• Zalo

Nguyên nhân giá vàng nhẫn phi mã, liên tục lập đỉnh

Tin giá vàngThứ Hai, 08/04/2024 12:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Giá vàng nhẫn đang không ngừng "nhảy múa", liên tiếp lập đỉnh lịch sử, hiện giá vàng nhẫn đã vượt xa mốc cao chưa từng có là 75 triệu đồng/lượng, nguyên nhân do đâu?

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng nhẫn nói riêng và giá vàng nói chung tại Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây đầu tiên là do tác động của việc giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục đắt nhất lịch sử. 

Ngoài ra, dù rằng vàng nhẫn không thuộc hàng độc quyền, trên thị trường xuất hiện rất nhiều thương hiệu khác nhau nhưng giá vẫn ngày càng đắt đỏ là do giá nguyên liệu tăng lên, đồng thời nguồn nguyên liệu đầu vào chưa đáp ứng đủ nhu cầu do các doanh nghiệp chưa được nhập khẩu vàng.

Ông Hiếu nhấn mạnh, nếu không tăng nguồn cung nguyên liệu sản xuất vàng, giá vàng nhẫn sẽ còn tăng nữa.

Giá vàng nhẫn liên tục thiết lập kỷ lục mới. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Giá vàng nhẫn liên tục thiết lập kỷ lục mới. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Đồng quan điểm, theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), tình trạng thiếu nguồn cung vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang và mỹ nghệ đã được VGTA cảnh báo từ nửa cuối năm ngoái.

Doanh nghiệp trong nước có hai cách để sản xuất vàng nữ trang và mỹ nghệ, trong đó có nhẫn tròn trơn. Đó là mua lại vàng theo hóa đơn bán ra của các doanh nghiệp hoặc mua theo hóa đơn của doanh nghiệp khai thác. Thứ hai là mua vàng theo bảng kê hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn hay còn gọi vàng trôi nổi.

Trong chục năm qua, kể từ khi thực hiện Nghị định 24, doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, thu mua vàng trên thị trường là nguồn duy nhất để doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Nhưng nay doanh nghiệp cũng lo ngại rủi ro pháp lý khi các vụ công an bắt vàng lậu ngày càng nhiều nên họ phải thận trọng hơn khi mua vàng nguyên liệu. Chi phí mua nguyên liệu vì thế cũng đắt hơn.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, tình trạng vàng nhẫn tăng liên tục thời gian gần đây là do lượng người mua tăng đột biến.

Giá vàng nhẫn đang rẻ hơn rất nhiều so với giá vàng miếng. Cùng hàm lượng như nhau song nhẫn tròn trơn không được "gắn mác" độc quyền bởi nhà nước, thông qua thương hiệu SJC như vàng miếng. Điều này dẫn đến sự chênh lệch gần chục triệu đồng giữa mỗi lượng nhẫn tròn trơn và vàng miếng SJC.

Chênh lệch càng cao sẽ tương ứng với rủi ro càng lớn khi thị trường đảo chiều. Vì thế sức hấp dẫn của vàng nhẫn với người mua lớn hơn. "Lượng người mua lớn sẽ khiến giá ngày càng tăng cao", ông Thịnh nói.

Đặc biệt, theo chuyên gia, hiện tâm lý người mua đang bị ảnh hưởng bởi những đề xuất sửa đổi liên quan đến chính sách điều hành, quản lý thị trường (Nghị định 24) đối với vàng miếng. 

Mới đây, các chuyên gia, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.

Trong nhiều thời điểm, giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ như trước đây. Thói quen, nhận thức của người dân với vàng miếng có sự thay đổi, một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.

Vì thế, mục tiêu "chống vàng hóa" đã thành công. Bối cảnh này khiến các chuyên gia đề xuất bỏ quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Ông Thịnh phân tích, nếu đề xuất này được thông qua thì giá vàng miếng sẽ giảm xuống mức phù hợp với xu thế thị trường hơn. Thông tin này sẽ khiến nhiều người chuyển sang tích trữ vàng nhẫn đang có giá rẻ hơn rất nhiều và tính ổn định cao hơn vàng miếng. Thực tế trên thị trường, hiện có nhiều người đã bán vàng miếng để mua vàng nhẫn.

Một nguyên nhân nữa theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đó là việc kinh doanh vàng nhẫn trơn mang về biên lợi nhuận thấp hơn so với các mặt hàng nữ trang khác có tiền gia công. Vì thế, nhẫn tròn trơn không phải là mặt hàng được ưu tiên đẩy mạnh kinh doanh khi nguồn nguyên liệu hạn chế. Điều này khiến vàng nhẫn có nguồn cung ít hơn, trong khi nguồn cầu cao đột biến thì giá tăng mạnh cũng là dễ hiểu.

Cuối tuần qua (ngày 6/4), giá vàng nhẫn gây bất ngờ khi tăng vọt lên ngưỡng 74,15 triệu đồng/lượng (giá bán).

Nhưng chưa dừng lại, đầu giờ sáng nay (8/4), giá vàng nhẫn tiếp tục tăng, bất chấp giá vàng thế giới hạ nhiệt. Theo đó, giá vàng nhẫn lập đỉnh mới ở mức 74,45 triệu đồng/lượng, tức là tăng 300.000 đồng/lượng so với kỷ lục cuối tuần trước.

Đáng chú ý, giá vàng nhẫn vẫn tiếp tục phi mã. Chỉ vài tiếng sau, đến trưa 8/4, giá đã tăng thêm 1 triệu đồng/lượng, vượt xa mức 75 triệu đồng. Cụ thể, lúc 11h30, giá vàng nhẫn được Doji niêm yết ở mức 74 - 75,45 triệu đồng/lượng, tăng 1,3 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn được SJC niêm yết ở mức 72,8 - 74,2 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 - 650.000 đồng/lượng.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn