Em Vi Văn Đại trong giờ học trên lớp. |
Anh Vi Văn Tầm, bố của Đại kể: “Ngay từ khi lọt lòng, Đại đã không được bình thường như những đứa trẻ khác, chân tay bị dị tật, teo tóp. Khi Đại được 35 ngày tuổi, mẹ cháu đã bỏ nhà ra đi, tôi như bị xát muối vào lòng. Nhiều hôm thằng bé khát sữa khóc, tôi phải lấy nước ngô thay sữa”. Còn bà nội của Đại tâm sự: “Khi cháu lên hai tuổi, tôi đưa sang nhà hàng xóm chơi, nghe chúng bạn gọi mẹ, nó cũng bập bẹ gọi theo”.
Sau 11 năm sống trong cảnh “gà trống nuôi con”, đến đầu năm 2007, anh Tầm xây dựng hạnh phúc mới. Cũng từ đó, ước muốn được gọi mẹ của Đại trở thành hiện thực. Càng lớn, đôi tay của Đại càng teo tóp, nhìn Đại ăn cơm không ai tránh khỏi chạnh lòng, đôi tay cố giữ lấy chiếc thìa, người cúi gập xuống xúc từng thìa cơm. Mọi sinh hoạt hằng ngày phải phụ thuộc vào người khác. Đến tuổi đi học, thấy bạn bè đều được đi học, được vui đùa chạy nhảy Đại cũng đòi đi. “Lúc đầu đưa con đến trường chỉ với hy vọng con mình được chơi cùng bạn bè cho vui” - anh Tầm nói.
Bé Đại được ngồi ở mảnh chiếu cuối phòng học, kẹp phấn vào hai ngón chân tập viết. Cô giáo Nguyễn Thị Hợp nhớ lại: “Có nhiều lúc, chân em bỗng duỗi thẳng ra và giãy đành đạch do bị chuột rút. Hai ngón chân của Đại sưng tấy lên... Tôi rất thương và cảm phục em”. Ngày lại ngày, Đại luyện được đôi chân rất khéo. Với bản tính ham học và thông minh, từ lớp 1 đến lớp 5, Đại đều đạt học sinh giỏi. Năm học lớp 6 và lớp 7, phải đi mổ chân, phải nghỉ hơn một tháng nhưng vẫn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Cô Nguyễn Thị Thúy, hiệu trưởng Trường THCS Thiện Kỵ cho biết: “Đây là trường hợp rất đặc biệt nên nhà trường đã tạo mọi điều kiện để em được học tập và hòa nhập cùng bạn bè. Là một học sinh khuyết tật nên trong các buổi lao động do trường và lớp tổ chức em được miễn, thế nhưng em vẫn xin được tham gia”.
Tiếp xúc với Đại, mọi người đều có chung một nhận xét: Em thông minh, tự tin và nói năng rất lưu loát. Nhìn chân em mở cặp lấy sách vở ra học bài, một chân giữ lấy thước kẻ, chân kia “cầm” bút kẻ từng đường thẳng tắp. Sau khi học xong Đại thu lại nhanh nhẹn, gọn gàng hai ngón chân kẹp chiếc khóa kéo nhanh như đôi tay người bình thường. Những con chữ, dòng chữ Đại viết ra dù chưa đẹp lắm, không thẳng hàng nhưng cũng nhận ra được ý chí và sự khổ luyện ít ai làm được. Hiện giờ Đại đang tập cho đôi chân của mình làm những công việc nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày như nâng chén nước, cầm lược… Vi Văn Đại thực sự là một Nguyễn Ngọc Ký ở xứ Lạng về nghị lực vượt khó.
Khi được hỏi mơ ước của em sau này, Đại nói: “Em muốn sau này được làm thầy giáo dạy những bạn có hoàn cảnh giống em”.
Theo Hà Phương /Quân đội nhân dân
Bình luận