Bài viết của TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về các vấn đề xung quanh cơ chế hiện nay.
Ở Hà Nội, quả thực, nhiều khi muốn nhanh thì cứ phải từ từ. Đặc biệt, đó là khi bạn đi lại trên đường phố vào những giờ cao điểm. Khi này thì chắc chắn là Hà Nội không vội được đâu.
Vội là gây ra xung đột và ách tắc giao thông ngay lập tức. Đáng ra bạn chỉ phải hít thở khói bụi một giờ đồng hồ thì rất có thể bạn phải làm điều đó thêm nhiều giờ nữa.
Điều đáng nói là mô thức muốn nhanh cứ phải từ từ phản ánh không chỉ sự anh minh của chữ “Nhẫn”, mà còn cả sự bất cập của hệ thống giao thông.
Cho dù, hệ thống này đã được cải thiện khá nhiều trong những năm gần đây, thì sự cải thiện đó vẫn chưa giúp chúng ta vượt qua được định mệnh của cái sự Hà Nội không vội được đâu.
Hà Nội không vội được đâu đúng không chỉ cho hệ thống giao thông, mà có vẻ còn đúng cả cho hệ thống hành chính nữa. Thời gian chảy rất chậm trong hệ thống này.
Người viết bài báo này đã phải chờ 10 năm mới có được sổ đỏ cho căn nhà của mình, cho dù mọi giấy tờ đều đầy đủ, hợp pháp ngay từ đầu.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Cho dù công việc có cấp bách đến mấy thì bạn vẫn cứ phải chờ, phải đợi. Người viết bài báo này đã phải chờ 10 năm mới có được sổ đỏ cho căn nhà của mình, cho dù mọi giấy tờ đều đầy đủ, hợp pháp ngay từ đầu.
An ủi to lớn ở đây là đối với hệ thống hành chính, bạn không phải trực tiếp hít thở khói bụi. Chuyện hít thở khói bụi nếu có xảy ra, thì chẳng qua là do bạn phải đi đi lại lại nhiều lần mà thôi.
Công sức, thần kinh là những chi phí khó tránh khỏi cho cái sự Hà Nội không vội được đâu. Tuy nhiên, chi phí lớn nhất lại là chi phí cơ hội.
Cứ tượng tượng xem, một căn nhà 10 năm vẫn chỉ là chỗ ở vật lý mà không thể trở thành tài sản vì không có sổ đỏ. Và vì không phải là tài sản cho nên có muốn, thì bạn vẫn không thể khai thác các giá trị kinh tế của căn nhà đó được. Một căn nhà như thế, hàng vạn căn nhà như thế thì sự bùng phát về kinh tế làm sao có thể xảy ra?!
Có lẽ, do thấu hiểu điều nói trên, nên mới đây Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã kêu gọi phải đổi mới phong cách, lề lối làm việc để xóa bỏ định kiến “Hà Nội không vội được đâu”.
Bí thư thành ủy đã bắt đúng mạch. Tuy nhiên, định kiến nói trên chỉ có thể được xóa bỏ khi bộ máy hành chính của Hà Nội dám chịu lột xác để trở nên thật sự chuyên nghiệp, thật sự hiệu năng và thật sự tận tụy với nhân dân. Mà điều này thì quả thực là không dễ.
Thực tế cho thấy, lãnh đạo đến rồi lãnh đạo đi, còn bộ máy hành chính thì sẽ luôn ở lại. Bộ máy hiện nay đã sống qua không biết bao nhiêu đời lãnh đạo.
Và có vẻ như nó sẽ còn sống qua không biết bao nhiêu đời lãnh đạo nữa. Đây là bộ máy không bao giờ phản đối lãnh đạo, nhưng sẽ làm mọi việc theo cách của riêng mình. Và đó lại chủ yếu là cách “Hà Nội không vội được đâu”. Có một loạt lý do cho cách hành xử như vậy.
Trước hết, ở ta không có sự phân biệt rõ ràng giữa hành chính và chính trị. Các quan chức hành chính thì cũng sinh hoạt đảng như các quan chức chính trị. Vì thế cho nên, quan chức hành chính cũng có quan điểm về chính sách và về các ưu tiên của riêng mình.
Nếu các quan điểm này không trùng hợp với quan điểm của các quan chức chính trị, thì chưa biết quan điểm của ai sẽ được thúc đẩy thực sự trong cuộc sống. Ngoài ra, chế độ trách nhiệm trong hệ thống hành chính vẫn áp đảo là trách nhiệm chính trị.
Cụ thể là muốn được đề bạt thì phải có sự tín nhiệm của cấp dưới. Điều này làm cho các thủ trưởng hành chính đều phụ thuộc vào phiếu ủng hộ của các thuộc cấp. Áp đặt kỷ luật hành chính vì vậy là rất khó khăn. Mà không áp đặt được kỷ luật hành chính thì có gì đâu mà phải vội.
Hai là, do được đề bạt lên chủ yếu nhờ những phẩm chất chính trị, nên rất nhiều quan chức hành chính không giỏi chuyên môn, nghiệp vụ.
Điều này làm cho tính chuyên nghiệp của cả hệ thống hành chính nói chung là khá thấp. Mà tính chuyên nghiệp thấp thì không thể giải quyết công việc nhanh chóng được.
Ba là, hệ thống khuyến khích, mà chính xác hơn là hệ thống khuyến khích ngược đang làm cho mọi chuyện đều trở nên chậm trễ. Thực tế cho thấy nhiều khi các quan chức hành chính càng gây khó khăn, càng giải quyết công việc chậm trễ, thì càng có lợi hơn cho mình.
Càng để công việc kéo dài, càng dễ được chạy chọt, dễ được nhận phong bì là điều chúng ta ai cũng biết.
Những lý do nêu trên cho thấy, để xóa bỏ định kiến “Hà Nội chẳng vội được đâu” đòi hỏi phải có không chỉ quyết tâm chính trị, mà còn cả những cải cách thể chế hết sức sâu rộng.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
Bình luận