Thiếu và yếu
Theo ông Henry Huỳnh Anh Dũng, sự thay đổi cấu trúc kinh tế theo hướng Công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước có ảnh hưởng tích cực tới lĩnh vực xây dựng - bất động sản.
So với 10 năm trước đây, thị trường BĐS hiện nay đang có sự tăng trưởng ngoạn mục ở tất cả các lĩnh vực như: kiến trúc, xây dựng, thiết kế, quản lý dự án, kinh doanh, đầu tư, phân phối... Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường BĐS chưa có nguồn cung nhân lực tương xứng với sự phát triển của thị trường này.
"Phải nói rằng, nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam hiện nay vừa thiếu và yếu. Thiếu vì chưa đủ nhân lực đáp ứng cho nhu cầu mở rộng và ra đời của rất nhiều công ty kinh doanh bất động sản đang phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.
Tất nhiên, ở đây tôi muốn đề cập đến nguồn nhân lực có chất lượng cao và đồng đều được đào tạo bài bản để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hầu hết, các doanh nghiệp BĐS dù lớn hay nhỏ trên cả nước đều gặp phải “vấn nạn” này. Chuyện “vật gấu vá vai” để tìm người theo từng công trình, dự án cũng là câu chuyện xảy ra hằng ngày của các doanh nghiệp BĐS", ông Henry Huỳnh Anh Dũng nói.
Về nguyên nhân vì sao lại có sự mất cân đối này, ông Dũng đưa ra 3 nguyên nhân cơ bản:
Thứ nhất, ở Việt Nam, các chương trình đào tạo kinh tế BĐS chính quy ở các trường đại học hầu như đếm chưa đủ hai bàn tay. Với số lượng các trường đào tạo chuyên ngành BĐS "lẻ tẻ" như vậy thì việc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển của thị trường BĐS hiện nay là điều không thể.
Thứ hai, các giáo trình giảng dạy chưa đáp ứng được sự phát triển của thị trường BĐS. Các giáo trình đào tạo BĐS vẫn chưa đa dạng, mang nặng tính lý thuyết, thiếu tính thực tế để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Hầu hết, các sinh viên chuyên ngành BĐS sau khi tốt nghiệp vẫn không ứng dụng được vào môi trường thực tế. Từ đó, các sinh viên mới ra trường đều phải cập nhật thêm kiến thức chuyên môn ở các cơ sở không chính quy của các đơn vị ngoài hệ thống giáo dục tổ chức, cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Thứ ba, đội ngũ nhân lực manh mún, rải rác và hầu như nguồn nhân lực lành nghề chỉ tập trung vào các công ty có thương hiệu ở các thành phố lớn như Hà Nội , Đà Nẵng, TP.HCM... Điều này sẽ gây khó khăn cho các tỉnh thành khác vì sự khan hiếm nguồn lực phát triển của địa phương.
Cần thay đổi cơ cấu đầu vào giáo dục theo nhu cầu thị trường
Theo ông Dũng, nhìn từ kinh nghiệm các nước phát triển và từ phân tích hiện trạng của Việt Nam, để sớm đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường bất động sản đang tăng cao, rất cần có các giải pháp thật phù hợp trong bối cảnh hiện nay, trong đó đặc biệt chú trọng giải pháp đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực cho đào tạo.
Ông Dũng đưa ra ba nhóm công việc cần sớm được thực hiện:
Thứ nhất là thống nhất một đầu mối biên soạn giáo trình chuyên ngành BĐS theo từng phân ngành rõ rệt, và khi biên soạn giáo trình nên phân biệt giữa kiến thức thực hành và kiến thức hàn lâm để đưa vào đào tạo tránh tình trạng môn nào cũng học nhưng không có môn nào giỏi và làm được việc. Tránh biên soạn giáo trình dàn trải, nặng tính lý thuyết nhưng thiếu tính thực tế gây lãng phí nguồn tài nguyên của xã hội.
Thứ hai là, cần thành lập một cơ quan chuyên trách cho thị trường BĐS như: Viện nghiên cứu và phát triển thị trường BĐS chẳng hạn. Viện này phải được Chính phủ thành lập và chịu trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước. Viện là nơi quy tụ các chuyên gia đầu ngành BĐS, các nhà giáo dục ở các trường kinh tế, các chuyên gia người Việt ở nước ngoài.
Vai trò của viện chính là cầu nối giữa các Doanh nghiệp - Chính phủ - Các trường đại học, cao đẳng nhằm nghiên cứu, tư vấn, dự báo và cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho các bên để từ đó, Chính phủ sẽ có những quyết sách phù hợp, các trường sẽ điều chỉnh kịp thời nội dung giảng dạy, các doanh nghiệp an tâm phát triển kinh doanh khi có nguồn nhân lực lành nghề được đào tạo bài bản cung ứng.
Thứ ba là, đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng trong nước với các học viện, Hiệp hội BĐS nước ngoài như trường đại học Realtor University, CRS Hoa Kỳ... để có được những giáo trình chuyên ngành BĐS tiên tiến, chuyên nghiệp tiệm cận được với nhu cầu của thị trường.
Việc liên kết phải được thực hiện dài hơi chứ không chỉ một vài khóa học cho có, thị trường BĐS sẽ còn tiếp tục phát triển. Xu hướng hội nhập và nhu cầu tăng cao về nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động Việt Nam nói chung và ngành BĐS nói riêng sẽ còn tiếp tục diễn ra trong nhiều năm tới, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai là điều rất cần thiết.
Ông Dũng cho rằng, việc thiếu hụt nguồn nhân lực hiện nay không chỉ phó mặc cho doanh nghiệp “tự bơi” mà cần có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ thông qua các giải pháp hữu hiệu. Và khi thị trường BĐS Việt Nam phát triển bền vững sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của kinhtế Việt Nam trong tương lai.
Bình luận