• Zalo

Người xưng 'tao là VTV' định thông chốt kiểm dịch có thể bị xử lý thế nào?

An ninh hình sựThứ Hai, 16/08/2021 16:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Luật sư cho rằng người mạo danh cán bộ VTV, lăng mạ công an tại chốt kiểm dịch sẽ bị phạt hành chính với nhiều lỗi và có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Video: Người đàn ông xưng 'tao là VTV' lăng mạ công an tại chốt kiểm dịch ở Hà Nội

Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã xác định được danh tính người đàn ông tự xưng "tao là VTV", không đeo khẩu trang, định thông chốt kiểm soát dịch bệnh ở khu đô thị Đặng Xá vào đêm qua (15/8).

Người này tên là Nguyễn Đức (SN 1983, hộ khẩu thường trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội; hiện sống tại tổ dân phố số 4 Khu đô thị Đặng Xá), là Giám đốc marketing của Công ty Đại Dương Xanh.

Liên quan đến vụ việc này, chiều 16/8, trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của ông Đức sẽ bị xử phạt hành chính với nhiều lỗi liên quan đến an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh và an ninh trật tự. Ngoài ra, người này có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trong trường hợp ông Đức không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167 thì hành vi của người đàn ông này cũng được xác định là có tiền sự, bị ghi vào lý lịch tư pháp, bị xác định là nhân thân xấu.

"Qua đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, người đàn ông này tự xưng danh là làm việc tại VTV và có học vị tiến sĩ nhưng lại có hành vi không chấp hành yêu cầu của lực lượng phòng dịch, không đeo khẩu trang, lăng mạ lực lượng thi hành nhiệm vụ, có biểu hiện say xỉn, không chấp hành hiệu lệnh, bỏ chạy vào khu dân cư khiến lực lượng chức năng phải truy đuổi. Đây là hành vi rất đáng trách, cần phải xử lý nghiêm minh", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Người xưng 'tao là VTV' định thông chốt kiểm dịch có thể bị xử lý thế nào? - 1

Người đàn ông tự xưng "tao là VTV", có biểu hiện say rượu, không xuất trình được giấy tờ liên quan ở khu đô thị Đặng Xá. (Ảnh cắt từ clip)

Theo Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đối với hành vi vi phạm quy định về luật giao thông đường bộ, ông Đức sẽ bị xử phạt từ 200-300 nghìn đồng với lỗi không đội mũ bảo hiểm theo quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định 100 của Chính phủ. Vị giám đốc cũng có thể bị phạt tới 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng với lỗi vi phạm nồng độ cồn theo quy định tại Điều 21 cũng tại nghị định này. Ngoài ra, nếu không mang theo giấy tờ xe thì người này sẽ bị xử phạt hành chính về lỗi đó.

Đối với hành vi vi phạm quy định về phòng dịch, ông Đức sẽ bị xử phạt đến 3 triệu đồng vì không đeo khẩu trang theo quy định tại Điều 12, Nghị định 117 của Chính phủ. Bên cạnh đó, trường hợp hành vi được xác định là "Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A" thì người đàn ông này còn có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng theo quy định tại khoản 4, Điều 12 của Nghị định số 117.

Còn đối với hành vi chống người thi hành công vụ, cơ quan chức năng sẽ làm rõ, xem xét hành vi của ông Đức đã đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, dựa trên cơ sở phân tích nguyên nhân sự việc, diễn biến hành vi và đánh giá hậu quả mà người này gây ra. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ đánh giá tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, đánh giá hậu quả xảy ra để xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Cụ thể, hành vi chửi bới, xúc phạm người thi hành công vụ có thể bị phạt hành chính đến 5 triệu đồng theo quy định tại Điều 20 Nghị định 167 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trong trường hợp hành vi được xác định là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác cản trở hoạt động thi hành công vụ của người thi hành công vụ hoặc ép buộc người thi hành công vụ làm trái công vụ của mình thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015", vị luật sư cho hay.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ học hàm, học vị, trình độ nhận thức cũng như đơn vị công tác của người này để có những biện pháp răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

"Một người có học vị tiến sĩ, nếu đúng làm việc ở Đài truyền hình Việt Nam thì không thể có những hành động và thái độ như vậy. Vấn đề này cần làm rõ để tránh làm mất uy tín của cơ quan truyền thông Trung ương", Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp nói.

Ngày 15/8, ông Nguyễn Đức đi làm. Đến khoảng 23h ngày 15/8, người đàn ông này từ công ty trở về nơi ở tại khu đô thị Đặng Xá.

Khi đi qua chốt kiểm soát dịch số 12, người này không đeo khẩu trang, không hợp tác khi lực lượng trực chốt kiểm tra, có thái độ, hành vi chống đối, lăng mạ, xúc phạm lực lượng trực chốt, không cung cấp được đầy đủ các giấy tờ theo quy định và bỏ chạy.

Ngay sau đó, công an xã đưa người này về trụ sở để làm việc. Tuy nhiên, do ông Đức có biểu hiện không hợp tác, hơi thở có mùi bia rượu không làm việc được nên công an xã mời vợ Đức là bà T.T.H.H. chứng kiến, đưa ông Đức về nhà để ngày 16/8 tiếp tục làm việc.

Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn