• Zalo

Nguy cơ bạo động bùng phát trong đình công và biểu tình tại Pháp

Thời sự quốc tếThứ Ba, 28/03/2023 07:14:36 +07:00Google News
(VTC News) -

Các phong trào biểu tình và đình công phản đối dự luật cải cách hưu trí tiếp tục diễn ra với quy mô lớn trong ngày 28/3 và tiềm ẩn nguy cơ bạo động rất cao.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết sẽ triển khai khoảng 13.000 cảnh sát để đối phó với xu hướng bạo lực, cực đoan có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng.

Theo thông báo của các nghiệp đoàn lao động, giao thông trên toàn nước Pháp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong ngày hôm nay (28/3) khi hơn một nửa số chuyến tàu liên vùng và liên tỉnh sẽ bị huỷ. Hệ thống tàu điện ngầm trong nội đô thủ đô Paris cũng sẽ rối loạn do đình công. Tổng Cục hàng không dân sự Pháp ra thông báo hoạt động tại các sân bay như Orly Paris, Marseille, Bordeaux, Toulouse sẽ bị cắt giảm cho đến ngày 30/3.

Nghiệp đoàn giáo dục Pháp (Snuipp-FSU) cho biết, khoảng 30% giáo viên tiểu học sẽ tham gia đình công. Trong lĩnh vực năng lượng, các cuộc đình công và phong toả tại một số nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ thuộc tập đoàn năng lượng TotalEnergies cũng sẽ được kéo dài. 

Tính đến ngày hôm qua (27/3), 15% số cây xăng tại Pháp đã rơi vào tình trạng thiếu xăng hoặc dầu, nhất là khu vực phía Tây khi tỷ lệ này lên tới hơn 50%. Theo ước tính, thủ đô Paris hiện vẫn còn hơn 8.000 tấn rác chưa được thu gom từ 3 tuần qua.    

Bộ Nội vụ Pháp dự báo sẽ có từ 700.000 đến 900.000 người tham gia các cuộc tuần hành trên toàn nước Pháp trong ngày hôm nay, trong đó đông nhất là tại thủ đô Paris có thể lên đến 100.000 người. Một con số đáng chú ý khác là tầng lớp thanh niên tham gia hưởng ứng ngày càng đông, dự kiến sẽ gấp 2 đến 3 lần so với cuộc tuần hành ngày 23/3 vừa qua.

Nguy cơ bạo động bùng phát trong đình công và biểu tình tại Pháp - 1

Biểu tình bạo lực tại Pháp hôm 23/3. (Nguồn: Le Monde)

Phát biểu tại phiên họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Pháp ông Gérald Darmanin cho biết kể từ khi Thủ tướng Elisabeth Borne quyết định sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp để thông qua Dự luật cải cách hưu trí vào ngày 16/3, đã có 114 hành vi phá hoại nhằm vào các văn phòng chính trị và Quốc hội, 128 hành vi phá hoại nhắm vào các cơ sở công cộng và 2.179 vụ đốt phá trên khắp nước Pháp. 

Theo Bộ Nội vụ Pháp, đã có khoảng hơn 1.000 phần tử cực đoan, trong đó một số trở về từ nước ngoài sẽ tham gia các cuộc biểu tình tại Paris và nhiều thành phố lớn khác như Lyon, Rennes, Nantes, Dijon hay Bordeaux để kích động gây rối. 

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết sẽ triển khai 13.000 cảnh sát tại Pháp và riêng thủ đô Paris là 5.500 cảnh sát để đối phó với hoạt động biểu tình có xu hướng cực đoan: “Số cực đoan này đến từ các nhóm cực tả và cực hữu đang tìm cách lợi dụng các cuộc tuần hành của các nghiệp đoàn để phá hoại, gây thương tích và sát hại lực lượng cảnh sát và hiến binh. Mục tiêu của họ không liên quan đến vấn đề cải cách hưu trí mà là gây mất ổn định các cơ quan công quyền và đẩy nước Pháp vào lửa và máu”.

Sau cuộc họp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Hội đồng Bộ trưởng và lãnh đạo các đảng trong liên minh cầm quyền, Thủ tướng Elisabeth Borne cho biết sẽ lên kế hoạch gặp mặt đại diện các nghiệp đoàn lao động lớn của Pháp và lãnh đạo các đảng đối lập vào tuần tới để hoà giải và tìm kiếm công thức hợp tác, tránh tình trạng bế tắc đối với các dự luật khác trong thời gian tới. 

Người đứng đầu chính phủ Pháp cam kết ngoại trừ vấn đề tài chính thì sẽ không áp đặt sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp để thông qua các dự luật khác trong tương lai.

Mạnh Hà (VOV-Paris)
Bình luận
vtcnews.vn