• Zalo

Nguyên lãnh đạo Tổng cục Biển Đảo nói về những kẻ bắn xối xả ngư dân

Thời sựThứ Tư, 16/09/2015 08:26:00 +07:00Google News

Chuyên gia loại trừ khả năng lực lượng Chính phủ của nước lân cận nào đó đã xả súng vào 6 tàu cá, khiến 3 ngư dân Việt Nam thương vong.

(VTC News) – Chuyên gia loại trừ khả năng lực lượng Chính phủ của nước lân cận nào đó đã xả súng vào 6 tàu cá, khiến 3 ngư dân Việt Nam thương vong.

Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn các chuyên gia về việc 6 tàu cá của Việt Nam đang hoạt động khai thác trên biển thì bị 1 tàu lạ có trang bị vũ khí tấn công khiến 1 ngư dân thiệt mạng, 2 người bị thương.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam


- 6 tàu cá của ngư nhân Việt bị tàu lạ bắn xối xả trên biển và đã có người tử vong, ông nhận định thế nào về sự việc này?

Sự việc này là quá nghiêm trọng vì đã liên quan đến tính mạng con người.

- Theo ông, lực lượng nào đã xả súng vào 6 tàu Việt Nam và khiến 3 ngư dân của ta thương vong?

Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm và đang làm rõ sự việc. Chưa thể khẳng định lực lượng nào đã gây ra vụ xả súng này. Tuy nhiên, căn cứ vào các thông tin mà báo chí đăng tải, tôi loại trừ khả năng vụ việc này do lực lượng Chính phủ của nước lân cận nào đó gây ra.

Một trong những con tàu bị tấn công. Ảnh: Vietnamnet

Bởi nếu là lực lượng của Chính phủ của Malaysia, Indonesia hay Thái Lan... thì tàu phải có số, có cờ hiệu.

Chúng ta cũng biết, từ nhiều năm trước, Malaysia đã có chính sách cho phép đánh đắm tàu của nước khác xâm phạm vùng biển của họ. Indonesia cũng từng đốt một số tàu của các nước hoạt động trái phép trên vùng biển nước này. Họ công khai với thế giới việc làm đó.

Tuy nhiên, trước khi đánh đắm tàu, đốt tàu nước khác thì Malaysia hay Indonesia đều đưa ngư dân trên tàu lên bờ. Khi bắt giữ tàu hay ngư dân nước khác vì vi phạm chủ quyền biển của họ, họ cũng thông báo ngay việc bắt giữ cho các nước biết qua đường ngoại giao.


Chính vì thế, không có lý do gì mà lực lượng Chính phủ của nước lân cận nào đó lại gây ra những sự việc như vậy.

Hành động bắn tàu, bắn chết ngư dân của chúng ta rồi bỏ chạy như vậy chỉ là hành động của những tên cướp. Vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia cũng là nơi từng xảy ra nhiều vụ cướp biển.

- Trong sự việc này, ông cho rằng phía ngư dân của ta có lỗi gì hay không?

Chúng ta chưa thể khẳng định được điều gì. Hiện tại, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang cần làm rõ xem ngư dân trên 6 chiếc tàu cá của ta đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam hay đã đi vào vùng biển của nước bạn.

Trước khi chiếc tàu lạ kia nổ súng thì có xảy ra va chạm gì không, ngư dân của ta có chống đối hay không, nếu chống đối thì chống đối như thế nào?

Trong một số trường hợp, nếu gặp lực lượng của Chính phủ các nước mà ngư dân nổ súng chống đối, hoặc có hành động khiến lực lượng chức năng nước bạn hiểu lầm là cướp biển thì họ sẽ nổ súng. Tuy nhiên, khả năng này là rất khó xảy ra.

Ngư phủ vẫn chưa hết lo sợ, mệt mỏi.
Ngư phủ vẫn chưa hết lo sợ, mệt mỏi.  

Nhân sự việc này, tôi cũng phải nói thêm là nhiều ngư dân của ta nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, các thiết bị kỹ thuật, chẳng hạn hệ thống định vị cũng rất kém. Nhiều khi vô tình đi vào vùng biển nước khác cũng không nhận ra. Nhưng nhiều trường hợp, chúng ta không đi vào vùng biển của nước khác, chúng ta bị oan nhưng lại không chứng minh được. 

Trong vụ việc 6 chiếc tàu bị xả súng này, tôi cho rằng trung bình mỗi tàu sẽ có 5 người. Với lực lượng đông như vậy, chưa cần nói đến việc tổ chức đội hình bảo vệ nhau, hay sử dụng các phương tiện cần thiết để hạn chế thiệt hại, mà chỉ cần một chiếc điện thoại ghi lại được hình ảnh chiếc tàu lạ tấn công thì cơ quan chức năng ngay lập tức sẽ biết được tàu đó có số hiệu, cờ hiệu hay không, tàu của cướp biển hay lực lượng của nước nào?

Sau sự việc này, các cơ quan chức năng cần phải quan tâm tới việc đào tạo kỹ năng đối phó với rủi ro khi gặp trên biển cho ngư dân. Cần trang bị cho người dân biết khi gặp lực lượng của Chính phủ thì nhận diện như thế nào, ứng xử ra sao cho phù hợp? Khi gặp cướp biển thì phải làm sao để bảo vệ mình, hạn chế thiệt hại tới mức tối thiểu?

Chúng ta có thể mở những lớp đào tạo ngắn hạn với sự tham gia giảng dạy của Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Biên phòng... Trước khi ra khơi, cần phải cho như dân tiến hành thực hành tình huống cụ thể.

PGS.TS Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam

- Hội Nghề cá Việt Nam đã có động thái nào về sự việc này, thưa ông?

Đây là hành động vừa vi phạm luật pháp vừa vô nhân đạo. Ngay khi nhận được thông tin về sự việc, Hội Nghề cá Việt Nam đã lên tiếng phản đối, lên án hành động này.

Hội Nghề cá đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cần thông qua đường đối ngoại, phối hợp với các nước trong khu vực khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ lực lượng nào đã gây ra vụ xả súng này.

Một số đầu đạn được bắn ra từ nhóm tàu lạ. (Ảnh: TPO)

- Hội đã làm gì để phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ sự việc để bảo vệ các ngư dân trên biển?

Khi xác định được đối tượng gây ra vụ việc, chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời bồi thường cho ngư dân Việt Nam.

Hiện nay, Hội Nghề cá cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền để người dân chấp hành đúng các quy định. Nếu ngư dân vô tình đi ra ngoại vùng biển của Việt Nam để khai thác thì sẽ dẫn đến những tình huống hết sức phức tạp.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư tăng cường sự hiện diện trên biển để ngư dân có chỗ dựa khi xảy ra sự cố trong quá trình khai thác.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn