Liên quan đến vụ người anh trai làm đơn tố vợ con của ông Văn (52 tuổi, trú xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) nhốt em trai mình trong lồng sắt suốt hơn 3 năm, vợ ông Văn là bà Phạm đã lên tiếng.
"Đây là việc bất đắc dĩ"
Người vợ thừa nhận việc đưa chồng vào lồng sắt nhốt là sự thật. Tuy nhiên, bà lý giải do chồng bị nghiện heroin và ma túy đá nên vợ chồng bàn nhau đưa ông vào đó để cai nghiện.
"Ông ấy tự nguyện", người vợ nói.
Trong suốt thời gian đó, mẹ con bà Phạm vẫn đối xử tốt với ông. Hàng ngày, mẹ con bà đều cho ông ăn uống đầy đủ. Trong bữa ăn chính, ông Văn còn được cung cấp một chai bia để uống.
“Đây là việc làm bất đắc dĩ để giúp ông ấy cai nghiện. Điều đó đã giúp ông ấy cai nghiện thành công”, bà Phạm chia sẻ.
Con gái bà Phạm cũng nói rằng cha chị nghiện ma túy đá nhiều năm. Không còn cách nào khác, chị và mẹ mới phải đưa ông vào lồng sắt để cai nghiện.
"Hàng ngày, mẹ con tôi vẫn cơm nước đầy đủ cho bố. Nếu mẹ và tôi không đưa bố vào lồng sắt để cai nghiện thì chắc bố sẽ khó sống đến ngày hôm nay", cô gái phân trần.
Trong khi đó, ông Văn lại cho biết mình không phải là người nghiện. Ông cũng không hiểu lý do vì sao vợ con lại nhốt ông vào lồng sắt suốt nhiều năm.
Theo người đàn ông này, ngày mẹ ông mất, rồi con gái đi lấy chồng, ông không được gia đình mở khóa cho ra ngoài để chịu tang và chúc mừng cho con. Đây là những điều mà bản thân ông cảm thấy day dứt nhất.
Về thông tin này, bà Phạm xác nhận là đúng. Bà cho rằng nếu cho chồng ra ngoài thì sợ ông sẽ trốn đi vì các thời điểm đó, ông chưa cai nghiện thành công.
Bà đã đưa ra nhiều chai bằng nhựa và thủy tinh cũ, phía trên được đục lỗ và cắm ống hút để chứng minh lời mình là đúng. Bà nói đây là các dụng cụ “đập đá” của chồng mình lúc chưa bị nhốt vào lồng sắt.
Chính quyền không hay biết
Nhiều hàng xóm cho biết bà Phạm thường đến các địa phương quanh vùng buôn bán ve chai, gà vịt... Họ đánh giá bà không có mâu thuẫn với ai nhưng là người sống khép kín. Họ có nghe thông tin đồn đại ông Văn bị nghiện ma túy nhiều năm nay và hay đánh chửi vợ con nhưng “chưa được chứng kiến”.
“Chúng tôi có nghe bà Phạm nhốt lại là để giúp ông ấy cai nghiện. Nhưng không ai tìm hiểu kỹ vì nghĩ không phải việc của mình”, một hàng xóm cho hay.
Ông Nguyễn Duy Đào, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên, cho biết trong suốt thời gian qua, chính quyền không nhận được bất kỳ thông tin gì về vụ việc trên. Đến ngày 3/1, xã mới nhận được đơn tố cáo nên chỉ đạo công an đến yêu cầu bà Phạm thả người, rồi báo cáo lên huyện.
Việc một người dân “mất tích” suốt nhiều năm nhưng chính quyền không ai biết, ông Đào lý giải rằng do địa bàn xã rộng.
"Địa phương lâu nay cũng thường có nhiều người hay đi làm ăn xa rồi ở lại nơi làm việc nên xã không nắm được", ông Đào phân trần.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, xác nhận trước đây huyện chưa nhận được thông tin hay báo cáo nào từ chính quyền cấp xã và các ban ngành đoàn thể về sự việc.
“Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ. Huyện cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về vụ việc trên”, ông Hải khẳng định.
Đầu năm 2019, Công an huyện Thọ Xuân nhận được đơn của ông Lê (60 tuổi, trú xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân). Trong đơn, ông này cho biết em trai của mình tên Văn (52 tuổi) bị vợ là bà Phạm và con nhốt trong lồng sắt đặt trong nhà riêng suốt một thời gian dài.
Tối 5/1, cơ quan chức năng phối hợp đưa ông Văn ra khỏi lồng sắt tại nhà riêng và bàn giao cho người anh trai đưa về nhà chăm sóc.
Theo xác minh ban đầu, ông Văn ở trong lồng sắt khoảng thời gian từ tháng 10/2015 đến ngày 5/1/2019. Lồng sắt có chiều dài gần 2 m, cao 1,2 m, rộng 0,8 m. Công an huyện đang làm rõ sự việc.
* Tên các nhân vật đã được thay đổi.
Bình luận