(VTC News) – Cốc nước cam pha từ nước cốt cam Trung Quốc có vị ngọt hương thơm nhưng đằng sau ẩn chứa hiểm họa khôn lường.
Tại các khách sạn lớn, khi ăn buffet thường có nước cam được pha chế từ cốt cam. Đây là một trong hai dạng nước hoa quả đang bán trên thị trường hiện nay, nước cốt có dùng hương vị hoa quả.
Theo PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Thông thường có 2 dạng là nước hoa quả được sản xuất từ chính quả tươi và một loại là dùng hương vị của hoa quả để pha chế thành nước uống (chế phẩm pha chế - PV). Hiện các nước châu Âu có xu thế dùng nước uống sản xuất từ hoa quả tươi hơn là nước pha chế công nghiệp.
Nước cốt cam được rót ra đặc sánh, nồng nặc mùi cam.
Tuy nhiên, rất khó để nói tại các quán nhỏ lẻ, người tiêu dùng sẽ được uống nước cam pha chế có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo.
Khi bước chân vào những quán cà phê nhỏ bên đường, người tiêu dùng rất dễ uống phải nước cam pha từ nước cốt cam được lấy từ phố Hàng Buồm, Hà Nội.
Anh K. một người từng bán quán cà phê tiết lộ: Mua cam sành về pha bán cho khách có mà khánh kiệt. Giá cam sành lúc rẻ là 30 ngàn, như mùa này lên tới 40 – 45 ngàn đồng/kg, vắt ra được 1 cốc nước cam, lại thêm đường, thêm đá, công mình làm nếu bán giá 100 ngàn đồng, khách sẽ kêu đắt, đồng thời không có lãi. Tốt nhất cứ phải pha cốt cam mới có lãi.
Cũng theo anh K. dân bán quán thường có mối nhập hàng quen từ các cửa hàng bán siro, bánh kẹo… trên phố Hàng Buồm. Đã quen rồi thì chỉ cần gọi hỏi giá có thay đổi gì không và đặt số lượng, phía cung cấp sẽ cho xe ôm chở đến. Mình chỉ cầm hóa đơn bán lẻ, đưa tiền cho xe ôm ký và ký vào đó.
Phóng viên VTC News đã tìm đến phố Hàng Buồm, con phố này bày bán rất nhiều loại nước cốt: cốt cherry, cốt dâu tây, bạc hà, cốt dừa… Nhưng tất cả bày trên tủ kính, bày bên ngoài đều có nhãn mác tiếng Việt như chai 600ml, tinh dầu hương dâu, xoài của cơ sở Mỹ Linh, có địa chỉ và điện thoại rõ ràng.
Các chủ hàng tại đây đều khẳng định đây là hàng Việt Nam, được cấp phép kinh doanh, sử dụng.
Đi một loạt cửa hàng để tìm mua được hàng giá rẻ, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến cửa hàng của chị T. Người đàn bà này tay đeo đầy vàng, nhanh nhẹn chỉ đạo nhân viên khuân vác hàng, khi chép sổ sách.
Vừa mời chào chúng tôi mua hàng, bà chủ vừa viết hóa đơn cho khách. Ban đầu, chị chủ thấy chúng tôi muốn hỏi mua nước cốt cam về bán, chị bảo nhân viên mang ra những chai nước cốt Nana đủ hương liệu để giới thiệu.
Chúng tôi từ chối mua với lý do dùng nước cốt này không nhiều lợi nhuận, muốn tìm loại nước cốt giá rẻ, pha được nhiều nước cam. Chị chủ này từ chối bán cho chúng tôi với lý do nước cốt giá rẻ đó không đảm bảo cho sức khỏe nên không bán.
Đi tiếp đến một hàng khác, chúng tôi đang loay hoay chọn hàng thì phát hiện cửa hàng này đang đóng gói hàng để chở đến một quán nào đó. Liếc nhanh vào phía trong cửa hàng, phóng viên phát hiện những can nước cốt cam này có vỏ rất giống vỏ nước cốt cam có nhãn mác tiếng Việt được bày bán. Tuy nhiên, trên vỏ can nước cốt cam đang được đóng gói lại là nhãn tiếng Trung Quốc.
Chúng tôi hỏi muốn mua can nước cam loại của Trung Quốc, chủ hàng sai nhân viên vào lấy cho tôi 1 can và dặn: “Em pha nước này với tỉ lệ 1:4 nhé, thêm chút đường và đá vào sẽ được cốc nước cam như ý”.
Can nước cốt cam nhựa màu trắng, nắp màu đỏ, nhưng không hề có niêm phong trên nắp can. Người bán viết chữ “Cam” lên vỏ can để phân biệt với những loại nước cốt khác như cốt nho có màu tím, dâu tây có màu đỏ…
Uống nước cam dễ dính ung thư
Can nước cốt cam với nắp chai không được niêm phong.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên nhãn sản phẩm tiếng Trung có ghi rõ hướng dẫn sử dụng là pha một phần nước cốt cam có thể thêm vào 5 – 10 lần nước. Như vậy có thể thấy với chai nước cốt cam của Trung Quốc 2 lít này sẽ có được tối đa 20 lít nước cam để bán cho khách hàng.
Phóng viên VTC News đã trao đổi với PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để hiểu rõ hơn về công nghệ chế loại nước cốt này.
PGS cho biết: “Nghị định về ghi nhãn hàng hoá nêu rõ, tất cả hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài phải được cơ quan quản lý nhập khẩu cho phép. Hơn nữa, hàng hoá nhập khẩu phải có nhãn phụ dịch ra tiếng Việt để người tiêu dùng nắm được thông tin đầy đủ về sản phẩm. Sản phẩm phải được đóng gói, niêm phong. Bản thân sản phẩm có nguồn gốc hay không, mỗi nước có một hàng rào kỹ thuật kiểm soát. Sản phẩm nhập khẩu bán tại Việt Nam phải có giấy tờ cam kết được phép sử dụng của nước sở tại là an toàn cho người sử dụng.
Nếu chai nước nước cốt cam ghi toàn tiếng Trung, chỉ có thể là hàng chui, hàng xách tay. Lúc đó, quản lý thị trường có quyền thổi còi”.
Về việc nước cốt hoa quả của Trung Quốc có độc hại hay không, PGS – TS Thịnh phân tích: Nếu cốt cam được sản xuất theo tiêu chuẩn cho phép và được chứng nhận là an toàn thực phẩm sẽ không độc hại gì. Nhưng điều đáng nói là nếu nước cốt hoa quả trên thị trường là hàng trôi nổi, cần phải cảnh giác. Cụ thể, với loại nước cốt cam không rõ nguồn gốc thường gồm các thành phần như màu vàng thực phẩm, chất thơm tổng hợp, chất nhũ hoá làm cho nước sền sệt, đường, chất bảo quản. Thậm chí, tép cam họ cũng có thể làm nhân tạo.
Với đường để làm ngọt nước, nếu phía sản xuất cho đường cyclamate – hiện bị cấm sử dụng tại Việt Nam - người tiêu dùng cũng không thể biết được. Vị ngọt của đường này còn ngon hơn đường thông thường. Hơn nữa, nếu nhà sản xuất dùng phẩm màu thực phẩm không chuẩn sẽ có nguy cơ không khống chế được nồng độ cho phép.
Và để phân biệt loại nước hoa quả đảm bảo chất lượng với loại trôi nổi, khi uống nước ở quán giải khát, nếu không tinh ý, người tiêu dùng cũng không thể nhận biết.
Kết luận lại, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo: “Mọi chất hoá học đều có nguy cơ, nếu quá giới hạn cho phép sẽ gây nên hiện tượng ngộ độc trường diễn. Sau khi ăn, uống... các chất này sẽ tích tụ trong nội tạng cơ thể, thậm chí vào não gây bệnh như ung thư. Vì vậy, chỉ còn cách là mua đúng chỗ và sản phẩm được đảm bảo có nhãn hàng cùng niêm phong. Bản thân đơn vị sản xuất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính an toàn của sản phẩm với người tiêu dùng”.
Bài, ảnh: Nguyễn Tâm
Bình luận