GS.TS Vũ Tuấn (Nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội) đã gửi đến VTC News bài viết chia sẻ quan điểm về những vấn đề giáo dục được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Trong khi số học sinh trong các lớp trung học ở Mỹ và châu Âu là khoảng 25 học sinh và các lớp tiểu học ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Đức, Italy luôn duy trì ở sĩ số xấp xỉ 20 học sinh thậm chí dưới 20 học sinh thì con số này ở Việt Nam là 40,50 thậm chí 60 học sinh. Tình hình này xảy ra đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Không phải ngẫu nhiên các nước phát triển đều giữ sĩ số học sinh mỗi lớp như vậy. Tất cả các nghiên cứu về vấn đề này đều chỉ ra rằng, giảm số lượng học sinh trong lớp sẽ nâng cao chất lượng của các giờ dạy.
Hiển nhiên rằng, khi số lượng học sinh trong lớp ít hơn, giáo viên sẽ có thêm thời gian để chỉ dạy cho từng cá nhân, nắm được lỗ hổng kiến thức của từng em để có kế hoạch lấp đầy, trong khi với lớp học quá đông thì điều này rõ ràng là không thể.
Ngoài ra, giả sử giáo viên muốn áp dụng một phương pháp mới trong giờ học, chẳng hạn như tổ chức cho học sinh thảo luận, làm việc nhóm, thuyết trình hay chơi trò chơi thì sẽ rất khó thực hiện ở các lớp đông.
Cô giáo mất rất nhiều thời gian để tổ chức hoạt động cho các nhóm. Chỉ cần một vài em không hợp tác hay trình độ các em không đồng đều là buổi học sẽ thất bại ngay. Thậm chí lớp học có thể ngay lập tức thành cái chợ.
Một giáo viên dạy tại một trường công lập ở Hà Nội chia sẻ với sĩ số trên 50 học sinh một lớp, giáo viên chỉ có một cách duy nhất là giữ cho học sinh thật trật tự, sau đó giảng trên lớp, thỉnh thoảng gọi 1,2 bạn lên để làm bài.
Như vậy đa số học sinh còn lại có hiểu bài hay không và hiểu đến đâu cô giáo cũng không nắm kịp thời được. Nếu học sinh ngồi thật im, chăm chú nghe giảng thì sẽ nắm được bài, còn những em hơi mất tập trung hoặc tiếp thu chậm một chút thì sẽ dễ dàng bỏ qua bài giảng và bị hổng kiến thức ngay, những bài sau sẽ càng khó tiếp thu hơn.
Đó là chưa kể nếu một vài học sinh mất trật tự trong lớp thì những học sinh khác ở bàn dưới hay xung quanh cũng khó mà tiếp thu bài trọn vẹn được. Hiện tượng mất trật tự là chuyện không thể tránh khỏi, nhất là với những lớp từ trung học cơ sở trở lên khi các em ở lứa tuổi đang phát triển và rất hiếu động.
Thời gian gần đây, dư luận đang rất xôn xao về quyết định cấm dạy thêm ở các trường học ở TP.HCM. Quyết định này được một bộ phận lớn các phụ huynh ủng hộ vì tránh được những trường hợp tiêu cực như việc một số cô giáo thầy giáo dùng điểm số bắt ép học sinh đi học thêm để tăng thu nhập. Do đó quyết định đã nhận được sự ủng hộ của số đông phụ huynh.
Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề bất cập được đặt ra. Với sĩ số học sinh mỗi lớp đông như hiện nay, chất lượng học tại lớp nhìn chung không bảo đảm. Với mỗi giờ học trên lớp, chỉ khoảng 20% học sinh xuất sắc và chăm học nắm được bài giảng ngay, số còn lại một số em lơ mơ và một số thậm chí không nắm được gì.
Để giải quyết vấn đề này, trước nay các bậc phụ huynh tiểu học thường tự kèm con ở nhà mỗi tỗi hoặc cho đi học thêm. Các phụ huynh trung học thì cho con đi học thêm của cô giáo ở trường đồng thời kết hợp học thêm tại trung tâm.
Học thêm của cô giáo ở trường là để bù vào lỗ hổng kiến thức cơ bản được học tại trường, học thêm ở trung tâm để luyện các đề thi nâng cao và luyện thi vào các trường đại học, cao đẳng. Do đó, nếu như cấm học thêm hoàn toàn, vậy thì lỗ hổng kiến thức cơ bản sẽ được lấp đầy ở đâu.
Học gia sư thì hầu như không đem lại hiệu quả cao vì gia sư thường là sinh viên đi dạy mà sinh viên thường thiếu phương pháp giảng dạy và không nắm kiến thức đủ chắc như các giáo viên đã tham gia đào tạo lâu năm.
Ngay cả việc bố mẹ tự dạy con ở nhà cũng dẫn đến nhiều bất cập, bố mẹ thì không được đào tạo làm giáo viên nên hiệu quả của việc dạy học ở nhà là rất ít.
Thiết nghĩ việc cấm dạy thêm học thêm tại trường cũng có mặt tốt, tuy nhiên cần được làm đồng bộ với việc giảm số học sinh trong các lớp học và nâng cao chất lượng giờ học trên lớp. Nếu không, hệ lụy lâu dài mà nó để lại là không nhỏ đối với nền giáo dục còn nhiều bất cập của nước ta hiện nay.
Video: Trường tiểu học phải trả lại 1,7 tỷ đồng cho phụ huynh
Bình luận