• Zalo

Nguyên hiệu trưởng ĐH Lao động Xã hội bị oan?

Giáo dụcThứ Sáu, 14/10/2011 01:27:00 +07:00Google News

(VTC News)- "Tôi rất buồn và cảm thấy khổ tâm vì mình đã có thời gian dài làm công tác đào tạo, quản lý, đến tuổi nghỉ hưu lại vướng vào chuyện này..."

(VTC News) -  "Tôi rất buồn và cảm thấy khổ tâm vì mình đã có thời gian dài làm công tác đào tạo, quản lý, đến tuổi nghỉ hưu lại vướng vào chuyện này. Sự việc này làm mất uy tín của nhà trường, của bản thân tôi và ảnh hưởng đến danh dự của đội ngũ cán bộ giảng viên đã về hưu" - Ông Nguyễn Tiệp, nguyên hiệu trưởng ĐH Lao động Xã hội chia sẻ.


Sau khi những sai phạm trong đào tạo và tuyển sinh của ĐH Lao động Xã hội được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận đang hết sức xôn xao, hoài nghi vào chất lượng giáo dục ĐH vốn được xem là còn nhiều nhược điểm.

Chiều 13/10, ông Nguyễn Tiệp (nguyên hiệu trưởng ĐH Lao động Xã hội) đã có những thông tin đầu tiên cho báo chí xung quanh sự việc “ồn ào” này.

 Ông Nguyễn Tiệp, nguyên hiệu trưởng ĐH Lao động Xã hội (Ảnh: Hoàng Thùy)

Trả lời câu hỏi của PV về việc có hay không việc hàng trăm thí sinh dưới điểm sàn, điểm chuẩn hay không thi… vẫn đỗ vào ĐH Lao động Xã hội, ông Tiệp đã ngay lập tức bác bỏ: “Tôi xin khẳng định điều đó là không có bởi quy trình xét tuyển được nhà trường thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Sau khi hoàn thành khâu xét tuyển còn phải kiểm dò, gửi danh sách thí sinh trúng tuyển về trường các em dự thi để xin xác nhận và kiểm tra lại một lần nữa bằng phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT”.

Ông Tiệp cũng giải thích: “Mỗi thí sinh có quyền được nộp tới 4 bộ hồ sơ đăng ký dự thi nhưng chỉ được thi 1 trường nên 3 trường còn lại là ảo. Nếu chỉ kiểm tra một trường không thấy tên thí sinh mà kết luận em ấy không thi đại học là không đúng. Về khối thi, mỗi thí sinh có thể thi 2 khối, nếu chỉ xác minh một khối rồi kết luận cũng là vội vàng. Mặt khác, nhiều sinh viên của trường thuộc diện cử tuyển, đúp từ khóa trên xuống, hay học hệ trung cấp nên không có điểm dự thi đại học là đương nhiên”.

ĐH Lao động Xã hội còn đào tạo theo địa chỉ sử dụng (áp dụng điều 33 quy chế tuyển sinh có điểm ưu tiên cao hơn). Trong năm 2010, Tổng liên đoàn lao động và quân khu 4 chọn những thí sinh thuộc diện này rồi gửi xuống trường đào tạo – Ông Tiệp đưa ra ví dụ.

Tuy khẳng định là không có chuyện hàng trăm thí sinh được tuyển sinh vào trường sai quy chế nhưng ông Tiệp vẫn thừa nhận: ‘Một vài em có thể có và nguyên nhân là sai sót. Không có việc gì là toàn vẹn, ngay cả trong tính toán vẫn cho phép sai số cơ mà. Tôi làm hiệu trưởng nhiều năm, từng xử lý nhiều thí sinh không đủ điểm đỗ vẫn được gọi đến nhập học. Sau khi phát hiện, tôi kiên quyết xử lý, nếu đủ điểm vào cao đẳng thì cho học, không đủ thì đành để các em chọn cơ hội khác hoặc thi lại năm sau".

Lý giải về trường hợp 4 thí sinh tuy đã có quyết định thôi học nhưng vẫn đến lớp bình thường, ông Tiệp cho rằng do các thí sinh sai quy chế tuyển sinh khi sử dụng giấy xét tuyển không hợp pháp để làm thủ tục xét tuyển nguyện vọng 2, trong đó 2 em sửa đối tượng dự thi và hai em sử dụng giấy chứng nhận giả (photo màu).

Sau khi có kết quả điều tra, ĐH Lao động Xã hội đã xử lý theo quy chế hiện hành, buộc thôi học đối với 4 sinh viên sai phạm. Tuy nhiên, sau đó những sinh viên này có đơn khiếu nại rằng không hề làm sai mà lỗi tại trường các em dự thi đã đánh máy sai. Trước tình hình như vậy, ĐH Lao động Xã hội lại cho xác minh lại.

Trong thời gian đó, các em vẫn đến lớp học bình thường để chờ kết quả. Và khi chúng tôi chưa kịp xác minh lại thì xảy ra chuyện này.

Ông Tiệp cũng bào chữa: “Chúng tôi có lỗi là để thời gian xác minh hơi lâu… Việc này lại liên quan đến tương lai của 4 sinh viên nên chúng tôi phải làm cẩn thận”.

Sự việc trong thời gian gần đây đã khiến ông Tiệp có nhiều suy nghĩ: “Dù dừng công tác quản lý nhưng tôi vẫn tiếp tục giảng dạy nên giờ mỗi lần lên lớp thấy rất ngại với sinh viên. Tôi không thể đi giải thích với từng người rằng mình đúng, mình bị oan”.

“Tôi mong Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm có kết quả thanh tra để lấy lại công bằng cho nhà trường. Mặt khác, nếu thực sự có sai phạm, tôi sẽ chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Những cá nhân trực tiếp sai phạm thì cần xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật, sai đến đâu thì xử lý đến đó”. Ông Tiệp chia sẻ.

Bạn đọc suy nghĩ gì về những sai phạm nghiêm trọng của ĐH Lao động Xã hội và những lý lẽ của ông Nguyễn Tiệp, nguyên Hiệu trưởng ĐH Lao động Xã hội. Mọi ý kiến của bạn đọc xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.

Khởi Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn