trước nguy cơ “3 hóa”.

Cái “hóa” thứ nhất là “tự tha hóa”. Ngay trong Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

 
Tôi thấy còn một cái “khủng hoảng” rất nguy hiểm, đó là khủng hoảng niềm tin. Khủng hoảng niềm tin trong dân với Đảng mới nguy hiểm.
 
Cái “hóa” thứ hai là“phân hóa”. Sự phân hóa về giàu nghèo ở nước ta đang ngày càng nghiêm trọng và ai cũng dễ dàng nhận ra trong cuộc sống hàng ngày. Bây giờ, có nhiều người làm ngay trong Ban tổ chức Trung ương cũng không có cả nhà ở, phải đi thuê, anh em nhân viên ấy, tội lắm. Trong khi đó có những người thì có hết biệt thự này, đến nhà lớn nhà bé khác. Tôi biết có những người vừa lên chức vài bữa, chưa hết nhiệm kỳ 4 năm họ đã có xe vài tỷ, nhà lớn nhà bé... Khoảng cách giàu nghèo cứ ngày càng lớn hơn.

Cái hóa thứ ba là “chuyển hóa”. Nhiều đảng viên đã có biểu hiện ‘tự chuyển hóa’ về mặt tư tưởng, về ý thức hệ. Một số người không kiên định con đường đi lên CNXH, không kiên định theo tư tưởng Hồ Chí Minh nữa rồi.

85 năm Đảng ra đời, dân vẫn yêu và tin Đảng lắm, nhưng dân không tin những cán bộ có chức có quyền, nhất là cán bộ có chức có quyền lại tham nhũng, xa dân, ức hiếp dân, nhũng nhiễu dân, hách dịch dân.

Hiện nay, lòng tin của dân với Đảng cũng đang suy giảm. Chúng ta đang nói nhiều đến khủng hoảng kinh tế, cái đó thì đã rõ. Nhưng tôi thấy còn một cái “khủng hoảng” nguy hiểm hơn, đó là khủng hoảng niềm tin. Khủng hoảng niềm tin trong dân với Đảng mới nguy hiểm. 

- Trước những nguy cơ hiện hữu ông vừa chỉ ra, theo ông cần phải làm gì để khắc phục những yếu kém, làm gì để Đảng mạnh lên?

Bây giờ chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng, theo tôi thì cái quan trọng là phải làm thế nào để Đảng mạnh lên. Chúng ta cần ôn lại lịch sử để thấy trước đây Đảng mạnh như thế nào? Cần phải đặt câu hỏi tại sao vẫn là Đảng ấy nhưng bây giờ lại không mạnh như xưa?

Thực tế, như một cây gỗ mà bị sâu mọt đục khoét, nếu để nó đục khoét mãi thì đương nhiên sẽ đổ. Không cần chuột lớn đâu, mà để cả trăm con chuột nhắt đục thì cây to, cây khỏe mấy cũng chết. Nhiều chuột nhắt thì thành một bầy chuột, hại hơn cả chuột cống. 

- Vậy theo ông chúng ta phải chống tham nhũng,chống suy thoái trong Đảng thế nào để ‘ném chuột’ mà không lo ‘vỡ bình’?

 
Sau 3 năm thực hiện Nghị Quyết T.Ư 4, tôi cho chúng ta chưa thành công. Nói không kết quả gì thì cũng không đúng, cũng có đấy, kỷ luật mấy chục ngàn người đó, nhưng không ngăn chặn được, không răn đe được, không đủ sức răn đe.
 
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Nhìn lại quá trình 3 năm thực hiện tôi cho rằng chúng ta chưa thành công. Nói không kết quả gì thì cũng không đúng, cũng có đấy, kỷ luật mấy chục ngàn người đó, nhưng không ngăn chặn được, không răn đe được, không đủ sức răn đe. 

Tôi từng nói về trường hợp nhà của ông Hoàng Văn Nghiên, rồi việc chống đặc quyền đặc lợi qua vụ ông Trần Văn Truyền, việc “lót ổ” của ông Hồ Nghĩa Dũng...Những cái đó khi nêu ra thì cũng đã có kết quả đấy. Nhiều người bảo tôi là bắn tỉa. Nhưng tôi thấy không ăn thua.

Giờ phải nhìn rõ cái gì đang hủy hoại đất nước này? Đó là nhóm lợi ích. Đảng ta nói 4 nguy cơ, thì theo tôi nguy cơ của nhóm lợi ích là nguy cơ thứ 5. Cái này chi phối ghê lắm. Nó đang bao trùm cả đất nước này, cả nền kinh tế này. Hôm trước tôi viết ông Truyền, tôi nói không phải chỉ mình không Truyền, còn có nhiều ông Truyền khác mà chúng ta chưa nhìn ra thôi.

Nguyên nhân chính của tham nhũng là nhóm lợi ích. Bây giờ nếu không giải quyết tận gốc vấn đề này thì không thể giải quyết được gì cả.

- Theo ông trong bối cảnh như hiện nay, để Đảng có sự đổi mới căn bản về chất, cần có giải pháp gì?

Mấu chốt vẫn là con người thôi. Vì vậy, tôi cho rằng, vấn đề cần được giải quyết ở Đại hội XII sắp tới là công tác cán bộ. Nếu chuẩn bị cán bộ tốt, đủ tầm cỡ, bản lĩnh, kiến thức, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân và dám nói thẳng vào sự thật, dám dựa vào dân thì đất nước sẽ vượt qua khó khăn, thử thách và có thể tiến kịp các nước anh em láng giềng.

Tôi muốn nhắc lại, để chờ đợi có sự chuyển biến căn bản, giờ chỉ còn cách trông chờ vào Đại hội XII sắp tới, phải chọn được minh chủ. Nếu chọn được minh chủ đúng, thì đất nước đi lên. Chọn minh chủ sai thì không thể thay đổi được gì.

Người minh chủ đó, theo tôi cần phải đảm bảo hai phẩm chất cơ bản. Một là phải “sạch”. Hai là “dám đổi mới”. Đó là hai tiêu chuẩn cực kỳ quan trọng của người lãnh đạo, chứ không phải chỉ nói Đức – Tài chung chung.Cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng phát biểu “Đức - Tài nói cho cùng là hiệu quả công việc. Hiệu quả công việc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đánh giá hiệu quả công việc của một cán bộ", đó là điều tôi nhớ mãi.

Xin cảm ơn ông!

Lan Uyên (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn