• Zalo

Nguồn phóng xạ bị mất ở Bắc Kạn trị giá bao nhiêu tiền?

Thời sựThứ Ba, 05/01/2016 03:50:00 +07:00Google News

Nguồn phóng xạ Cs-137 tại nhà máy Ximăng Bắc Kạn bỗng nhiên biến mất khiến dư luận xôn xao, nhiều người cho rằng có người lấy trộm nguồn phóng xạ để mang bán.

Nguồn phóng xạ Cs-137 tại nhà máy Ximăng Bắc Kạn bỗng nhiên biến mất khiến dư luận xôn xao, nhiều người cho rằng có người lấy trộm nguồn phóng xạ để mang bán lấy tiền.

Sáng 5/1, trả lời PV, ông Tào Xuân Khánh, Trưởng phòng ứng phó sự cố và Phóng xạ môi trường, Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật An toàn bức xạ hạt nhân và Ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), người dẫn đầu đoàn chuyên gia của Cục mang theo thiết bị dò tìm phóng xạ, cho biết đoàn vẫn đang hỗ trợ lực lượng công an tìm kiếm nguồn phóng xạ thất lạc tại Công ty cổ phần Ximăng Bắc Kạn có địa chỉ tại phường Xuất Hóa, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

GS Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho biết việc truy tìm nguồn phóng xạ mất là khó khăn vì bị mất từ cách đây vài tháng, thời điểm mất chưa xác định được, dù thiết bị dò tìm được điều lên Bắc Kạn là loại máy mới nhất của cục được Mỹ tài trợ vào tháng 5/2015, sau sự cố thất lạc nguồn phóng xạ ở Vũng Tàu.
Nguồn phóng xạ thất lạc ở Bắc Kạn không có giá trị cao về kinh tế (ảnh minh họa)
Nguồn phóng xạ thất lạc ở Bắc Kạn không có giá trị cao về kinh tế (ảnh minh họa) 
Theo Cục trưởng Tấn, đây là thiết bị có độ nhạy cao, có thể phát hiện được nguồn phóng xạ trong một phạm vi rộng nếu không bị che chắn bởi vật liệu nặng như bê-tông. Ngoài ra, thiết bị này không những có thể phát hiện nguồn phóng xạ rất nhỏ mà còn có thể phân biệt được hạt nhân đó thuộc loại hạt nhân nào.

Trong năm 2015, đoàn chuyên gia của Cục cũng đã hỗ trợ phía Lào tìm được một nguồn phóng xạ thất lạc trong một nhà dân khi đang để thiết bị này trên xe ô tô đang chạy.

Theo ông Tấn, nguồn phóng xạ này được dùng trong hệ thống điều khiển tự động của nhà máy ximăng để điều khiển quá trình tháo clinker khi nung đến mức độ cần thiết. Nguồn phóng xạ rất bé, chỉ bằng hạt đỗ xanh, được đặt trong hộp chì hình trụ (nặng khoảng 3-4 kg).

GS Tấn cho biết nguồn phóng xạ giá trị cũng không cao, mua mới chỉ vài triệu đồng. “Nguồn phóng xạ này không có giá trị về mặt kinh tế, hộp chì bên ngoài có lẽ còn đắt hơn, có thể người lấy trộm thấy nặng, lấy để bán chì” - GS Tấn dự đoán.

Tuy nhiên, GS Tấn cũng khẳng định nếu vỏ chì bị phá và nguồn phóng xạ không được xử lý đúng cách thì cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe, không gây nguy hiểm đến tính mạng con người cũng như môi trường do đây là loại phóng xạ Cs-137, được xếp hạng 5 là hạng thấp nhất hiện nay, nguồn phóng xạ rất thấp.

Hiện Công ty cổ phần Ximăng Bắc Kạn đã ngừng sản xuất, tài sản bị kê biên và giao Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển (BIDV) chi nhánh Bắc Kạn quản lý. Sau đó, Sở KH-CN đề nghị BIDV Bắc Kạn quản lý, bảo vệ nguồn phóng xạ được lưu giữ trong kho, dán cảnh báo trên mặt hòm đựng nguồn phóng xạ và ở cửa kho để cảnh báo nguy hiểm.

“Cách đó 1 tháng, Sở KH-CN đã xuống kiểm tra và có khuyến cáo ngân hàng nhưng có thể chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này, phóng xạ đã đưa vào trong kho, lẽ ra phải dược bảo quản cẩn thận nhưng lại bị cưa khoá lấy mất. Ngân hàng đã thuê bảo vệ để quản lý song có thể chưa có kiến thức về vấn đề này” - GS Tấn phân tích.
Nguồn phóng xạ Cs-137 ở Nhà máy xi măng Bắc Kạn bị mất từ khi nào không rõ - Ảnh: Thanh Niên
Nguồn phóng xạ Cs-137 ở Nhà máy xi măng Bắc Kạn bị mất từ khi nào không rõ - Ảnh: Thanh Niên 
Theo GS Tấn, hiện công an đang truy tìm nguồn phóng xạ, song sau này đoàn công tác của Cục sẽ lên tận nơi để tìm hiểu, căn cứ trên kết quả điều tra của cơ quan công an để xác định đơn vị phải chịu trách nhiệm và sẽ có quyết định xử lý theo quy định của pháp luật. Cục trưởng cũng cho biết đơn vị quản lý nguồn phóng xạ vào thời điểm bị mất sẽ phải chịu trách nhiệm, căn cứ theo các điều khoản quy định pháp luật để xử phạt.

Theo Báo cáo của Sở Khoa học - công nghệ Bắc Kạn, Công ty cổ phần Ximăng Bắc Kạn bị Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Kạn kê biên tài sản và giao Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển (BIDV) chi nhánh Bắc Kạn quản lý.

Sau đó, Sở KH-CN đề nghị BIDV Bắc Kạn quản lý, bảo vệ nguồn phóng xạ được lưu giữ trong kho, dán cảnh báo trên mặt hòm đựng nguồn phóng xạ và ở cửa kho để cảnh báo nguy hiểm, đồng thời yêu cầu ông Đinh Văn Bằng (lúc đó là quyền giám đốc Công ty cổ phần Ximăng Bắc Kạn) làm thủ tục di chuyển đến khu lưu giữ an toàn, gửi văn bản cho Cục an toàn bức xạ hạt nhân đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn việc vận chuyển nguồn phóng xạ đến nơi lưu giữ theo quy định của pháp luật.

Đến ngày 
25/11/2015, UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu phía Công ty cổ phần Ximăng Bắc Kạn phải di chuyển nguồn phóng xạ Cs-137 về nơi bảo quản an toàn trước ngày 15/12. Tuy nhiên ngày 15/12, ông Đinh Văn Bằng thông báo nguồn Cs-137 của công ty bị mất cắp.

Video: Nguồn phóng xạ ở nhà máy xi măng Bắc Kạn biến mất bất thường

Nguồn: Người lao động
Bình luận
vtcnews.vn