Thời gian gần đây, các căn shophouse được chào bán với mức giá chênh hàng tỷ đồng đã khiến nhiều người bất ngờ. Có thể kể đến như, khu nhà phố thương mại tại B4 Nam Trung Yên, Hà Nội được giới thiệu của thương hiệu Vimefulland thuộc tập đoàn Dược phẩm Vimedimex.
Thoạt đầu, nhân viên bán hàng giới thiệu các shophouse có giá trên hợp đồng khoảng 12 tỷ đồng/căn 120m2. Tuy nhiên, người bán hàng cho biết, đó chỉ là giá trên hợp đồng, người mua sẽ phải trả 18 tỷ đồng tiền chênh và tổng giá trị thực tế của một căn shophouse là 30 tỷ đồng/căn.
Tương tự, dự án Shophouse Vạn Phúc (hay còn gọi là Khu nhà phố thương mại 24h) có địa điểm tại Hà Đông, Hà Nội có giá 170 triệu/m2 tiền đất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số khách hàng khi có ý định đầu tư mua căn hộ shophouse tỏ vẻ nghi ngại trước việc giá ghi trong hợp đồng mua bán chênh từ chục triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi mét vuông.
Theo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội, đây là chiêu né thuế của chủ đầu tư. Chủ đầu tư trước khi công bố mở bán đã cho một số nhà đầu tư đứng tên trong hợp đồng với giá trị thực thấp, sau đó chuyển nhượng cho người mua mới nhưng đẩy giá chênh cao. Khoản chênh thường là thỏa thuận, không có hóa đơn, chứng từ nên không ghi nhận vào giá trị tính thuế.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, Điều 15 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định rõ: “Giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng. Trường hợp Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.”
Khoản 1 Điều 16 Luật này cũng quy định: “Việc thanh toán trong giao dịch bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán”. Như vậy, theo các quy định trên, giá mua bán bất động sản do các bên thỏa thuận phải được ghi rõ ràng chính xác trong hợp đồng.
Video: Sẽ đấu giá bất động sản của bầu Kiên
Tuy nhiên, hiện nay, không ít dự án được rao bán với số tiền chênh khá lớn. Số tiền này tất nhiên sẽ không được ghi trong hợp đồng mua bán, người mua cũng không được cung cấp bất cứ hóa đơn, chứng từ nào cho khoản chênh này do đó sẽ có nguy cơ bị mất một số tiền không hề nhỏ và có thể sẽ không lấy lại được số tiền chênh lệch không được ghi trong hợp đồng nếu hai bên xảy ra tranh chấp.
Bởi thông thường nếu giữa chủ đầu tư và người mua nhà xảy ra tranh chấp, người mua không đồng ý mua nhà nữa và yêu cầu trả lại tiền thì chủ đầu tư có thể trả lại tiền nhưng sẽ chỉ trả đúng số tiền ghi trong hợp đồng. Đây là một rủi ro rất lớn đối với người mua nhà.
Ngoài ra, một rủi ro khác cho người mua chấp nhận ký hợp đồng và trả khoản tiền “chênh” khi mua bất động sản đó là bản thân người mua không được tính vào giá vốn của mình. Giả định sau này Nhà nước đánh thuế khi chuyển nhượng bất động sản mà đánh trên phần chênh lệch theo cách tính cũ, tức là khi chủ đầu tư có lời mới đánh thuế thì trong trường hợp này, người mua nhà sẽ bị thiệt vì giá không được tính đúng, tính đủ.
Bình luận