Nguyễn Hữu Thọ, một cuộc đời huyền thoại

Chính trịThứ Sáu, 17/12/2010 12:53:00 +07:00

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UB T.Ư Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có một cuộc đời mà nhiều câu chuyện huyền thoại sẽ được kể mãi tới mai sau

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam có một cuộc đời mà nhiều câu chuyện huyền thoại sẽ được kể mãi tới mai sau. Cuộc đời ông là một bí ẩn. Bí ẩn lớn nhất mà kẻ thù không thể hiểu nổi là, từ một trí thức lớn, có địa vị và cuộc sống đủ đầy nơi hoa lệ, luật sư đã trở thành một nhà yêu nước và một nhà hoạt động cách mạng tận trung, tận hiếu.

 Sự lựa chọn của lịch sử

Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam (MTDTGPMN) Việt Nam được thành lập, nhưng điều đặc biệt nhất của sự kiện ấy là việc tên người lãnh tụ của tổ chức này đang còn là một bí ẩn. Thực ra Ðảng và Bác Hồ đã chọn nhà trí thức lớn là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ để giao trọng trách ấy. Nhưng đúng vào thời điểm này, vị luật sư nổi tiếng yêu nước còn đang bị chính quyền Ngô Ðình Diệm quản thúc tại Phú Yên.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thăm một đơn vị Quân giải phóng tại miền Đông Nam Bộ. ( Ảnh: Tư liệu )  

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh năm 1910 tại Long An. Năm 1921, mới mười một tuổi, ông được gửi sang Pháp học, đến năm 1933, tốt nghiệp trường Luật, ông về nước hành nghề luật sư. Ông nổi tiếng ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ lúc đó vì là một luật sư có cảm tình với kháng chiến, từng đứng ra bảo vệ công khai các cán bộ Việt Minh ngay trước Tòa đại hình. Ông đã biện hộ thành công cho nhiều nhân vật kháng chiến nổi tiếng lúc đó. Bà Nguyễn Thị Bình (Nguyễn Châu Sa), nguyên Phó Chủ tịch nước cũng từng được Luật sư Nguyễn Hữu Thọ biện hộ... Cách mạng đã thấy cần có những con người như luật sư trong đội ngũ của mình.

Cuộc hội ngộ của vị luật sư lừng danh với người bạn cũ của mình là Luật sư Phạm Ngọc Thuần, lúc này đã là một cán bộ cao cấp của cách mạng ở Nam Bộ, diễn ra tại trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ giữa Ðồng Tháp Mười. Việc ông luật sư lái xe đi Mỹ Tho bị du kích Việt Minh 'bắt' coi như một sự kiện bí mật mà ít người biết rằng đó là cơ hội để nhà trí thức bắt đầu một con đường... Nhà văn Ðoàn Giỏi khi ấy là Trưởng công an huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho là người đầu tiên tiếp đón Luật sư Nguyễn Hữu Thọ...

Về chuyến vào bưng biền ấy, sau này ông kể rằng: Thời gian ít ỏi trong chiến khu đã cho tôi hiểu cuộc sống kháng chiến và đặt mình trước những suy nghĩ về bổn phận với đất nước. Mọi người trong kháng chiến sống đoàn kết bên nhau vì một lý tưởng cao đẹp. Không ai hỏi tôi một điều gì, ngoại trừ việc chỉ cho tôi cần hành động trước sự hy sinh của đồng bào. Tôi nghĩ rằng, là một trí thức có tên tuổi, có thể có đóng góp hành động của mình như một tấm gương cho giới trí thức Sài Gòn... Ðêm cuối cùng ở chiến khu, Phạm Ngọc Thuần người bạn lớn của ông đã dặn: Ở Sài Gòn cũng là một chiến trường. Hoạt động ngay trong lòng địch cũng là một nhiệm vụ quan trọng của kháng chiến.

Nguyễn Hữu Thọ trở lại Sài Gòn hoạt động công khai hợp pháp trong phong trào yêu nước. Từ chức Chánh án ở Vĩnh Long, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lên Sài Gòn mở văn phòng luật sư. Ông bắt đầu tiếp xúc với Hoàng Quốc Tân - cháu nội Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải. Hoàng Quốc Tân gia nhập Ðảng Cộng sản Pháp từ hồi học luật tại Pa-ri. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng Quốc Tân về nước tham gia hoạt động và được Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bố trí phụ trách Ban Trí vận hoạt động công khai giữa lòng địch. Ban Trí vận đã vận động trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn ra một bản tuyên ngôn kêu gọi Chính phủ Pháp đáp ứng đề nghị đàm phán kết thúc chiến tranh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 19-3-1950, cuộc biểu tình chống can thiệp Mỹ, với hàng trăm nghìn người tham gia. Dẫn đầu cuộc biểu tình, không ai khác là vị Luật sư nổi tiếng Nguyễn Hữu Thọ. Cả Sài Gòn biết cuộc dấn thân của ông đã bắt đầu. Thực dân Pháp cho bắt ông ngay hôm sau. Ðể cách ly ông, chúng đày ông lên tận bản Giắng xa xôi ở biên giới Lai Châu. Sau khi được tha, ông về lại Sài Gòn tiếp tục phong trào đòi hòa bình với tư cách là Phó Chủ tịch, đòi Mỹ, Diệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, chống chế độ độc tài Ngô Ðình Diệm. Ông đã bị Mỹ - Diệm bắt ngày 15-11-1954 cùng những người đồng chí và bị chúng đưa ra quản thúc tại Hải Phòng, lúc đó thành phố cảng đang dưới sự kiểm soát của quân Pháp. Sau đó là quãng dài bị lưu đày tại Phú Yên.

Sau Nghị quyết 15 của Trung ương về cách mạng miền nam, việc thành lập MTDTGPMN Việt Nam đã trở nên bức thiết, nhưng người được Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn đề cử làm lãnh tụ tổ chức này lại đang bị giặc giam giữ tại Phú Yên. Một kế hoạch giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bắt đầu. Bí thư Khu ủy khu V Trần Lương (tức Trung tướng Trần Nam Trung sau này) và Tỉnh ủy Phú Yên được giao nhiệm vụ ấy. Trước nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt, các trinh sát đã tiếp cận với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lúc này đang 'chữa bệnh' tại nhà thương Tuy Hòa. Ðể làm tin, một lá thư viết tay của Giáo sư Phạm Huy Thông, người bạn trí thức cùng chiến đấu năm nào trong phong trào đòi hòa bình, được chuyển vào cho luật sư qua bà Thừa Hoàng, một cơ sở cách mạng ở Tuy Hòa. Vị luật sư nhận được tín hiệu ấy mừng đến run người, suốt đêm không ngủ.

Cuộc giải thoát lần một bị địch đánh hơi thấy liền đưa luật sư lên Củng Sơn. Và lần thứ hai, với sự tính toán tỉ mỉ, chính xác, cuộc tập kích quận lỵ Củng Sơn với nhiều đơn vị của các địa phương tham gia thắng lợi, nhưng lần thứ hai cuộc giải cứu không thành công bởi địch đã đưa luật sư về thị xã Tuy Hòa hôm trước mà cơ sở không kịp báo tin... Lần thứ ba phải dùng đến mưu trí, luật sư đã được giải cứu thành công. Một đơn vị tinh nhuệ đã hộ tống luật sư theo đường giao liên về Trung ương Cục. Ðài phát thanh Giải phóng sau đó loan tin: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMN Việt Nam. Trên cương vị của mình, Nguyễn Hữu Thọ trở thành lãnh tụ của phong trào cách mạng quần chúng, là ngọn cờ tập hợp nhân sĩ trí thức cùng đồng bào miền nam tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam thành lập, một lần nữa, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn.

Những đóng góp và sự hy sinh vì nghĩa lớn

Ðất nước hòa bình, thống nhất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu vào Quốc hội, giữ chức Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, năm 1980 ông được giao quyền Chủ tịch nước. Tại Quốc hội khóa VII, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, sau đó ông giữ chức vụ Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch UBT.Ư MTTQ Việt Nam... Trong suốt cuộc đời, hoài bão lớn nhất của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là đấu tranh cho hòa bình thống nhất đất nước, đấu tranh thực hiện quyền dân chủ, công bằng xã hội để người dân được hưởng quyền lợi của mình từ thành quả cách mạng...

Trong cuộc đời hoạt động của mình, cũng như nhiều nhà cách mạng khác, ông đau đớn chia xa gia đình nơi có người vợ bị bệnh tâm thần và những đứa con...Ông Nguyễn Hữu Châu, người con trai của luật sư có lần kể: 'Ba bị đày đi một nơi nào đó thật xa, nghe nói tận ngoài biên giới (sau này lớn lên, nhìn vào bản đồ tôi mới biết đó là Mường Tè). Suốt hai năm trời, mẹ và tôi không gặp ba, vì đường sá xa xôi cách trở. Vắng ba, gia đình tôi gặp biết bao khó khăn. Bệnh của má ngày càng trở nặng, vì má quá buồn và quá lo cho ba. Khi ba bị đưa về quản thúc ở Sơn Tây, má còn bệnh. Bà dẫn tôi cùng chị Trân, bé Thủy ra thăm ba. Bé Thủy năm ấy mới lên ba. Bé sinh ra chỉ được mấy tháng thì ba bị bắt, nên bé không nhớ mặt ba. Gặp bé, ba mừng lắm, đưa tay ra bế nhưng bé không chịu. Ba ôm bé vào lòng dỗ dành, nhưng bé vẫn khóc thét lên. Ba phải trả bé lại cho bà, mặt buồn rười rượi. Năm ấy tôi mới chín tuổi, còn ngây thơ quá, chưa hiểu vì sao ba buồn. Song trí nhớ non nớt của tôi còn in đậm nét mặt của ba hôm đó...'.

Ngày miền nam giải phóng, ông về lại căn nhà xưa trong con hẻm ở Sài Gòn thì người vợ vẫn còn đấy, chỉ khác là già nua và bệnh trọng vẫn thế. Ông Châu kể: 'Vào cuối đời, ba vẫn sống giản dị, thanh đạm trong căn nhà do Nhà nước cấp, không có tài sản riêng tư nào đáng giá. Chỉ có điều ba ân hận do hoàn cảnh không lo cho má được nhiều'.

Cuộc đời người trí thức chân chính Nguyễn Hữu Thọ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc. Ông sống tận trung tận hiếu với nhân dân. Người bản Giắng Lai Châu xúc động đón ông trở về nơi đùm bọc ông những năm tháng bị lưu đày, người Tuy Hòa Phú Yên mãi mãi nhớ Nguyễn Hữu Thọ, một nhà cách mạng kiên cường, thủy chung, son sắt.

Theo Tân Linh/ Báo Nhân Dân

Bình luận
vtcnews.vn