(VTC News) - Giáo sư Hoàng Chương cho rằng, trách nhiệm trong việc để người dân chiếm dụng lòng đường dựng rạp đám cưới trước tiên thuộc về chính quyền địa phương.
Sự việc cô gái 16 tuổi tử vong dưới bánh ô tô khi chiếc xe này cố gắng tránh một đám đông đang dự tiệc trong rạp cưới dựng giữa đường tại TP.HCM đã khiến dư luận phẫn nộ về tình trạng "cướp đường" đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.
Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Hoàng Chương – Chủ nhiệm Dự án văn hóa giao thông, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam để làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc này.
- Vừa qua, do né đám đông đang dự tiệc trong rạp cưới dựng giữa lòng đường, một chiếc xe tải đã cán chết cô gái 16 tuổi ở TP.HCM khiến dư luận phẫn nộ. Giáo sư có đánh giá thế nào sau sự việc này?
Rạp cưới chiếm dụng 2/3 lòng đại lộ. (Ảnh: PLXH) |
Tôi có theo dõi nội dung vụ việc rất sát qua báo chí, truyền hình. Đây là một vụ tai nạn rất đáng tiếc xảy ra trong ngày vui, nhưng đó cũng là một hồi chuông cảnh báo cho chúng ta trước tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường dựng rạp tổ chức đám cưới diễn ra phổ biến trong thời gian vừa qua.
Việc lấn chiếm lòng đường dựng rạp cưới như vậy rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật.Chỉ một chiếc xe máy, một chiếc ô tô dừng đỗ giữa đường sai quy định còn bị xử phạt, đây lại là cả một rạp cưới rộng hàng chục mét thậm chí đến cả trăm mét vuông mà vẫn ngang nhiên án ngữ giữa đường, không bị ai xử lý.
- Trong vụ việc kể trên, chủ rạp cưới đã bị xử phạt hành chính và phải tháo dỡ rạp ngay trong đêm. Vậy có phải tất cả trách nhiệm chỉ thuộc về gia đình tổ chức cưới hay không, thưa giáo sư?
Trước tiên, cái sai thuộc về người dân khi “trưng dụng” đường giao thông để làm nơi tổ chức công việc cá nhân, gia đình. Đường giao thông là cơ sở hạ tầng quốc gia, việc lấn chiếm như vậy để phục vụ mục đích riêng của gia đình hoàn toàn không đúng.
Tuy nhiên, tiếp tay cho hành vi sai trái này của người dân là chính quyền địa phương, là các cơ quan chức năng có nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên đường phố.
Cụ thể, khi phát hiện người dân dựng rạp cưới lấn chiếm lòng đường, gây cản trở giao thông, chính quyền địa phương cần có biện pháp nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời. Cùng với đó, các lực lượng đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng cần làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình.
- Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra các tai nạn đáng tiếc từ các vụ tránh rạp cưới lấn chiếm lòng đường, vỉa hè như thế nào, thưa giáo sư?
Theo tôi, cần làm rõ việc người dân được chính quyền đồng ý dựng rạp hay tự ý dựng rạp, khi đó sẽ làm rõ được trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan.
Từ vụ việc này, tôi kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị để xử lý răn đe, tránh những hậu quả đáng tiếc sau này.
- Có ý kiến cho rằng, người Việt ta vẫn sống vì cái tình, các cơ quan chức năng vì lý do "chuyện trăm năm mới có một lần" của người dân mà nể nang cho qua nên không ngăn chặn?
Chúng ta vẫn thường nói với nhau, giải quyết việc gì cũng phải “thấu tình đạt lý”. Trong trường hợp này, nếu vì nể nang, vì tình cảm, vì lý do đám cưới là ngày vui mà chúng ta dung túng cho hành vi sai phạm, tiếp tay cho hành vi đó thì cũng không thể chấp nhận được.
Tôi đồng ý rằng đám cưới là ngày vui của cả gia đình, nhưng để tạo điều kiện cho gia đình, chính quyền có thể khắc phục bằng cách vận động người dân dựng rạp đúng quy định.
Nếu những gia đình hạn chế về kinh tế, diện tích có thể kêu gọi mọi người tại địa phương hỗ trợ, cho mượn sân bãi, hoặc các không gian sinh hoạt cộng đồng để tổ chức…Như vậy mới hợp lý, chứ không thể vì "thấu tình" mà "nhắm mắt làm ngơ" trước các hành vi vi phạm.
- Giáo sư đã khi nào gặp phải các va chạm đáng tiếc vì những rạp cưới án ngữ dưới lòng đường hay chưa?
Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp rạp cưới chiếm gần trọn lòng đường. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, thậm chí nhiều tuyến đường quốc lộ, liên tỉnh tôi đi qua đều xảy ra tình trạng này.
Có những khu vực thì đường tắc hẳn, có những điểm thì phải ì ạch mới lưu thông qua được. Còn tai nạn giao thông do dựng rạp cưới giữa đường thì tôi chưa chứng kiến, nhưng nếu tình trạng này còn tái diễn thì chúng ta cũng không thể nói trước được điều gì.
- Đã có cảnh báo về “những cái chết tập thể” khi dựng rạp cưới giữa đường bởi cảnh tiệc tùng linh đình, ăn uống rượu chè…, giáo sư có quan điểm thế nào?
Người dân lo lắng như vậy không phải là không có cơ sở. Mỗi lần đi đám cưới lại là một lần ăn uống linh đình, uống rượu bia…kéo dài hàng tiếng đồng hồ trên đường phố, hiện trạng ấy quả thực rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Rạp cưới, xe máy của khách chiếm trọn lòng đường |
Điều đáng nói hơn, chính những người khách được mời đến dự tiệc bị đặt vào “hoàn cảnh nguy hiểm”, vô tình tạo ra một buổi sinh hoạt rầm rộ ngay giữa đường phố.
Sau hết, mỗi người dân cần ý thức hơn trong vấn đề này để đám cưới được trọn vẹn. Đừng để ngày vui lại trở thành ngày buồn, đám cưới lại có đám tang như vụ việc vừa qua.
- Xin cảm ơn giáo sư!
Hà Minh
Hà Minh
Bình luận