Sáng 2/8, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018.
Áp lực thi cử còn nặng nề
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng chủ trương đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa là đúng đắn nhưng thực hiện không theo kịp chủ trương. Trong chọn sách giáo khoa hiện nay, từ truyền kiến thức sang phương pháp tư duy và năng lực cần có bước đi. Cần nghiên cứu trang bị phương pháp giảng dạy cho giáo viên kết hợp với các trường sư phạm.
Bà dẫn chứng vừa qua một giáo viên phải dạy từ hóa học, sinh học, vật lý mà chỉ cập nhật trong 1 tháng rồi giảng dạy. Do đó phải có nghiên cứu, có chiến lược hẳn hoi.
Đề cập thi cử, bà cho rằng áp lực còn nặng nề. "Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chống bệnh thành tích trong thi cử nhưng ở dưới có chống đâu, vì ảnh hưởng đến bình bầu, thi đua. Bộ vừa rồi cố gắng lắm nhưng ở trên nói mà ở dưới không nghe vì bệnh thành tích", bà Nguyễn Thị Doan nói.
Bà đề nghị Chính phủ, nhất là Ủy ban quốc gia về giáo dục cần bàn nhiều về định hướng, chiến lược cho giáo dục, bởi chúng ta xây những con đường cao tốc mà không để ý đến "con đường tri thức", trong khi đây là con đường nhanh nhất để phát triển bền vững nhất nhưng ít người quan tâm.
Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Quốc hội có những chuyên đề bàn sâu về giáo dục. Phải thành lập hội đồng gồm những người uy tín đánh giá lại các bộ sách nếu giống nhau đến hơn 90% rồi thì cần gì bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa.
PGS.TS Nguyễn Gia Cầu - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển giáo dục, chia sẻ điều suy nghĩ nhiều nhất trong giáo dục là việc thực học, thực dạy trong đổi mới chương trình, SGK phổ thông 2018 chưa được chú trọng. Thực tế "học để thi, mở mắt ra là thi, chịu áp lực thi cử" và theo ông Cầu, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình dạy và học.
Còn theo GS Nguyễn Lân Dũng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường, chương trình giáo dục phổ thông "có gì đó sai sai" so với thông lệ quốc tế, bởi chúng ta dùng một chương trình chưa qua thực nghiệm để áp dụng đại trà trên cả nước.
Trong khi đó, có một chương trình thực nghiệm của Trường Phổ thông Thực nghiệm đã ứng dụng, nhưng không được áp dụng.
"GS Hồ Ngọc Đại có thể có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo dõi hơn 40 năm, tôi thấy chương trình thực nghiệm đào tạo lên một lớp trẻ tử tế, có kinh nghiệm sống, có lương tâm và trách nhiệm", ông Dũng nói.
Không có đội ngũ giáo viên tốt thì đổi mới SGK rất khó thực hiện
GS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ, Pháp luật, đánh giá chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông triển khai nhiều năm nhưng còn lúng túng. Thực tế đầy trăn trở như phụ huynh xếp hàng từ 2-3h sáng để giành phiếu cho con vào trường công lập.
Vị chuyên gia này cho rằng càng đẩy mạnh xã hội hóa, Nhà nước càng cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, chứ không phải xã hội hóa thì Nhà nước rút khỏi lĩnh vực này.
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuyển từ giáo dục kiến thức sang giáo dục về phẩm chất, năng lực của người học, song theo GS Trần Ngọc Đường, việc triển khai chủ trương này còn rất xa vời.
Vì vậy, ông kỳ vọng có bước chuyển biến về chất để chuyển mục đích của chương trình từ trang bị kiến thức sang trang bị phẩm chất, năng lực của người học. Để thực hiện mục đích này thì đội ngũ giáo viên đóng vai trò rất quan trọng.
"Tôi lấy làm lạ tại sao 30-40 năm nay, trường học mọc ra như nấm mà sao vẫn thiếu giáo viên? Thiếu vì cái gì, hay chế độ đãi ngộ quá thấp? Làm thế nào để xây dựng đội ngũ giáo viên không chỉ đủ mà còn chất lượng?", ông Đường đặt vấn đề và cho rằng không có đội ngũ giáo viên tốt thì đổi mới sách giáo khoa cũng rất khó thực hiện.
Cùng quan điểm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ: "Nói thật, lương thế này thì ai làm nhà giáo. Giáo viên áp lực quá, vừa một lúc tinh giản biên chế, vừa đánh giá lại năng lực, nâng cao năng lực, vừa chính sách tiền lương không phù hợp. Mấy triệu đồng làm sao đủ sống, phải dạy thêm, làm đủ thứ…".
Bà băn khoăn tại sao không nghiên cứu bảng lương của ngành giáo dục, vì sản phẩm của giáo dục không phải thể hiện kết quả ngay hôm nay mà có khi 10-20 năm sau, nên có chính sách tiền lương để nhà giáo đủ điều kiện theo nghề.
Bình luận