Nguyễn Bình và "Cuộc chiến với hành tinh Fantom"

Tổng hợpThứ Hai, 01/07/2013 02:03:00 +07:00

Nếu thỉnh thoảng không có cái nhìn láu lỉnh, sắc lẹm và lướt rất nhanh của cậu ta hướng về phía tôi, thì chắc chắn tôi vẫn chưa tin…

           Tôi cứ nghĩ khi gặp gỡ, đối diện với tôi phải là chú bé tuy mới 12 tuổi nhưng sẽ ngồi ngay ngắn, nói năng chững chạc như người lớn, nhưng hóa ra không phải. Vì tôi đã gặp một Nguyễn Bình đang ngồi bên máy tính, miệng léo nhéo hát theo giai điệu trong bộ phim hoạt hình Orgy và liên tục ngọ nguậy trên ghế như mọi đứa trẻ hiếu động khác. “Nhà văn nhí” viết cuốn tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom khi mới 10 tuổi là đây ư? Vâng, nếu thỉnh thoảng không có cái nhìn láu lỉnh, sắc lẹm và lướt rất nhanh của cậu ta hướng về phía tôi, thì chắc chắn tôi vẫn chưa tin…

 

Cậu bé tinh quái

Khi tôi đến, Bình đang hí húi làm gì đó bên máy tính trong căn phòng rộng chừng chưa đầy 20m2, các bức tường bao bọc bởi các giá sách của bố em. Dù có phòng riêng hẳn hoi, lại có cửa sổ nhìn ra sân khu tập thể, nhưng cu cậu vẫn thích kéo đệm sang nằm cạnh bố. Cô Oanh, mẹ Bình kể thật ra Bình đã ngủ riêng một thời gian nhưng đêm đến mèo đuổi chuột chạy rầm rầm trên mái nhà nên cu cậu sợ. Bình cự nự, “Mẹ, con sợ gián chứ có sợ chuột đâu”! Thế mới có chuyện là khi ngủ cu cậu xoay người như cái kim đồng hồ, chân tay khua lung tung, thi thoảng lại đạp đúng mặt bố. Một hôm, sau khi bị con tặng nguyên cả gót chân vào mồm đau chảy nước mắt, bố Nguyễn Hòa vừa ôm mặt vừa xuýt xoa nói với con: “Này anh bạn, anh xem đổi cho tôi món khác đi chứ, bắt tôi xơi mãi cái món “móng giò” thế này ngán lắm rồi!”. Bình đáp lại bằng cái lối thủng thẳng đặc trưng của mình: “Bố ạ, phục vụ đêm thì chỉ có thế thôi!” khiến cả nhà ớ người, không ai biết phải đáp lại thế nào trước khả năng ứng khẩu quá nhanh của cậu.

Đang nghỉ hè nên Bình dành phần lớn thời gian bên máy tính. Có vẻ không quan tâm lắm tới sự có mặt của khách, Bình tiếp tục tí toáy trên bàn phím để kệ tôi lò dò xem từng cuốn sách trên giá. Cho đến khi tôi tới ngồi cạnh rồi tò mò hỏi Bình đang làm gì với các tấm hình về động đất, về núi lửa mà em đang tải từ trên mạng và cả các thông tin từ Wikipedia mà em đang mở nhoay nhoáy trên các cửa sổ mới kia; thì câu trả lời của Bình làm tôi bất ngờ: “Em tìm ảnh làm màn hình nền trên máy tính”. Thay màn hình nền cho máy tính thì cần gì phải cầu kỳ vậy. Tôi thắc mắc: “Sao em không dùng hình ảnh chó mèo, cây cỏ, hoa lá hoặc các nhân vật hoạt hình như những bạn khác vẫn làm?”.

Bình lúc 4 tuổi

            Tôi hỏi thế vì biết Bình rất thích chó và mèo. Bình còn khoe là đã bắt chước được tiếng chó, nhưng tiếng mèo thì cu cậu chịu vì “nó quại cái mồm ra”. Tuy nhiên vì nhà khá hẹp nên Bình không được nuôi cả hai con vật trên, bù lại “nhà em nuôi nhiều báo hồng”. Ấy là chú báo hồng trong phim hoạt hình Điệp vụ báo hồng bằng bông có hai cái chân dài loằng ngoằng mà mỗi khi đi đâu Bình lại quàng hai cái chân nó qua vai và “tha” đi. Đến nỗi sau đó bố phải mua cho em một con bé hơn để cầm cho tiện. Ở nhà, Bình cũng có khá nhiều gấu bông. Mỗi tối đi ngủ, sau khi chúc bố, chúc mẹ, chúc các chị ngủ ngon, cậu nhóc lại quay sang chúc từng con thú nhồi bông của mình, khiến có lần chị gái Bình phải nổi quạu: “Em cứ chúc thế này thì đến sáng mới xong mất thôi”!

Nghe tôi hỏi, Bình thủng thẳng: “Em không thích. Em thích những hình ảnh kinh dị”. Tôi hỏi tiếp: “Bao lâu em thay màn hình nền một lần?”. Bình bảo: “Em thay hàng ngày, cứ để mãi một hình nền thì chán lắm”, nói rồi Bình mở cho tôi xem màn hình nền của ngày hôm qua có chủ đề là “máy bay”, với các loại máy bay. Chủ đề hôm nay là “núi lửa”, vì vậy mà Bình ngồi tí toáy tìm hình ảnh về núi lửa, đồng thời đọc luôn các thông tin về các núi lửa trên thế giới.

Thao tác trên máy tính của Bình khá thuần thục, khả năng tìm kiếm thông tin bằng tiếng Anh của em rất tốt. Tuy Bình nói tìm hình ảnh để thay màn hình nền cho máy tính, nhưng tôi nghĩ, có lẽ cũng bằng cái cách giải trí tưởng như đơn thuần này mà trong tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom của mình, Bình thể hiện sự hiểu biết phong phú về nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kiến thức lịch sử, địa lý, kiến trúc, đến thiên văn học… Song tôi cũng ngờ rằng, nó chỉ là hình thức “ngụy trang” của cậu bé láu lỉnh. Vì không ai có thể biết trong đầu cậu đang diễn ra cái gì. Ngày trước, khi Bình bắt đầu viết những trang đầu tiên của cuốn Cuộc chiến với hành tinh Fantom cũng vậy, hễ bố mẹ vào phòng là lại thấy Bình đang xem phim, nhưng bố mẹ ra khỏi phòng cu cậu lại lạch cạch gõ. Chỉ tới khi Bình ngồi quá lâu, mẹ cậu buộc phải cầm roi tét vài cái vào mông thì Bình mới chịu “khai” là đang… sáng tác truyện. Và ước mơ của cậu bé khi ấy là không phải viết trộm nữa!

Bình đang đọc sách về các vị vua Pharaon

Ngồi “bô” và… tự học ngoại ngữ!

Bình là con út trong gia đình có ba người con. Trước Bình là hai chị gái. Mẹ Bình cho biết, không chỉ Bình mà hai chị gái của cậu cũng biết đọc biết viết từ năm 2 - 3 tuổi. Cô Oanh trước là giáo viên mầm non nhưng chẳng ép nổi đứa con nào chịu đi học mẫu giáo, vì trong khi các trẻ cùng tuổi đang ê a tập nói những câu có nghĩa thì con mình đã đọc vanh vách sách báo, thậm chí làm toán. Hồi 3 tuổi chỉ vì “tranh luận” với cô giáo về việc phát âm “d” hay “r” trong “củ cà rốt” mà chị cả của Bình nhất quyết không đi học nữa, vì cô giáo toàn phát âm là “củ cà dốt”! Và 4 tuổi rưỡi, chị của cậu viết bài dự thi rồi đòi bố đưa đến tòa soạn báo Nhi Đồng để tự mang lên phòng Tổng Biên tập. Mới 25 tuổi, nhưng chị Bình đã đang làm luận án tiến sĩ về Phật giáo. Chị thứ hai của Bình học năm thứ ba đại học Công nghệ sinh học, thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, đang học thêm tiếng Đức, mới nhận học bổng của EU dành cho sinh viên đại học và chuẩn bị sang Bỉ học một năm.  

Nguyễn Bình cũng không hề « kém cạnh » hai chị. Năm hơn 3 tuổi, cậu đã biết mượn điện thoại của mẹ để nhắn tin cho bố: “Ông Hòa ơi, chiều đi làm về, ông mua cho tôi quyển từ điển Hán - Việt!”. Khi đó bố cậu đang ngồi vỉa hè uống trà với nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông đưa nhà thơ xem tin nhắn, nhà thơ phá ra cười rồi bảo: “Thằng này đặc biệt đấy ông ạ!”. Năm 2 tuổi, từ mày mò sách vở của bố, của chị, Bình bắt đầu đứng, nằm, ngồi, dùng cơ thể của mình mô phỏng theo các chữ cái. Chắc vì thế, sau đó cu cậu say mê Hán tự - một kiểu chữ tượng hình. Hồi ấy, hễ ai đố chữ gì là Bình chẳng ngại ngồi bệt xuống đất hay nằm lăn quay ra nhà để mô phỏng.

Nguyễn Bình trong buổi ra mắt cuốn sách đầu tay

Rồi Bình bắt đầu làm quen với máy tính, lập hòm thư điện tử riêng cho mình. Bình tự tải trên mạng phần mềm học chữ Hán về tự học. Vài tháng sau, cậu đã viết chữ Hán lung tung khắp nhà, đến mức có chiếc bút dạ dầu, bố cậu phải giấu biến vì sợ cậu lôi ra viết chữ Hán lên bàn ghế, giường tủ thì rất khó xóa. Mẹ Bình kể, vào mùa hè thấy mẹ mặc quần “ngố” nằm nghỉ trưa, Bình chổng mông loay hoay viết chi chít lên chân mẹ mấy chữ “Nguyễn Thị Oanh” bằng chữ Hán. Tường nhà cũng thế, không chỗ nào không có chữ Hán. Trên cổng sắt chung của mấy gia đình cùng hành lang, cậu dán mẩu giấy có dòng chữ Hán: “Ở đây có bán cá tươi”, ai đi qua cũng ngại, vì tưởng là… dán bùa!

Bị ốm phải nằm viện Bạch Mai, các cô chú bác sĩ, y tá khám cho Bình biết chuyện, tới “xin chữ”, cậu viết luôn. Có lúc giường bệnh của Bình ngổn ngang toàn giấy với bút. Giáp Tết, Bình đến cơ quan bố, nhiều cô chú cũng đến “xin chữ”. Ai xin chữ gì, Bình lấy bút ra múa như một “thầy đồ”. Năm Đinh Hợi, theo bố đến chúc tết gia đình PGS TS Nguyễn Hữu Sơn. Sau khi Bình viết tặng chữ “sơn”, chú Sơn hỏi Bình viết được chữ “đức” không, cu cậu cầm bút viết. Chữ “đức” 12 nét, viết khó, nhưng cu cậu vẫn nhanh chóng hoàn thành. Chú Sơn bảo phải viết cả “lạc khoản”, Bình chưa biết “lạc khoản” là gì, chú Sơn giải thích đại loại như ghi rõ ngày tháng, ký tên. Bình ngẫm nghĩ một lát rồi ký Nguyễn Bình bằng chữ Hán; nhưng thay vì viết năm “Đinh Hợi”, thì Bình viết là “năm lợn giẫm phải đinh” rồi giải thích… “Đinh Hợi là lợn giẫm phải đinh!”, khiến mọi người phải phì cười vì sự lém lỉnh, tinh quái.

Lần khác, không thấy có tiếng con lóe xóe trong nhà, bố của Bình đi tìm thì phát hiện cậu đang tồng ngồng ngồi “bô”, hai tay khệ nệ bê Từ điển Thiều Chửu để tra cứu. Ông lẳng lặng lấy máy ảnh, chụp được mấy kiểu, cu cậu phát hiện bị chụp ảnh liền toe toét cười, rồi chui tọt vào trong. Mới rồi, lục trong album gia đình, phát hiện mấy tấm ảnh này, bố của Bình dọa: “Anh mà học hành không ra gì, tôi đem ảnh này ra đăng báo!”.

 

Được vài năm thì Bình bắt đầu không còn hứng thú với chữ Hán. Dường như khi bắt đầu lướt web thành thạo, Bình tự thấy phải biết tiếng Anh. Thế là cu cậu chuyển sang học tiếng Anh. Bình học tiếng Anh ở trường, ở lớp học thêm và tự học. Vì tự học nên không biết trình độ tiếng Anh của cậu đến mức nào, nhưng đọc các phụ đề phim mà Bình dịch với nội dung nhuần nhuyễn và chính xác, có thể thấy đến hiện tại, Bình nghe - đọc - hiểu - dịch tiếng Anh khá tốt.  

Bình ứng khẩu rất nhanh và thông minh, đấy là một đặc điểm rất ấn tượng của cậu. Điều đó được thể hiện khá rõ trong các đoạn đối thoại của Cuộc chiến với hành tinh Fantom. Các cô chú trong khu tập thể bảo: “Nhân vật Frank trong truyện y chang thằng Bình”, nhưng theo Bình thì mỗi nhân vật trong truyện đều chỉ mang một phần tính cách của em, còn lại là do em tưởng tượng.

Nhìn Bình, tôi nghĩ đến cô nhà văn trinh thám trong bộ phim Nim’s Island có nữ diễn viên Jodie Foster thủ vai. Đó là một nữ nhà văn phần lớn cuộc đời ở trong bốn bức tường và khám phá thế giới qua các trang tìm kiếm trên mạng rồi viết một cuốn tiểu thuyết trinh thám, phiêu lưu vô cùng ly kỳ và thật đến nỗi người ta tưởng người viết ra chúng đích thị là một nhà thám hiểm. Đọc tiểu thuyết của Bình, cũng có cảm giác Bình là một cậu bé Mỹ thật sự bởi sự am hiểu về mỗi nơi nhân vật chính Frank đặt chân đến, quan sát thấy, sờ vào chúng, cảm nhận chúng, mỗi nhân vật Frank gặp, nói chuyện,… đều là những sự vật, con người có thật mà Bình đã gặp, đã đặt chân đến nhưng kỳ thực lại không phải như vậy. Tất cả là do Bình tưởng tượng dựa trên các kiến thức mà em tìm kiếm trên internet, một khối lượng thông tin không nhỏ mà có độc giả tri thức, là bạn của bố em phải thú nhận là đọc xong truyện của Bình mới biết đã từng tồn tại một sự việc, một sự kiện, một con người như vậy.

Mẹ Bình kể, trước khi viết truyện, Bình rất thích làm phim. Cậu tự vẽ tranh, tìm kiếm ảnh theo một chủ đề, ghép nhạc, rồi play cho mẹ xem. Nhưng cuối năm lớp 4, Bình bắt đầu thay đổi, không làm phim nữa mà chuyển sang “hoạt động bí mật”. Khi bị mẹ phát hiện, cậu bắt mẹ ngoắc tay hứa không được tiết lộ, chỉ đến lúc Bình viết được khoảng 150 trang thì cậu mới copy ra USB rồi giấu qua đúng 7 lần thư mục mới cho mẹ đọc. Biết chuyện, bố của Bình  « rình » lúc cậu không để ý, liền copy vào USB của mình để xem. Đọc xong những trang bản thảo đầu tiên, ông bị bất ngờ, vội gửi cho nhà thơ Trần Đăng Khoa và các nhà văn Bão Vũ, Lưu Sơn Minh, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp… nhờ đọc hộ. Tất cả đều đánh giá tốt, đề nghị cứ để Bình viết tiếp. Và ba tập đầu của Cuộc chiến với hành tinh Fantom đã ra đời như thế. Đến nay, Bình đã hoàn thành ba tập tiếp theo, chuẩn bị giới thiệu với độc giả. Tập 7, tập 8 vẫn đang dở dang trong máy tính của Bình, và mặc dù không cần phải viết trộm nữa nhưng không ai biết Bình viết vào lúc nào, vì ngó vào máy tính chỉ thấy hoặc Bình đang dịch phụ đề phim từ tiếng Anh sang tiếng Việt, đang viết một cái gì đấy bằng tiếng Anh, đang nghe nhạc cổ điển, hoặc đơn giản là tìm ảnh để thay màn hình nền. Bình quả là một cậu bé kỳ lạ!

 

Nguyễn Bình bên người bạn thân thiết - chú báo hồng

Lao động nghệ thuật nghiêm túc

 Năm nay, Nguyễn Bình lên lớp 7. Năm học vừa rồi, cu cậu đạt danh hiệu học sinh giỏi nhưng xếp thứ 23 trong lớp. Bố của cậu bảo: “Xem ra anh học khỏe thật, đội hẳn 22 bạn trên đầu”! Nhiều người lo ngại về sự phát triển, thành công quá sớm của một “tài năng văn chương” khiến Bình sẽ “không có tuổi thơ” hoặc hoài nghi, liệu có phải rồi đây sẽ có một Trần Đăng Khoa nữa, rất khó khăn vượt qua cái bóng “thần đồng” đã đóng đinh vào tuổi lên mười. Thế nhưng, gặp Bình, những suy nghĩ ấy dường như sẽ không còn, chỉ thấy một cậu bé tinh quái nhưng “nhắng nhít” (như nhận xét của nhiều người), vẫn còn nhõng nhẽo mẹ, thậm chí cậu còn bày tỏ sự yêu mến bố bằng cách kể một thói quen xấu của bố trong tiểu thuyết của mình, chuyện này thì chỉ có người trong gia đình mới biết. Còn bố mẹ thì muốn em được tự do làm theo những sở thích mà họ cho là có thể nhất thời; họ chấp nhận cả tình huống tới lúc nào đó em không viết tiểu thuyết, mà quay sang làm phim hoặc học hành để trở thành bác sỹ, kỹ sư thì cũng không sao.

Lại có nhiều người tò mò, không hiểu bố mẹ Bình có bí kíp dạy con thế nào mà không chỉ Bình mà cả hai chị gái của Bình đều biết đọc biết viết từ rất sớm. Có thể coi đó là cái “gen” của cha mẹ, nhưng môi trường giáo dục trong gia đình cậu nhóc này có lẽ có một phần không nhỏ. Bố em, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa chia sẻ, từ khi các con còn bé, ông thường mua rất nhiều bộ chữ cái xếp hình để các con ở nhà vừa chơi vừa học, học nhận biết chữ cái rồi thì học ghép vần, lúc nào thích thì cùng chơi, còn không thì chơi trò khác, chứ không ép. Ông bảo: “Dù bận mấy thì mỗi ngày cũng nên dành 15 phút chơi cùng con, nói chuyện với con, nó sẽ học được rất nhiều từ 15 phút ấy”.

Ở nhà có khá nhiều sách, sau bữa cơm tối là mỗi người một cuốn sách, một tờ báo, Bình không có ai chơi cùng nên cũng bắt chước bố mẹ và các chị lôi sách ra nghịch, nghịch rồi tò mò, rồi hỏi, cứ thế dần dần thành thói quen. Phản xạ tìm kiếm của Bình rất nhanh, ngay cả khi đang trò chuyện vui vẻ, hễ thấy xuất hiện thông tin gì mới mọi người còn đang bàn luận thì lập tức cậu nhóc đứng dậy đi tìm từ điển để tra hoặc tìm kiếm trên mạng, chứ không nghe xong để đấy. Nói chuyện với tôi cũng vậy, có cảm giác Bình lơ đễnh mặc kệ mọi thứ lướt qua tai mình nhưng trong một vài khoảnh khắc tai cậu như dỏng lên và Bình như “chộp” lấy một chi tiết nào đó mà cậu thấy “lọt tai” rồi lập tức thao tác tìm kiếm trên bàn phím nhanh thoăn thoắt.

Không giống nhiều đứa trẻ cùng trang lứa thích đến các khu vui chơi giải trí, nghe nhạc Hàn, đến rạp chiếu phim,… Bình thích đi thăm các bảo tàng, công trình kiến trúc, lịch sử và nghe nhạc cổ điển. Được bố cho cái máy ảnh, Bình và các chị lên xe bus đi tham quan, chụp ảnh, cu cậu có thể ngồi bệt dưới đất cả tiếng đồng hồ chỉ để ngắm nghía một hiện vật mà cậu tò mò. Nghe thì có vẻ già dặn và khó hòa nhập với bạn bè cùng lứa, nhưng đến buổi chiều, khi lũ trẻ tập trung chơi dưới sân khu tập thể là chẳng bao giờ thiếu Bình, và trên tay Bình là các món đồ chơi tự chế. “Chúng nó chơi trò gì, em tham gia trò đó”, Bình thủng thẳng. Thậm chí Bình rất nghịch ngợm, mẹ em phải thốt lên rằng, “Nó đến nhà ai là người ta phải “sợ” vì cái tội nghịch”. Rất dễ nhận thấy các đặc điểm tính cách này trong tiểu thuyết của Bình qua các nhân vật Frank, Micheal, George…

Tuy đang ở cái tuổi cả thèm chóng chán, nhưng tiểu thuyết của Bình thực sự là kết quả của một lao động nghệ thuật nghiêm túc. Đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Đối với Nguyễn Bình, viết văn đâu có phải là một việc dễ dàng, cứ nghĩ gì thì nói thế. Cậu đã lao động nghệ thuật rất nghiêm túc như một nhà văn và nhà khảo cứu đích thực”, chỉ có sự hồn nhiên, trong sáng của Bình là cứ thế tung tăng nhảy vào mỗi trang sách mà thôi.

Trên con đường văn chương dài mịt mù, Bình mới chỉ đặt bước chân đầu tiên - như cách nhà thơ Trần Đăng Khoa nói, nhưng với những gì Bình làm được, có lẽ nhiều người lớn cũng phải thán phục. Mong cho Nguyễn Bình bước những bước tiếp theo hồn nhiên và vững vàng như thế, không chỉ trên những trang tiểu thuyết tiếp theo mà còn trên cả cuốn sách cuộc đời em nữa.

 Hà Trang

Bình luận
vtcnews.vn