Sáng 21/2, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề Chiều dài biên giới nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-2019).
Mở đầu chương trình, các nghệ sĩ của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do. Đây là bài hát do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác vào đêm ngày 17/2/1979, khi nghe tin chiến tranh biên giới Việt - Trung bùng nổ vào sáng ngày hôm đó.
Chỉ 3 ngày sau khi ca khúc ra đời, ca khúc được Dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam thu thanh và phát sóng.
Sau khi ca khúc được trình diễn, nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động trò chuyện với khán giả. Ông nói: "Sau khi đất nước giành được hòa bình, độc lập, tôi cũng như nhiều nhạc sĩ khác cứ nghĩ, sẽ ít viết về chiến tranh thôi. Thay vào đó, chúng tôi sẽ viết về cuôc sống hòa bình, về công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Thế nhưng, một lần lịch sử lại thử thách dân tộc chúng ta.
Khi hay tin chiến tranh biên giới xảy ra, tôi không thể ngủ được. Ngay trong đêm 17/2/1979, tôi viết ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do.
Ngay sau đó, Đài VOV thu thanh và phát sóng ca khúc này. Các đồng chí ở phòng thời sự của Đài lúc bấy giờ có gọi điện báo cho tôi, rất nhiều người sau khi nghe bài hát đã muốn ra biên giới phía Bắc để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sau đó, ca khúc còn được đăng trên báo Nhân dân để phổ biến sâu rộng trong quần chúng. Đối với người nghệ sĩ như chúng tôi, đó là niềm vinh hạnh rất lớn".
Cũng có mặt trong buổi giao lưu, ca sĩ Tuyết Thanh - một trong những giọng ca đầu tiên thể hiện ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do tiết lộ: "Chúng tôi bắt tay vào tập luyện, thu thanh ca khúc với đúng tinh thần của Đài VOV là nhanh, nhạy và kịp thời. Chúng tôi muốn ca khúc sớm được hoàn thành để kịp thời động viên các chiến sĩ".
Sau phần giao lưu với nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca sĩ Tuyết Thanh, các nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam trình diễn ca khúc Bài ca trên đỉnh Pò hèn của nhạc sĩ Thế Song. Đây là sáng tác ngợi ca sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Tiếp đến, ông Vũ Mão và nhà báo Vĩnh Trà có cuộc trò chuyện, giao lưu với khán giả. Là người trực tiếp có mặt và lãnh đạo quân dân Quảng Ninh trong những ngày chiến tranh biên giới diễn ra, ông Vũ Mão xúc động chia sẻ, tấm gương, sự hy sinh của liệt sĩ Hồng Chiêm thôi thúc mọi người chiến đấu.
Ông Vũ Mão cũng kể lại nhiều câu chuyện xảy ra ở Quảng Ninh trong những ngày tháng khó khăn nhưng anh dũng đó. Chia sẻ của ông khiến cho nhiều khán giả có mặt tại buổi giao lưu phải rưng rưng nước mắt.
Nhà báo Vĩnh Trà tâm sự: "Chúng tôi vừa mới bước ra từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, sốt rét chưa hết thì phải vội vã lên đường tham gia vào cuộc chiến tranh biên giới. Tôi là 1 trong 9 người của Ủy ban phát thanh truyền hình Việt Nam được cử tới khu vực chiến trường. Trong thời gian đó, tôi vừa phục vụ công việc đưa tin, vừa tham gia củng cố tinh thần người dân.
Tôi phải cảm ơn Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đó, phải mất 2 ngày báo Nhân Dân mới đến nơi. Tôi phải thường xuyên nghe các chương trình của Đài để kịp thời tuyên truyền, động viên và báo cáo tình hình chiến sự cho quân và dân đang trực tiếp tham gia chiến đấu. Khi đó, có hai chương trình mà tôi không bao giờ bỏ lỡ là Thời sự và Quân đội nhân dân. Đài Tiếng nói Việt Nam là kênh thông tin quý báu cho cán bộ, cho nhân dân".
Sau cuộc trò chuyện của ông Vũ Mão và nhà báo Vĩnh Trà, NSND Thanh Hoa xuất hiện trên sân khấu và thể hiện ca khúc Hãy cho tôi lên đường.
NSND Thanh Hoa chia sẻ: "Có mặt tại buổi giao lưu này khiến tôi có cảm xúc vừa tự hào vừa xúc động. Tôi vinh dự vừa là nghệ sĩ, vừa là diễn viên của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, vừa là chiến sĩ. Tôi từng đi dọc đường Trường Sơn và đặc biệt là tham gia vào cuộc chiến tranh biên giới.
40 năm trước, tôi là người đầu tiên thu bài Hãy cho tôi lên đường. Lúc đó tôi hát ca khúc với sự hừng hực lửa căm thù, công thêm sự lo lắng. Tôi biết chiến tranh là tàn khốc. Chúng ta lại phải hy sinh bao nhiêu con người nữa".
Trong khi đó, ông Đoàn Việt Trung - nguyên Phó Tổng Giám đốc VOV rưng rưng nói: "Đêm hôm trước khi diễn ra cuộc giao lưu này, tôi xúc động tới mức không ngủ được. Những ký ức của 35 ngày đêm trên sống trên cửa khẩu Hữ Nghị Quan lại hiện về trong tôi.
Khi đó, tôi và hai người khác được lệnh từ lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam phải cấp tốc làm một xe phóng thanh lên vùng biên giới. Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là tuyên truyền, giải tán đám đông mà hoàn toàn khác so với những gì chúng tôi hình dung trước đó.
Khi chúng tôi vừa vào sân Hữu Nghị Quan, phía bên kia dùng đài phát thanh rêu rao Việt Nam cho xe bít kín lên để bắt bớ, khủng bố người Hoa hiện đang sinh sống ở đó.
Chúng tôi phải nhanh chóng đi mắc loa để ngay ngày hôm sau bắt đầu phát và tiếp sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong chương trình của Đài có những bài bình luận rất sắc sảo, củng cố lòng tin của quân và dân vùng biên giới, đồng thời khiến phía bên kia phải lo sợ".
Ông Đoàn Việt Trung cho hay, ông phải ngủ ngay dưới chân máy để sáng sớm có thể bật loa phát thanh sớm hơn phía bên kia biên giới.
"Nếu hôm nào để đài của họ phát sóng trước 5 hoặc 10 phút là chúng tôi điên lắm. Hôm nào đài của mình phát trước là chúng tôi vui cả ngày. Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành điểm tựa tinh thần lớn cho quân và dân lúc bấy giờ" - Ông Đoàn Việt Trung nói.
Ông Đoàn Việt Trung cũng hài hước kể về kỷ niệm với người con gái ở Lạng Sơn. Người này có nhiệm vụ hàng ngày đưa thức ăn lên cửa khẩu cho ông và đồng đội. Có lần, cô lén giấu miếng thịt ở dưới bát dành riêng cho ông.
Ông Trung cũng nghẹn ngào khóc khi nhớ lại việc trực tiếp chứng kiến sự hy sinh anh dũng của Lê Đình Chinh - chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới.
"Tôi đã thẫn thờ ngồi cạnh thi thể của Lê Đình Chinh trong suốt một đêm. Tôi không bao giờ có thể quên được ký ức đau buồn đó" - Ông Trung nói.
Cũng trong cuộc chiến tranh biên giới, bà Kim Cúc - nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài VOV cũng có nhiều chuyến đi tác nghiệp. Những chuyến đi này để lại nhiều ký ức khó quên trong bà.
Bà Cúc nói: "Trái tim của người phụ nữ và người làm báo khiến tôi xúc động khi chứng kiến cảnh tan hoang của những vùng đất mình đi qua hay những ngôi mộ mới của người chiến sĩ, người dân bị tàn sát".
Bà Kim Cúc cho biết, người đầu tiên bà gặp và phỏng vấn trong cuộc chiến tranh biên giới là Thiếu tá Nguyễn Văn Học. "Đó là người nhiệt thành, tạo cho tôi cơ hội, điều kiện tốt nhất để làm việc" - Bà Cúc nhận xét.
Nhờ có sự giúp đỡ của Thiếu tá Nguyễn Văn Học, bà Kim Cúc lấy được nhiều thông tin về cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân. 27 năm sau đó, bà có cơ duyên gặp lại Thiếu tá Học. Cả hai trò chuyện thân tình và coi nhau như người thân trong nhà.
Trên sân khấu cuộc giao lưu, nhạc sĩ Trương Quý Hải xúc động thể hiện ca khúc Về đây đồng đội ơi. Anh cũng nghẹn ngào ôn lại những kỷ niệm trên đường ra chiến trường, các bà mẹ, em bé ào ra vẫy tay và dặn dò "Về nhé". Thậm chí có lần một bà mẹ người dân tộc đã lao ra, chặn đường đoàn xe, cầm theo giá gạo và nói: "Mẹ tặng các con".
Kết thúc chương trình, nhạc sĩ Lương Nguyên, đạo diễn Đặng Nhật Minh và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng có những chia sẻ xúc động về những kỷ niệm của họ trong cuộc chiến tranh biên giới, cũng như hoàn cảnh để họ cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc về thời điểm này.
Bình luận