Suốt 8 năm ròng người vợ khiếu nại khắp nơi yêu cầu người gây ra tai nạn phải chịu trách nhiệm, nhưng công lý cho người chồng đang đi vào ngõ cụt.
Vào ngày đầu năm 2008, ông Nguyễn Việt Thành (sinh năm 1956, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) lưu thông trên Quốc lộ 13 đoạn qua trạm thu phí Suối Giữa (thuộc TP.Thủ Dầu Một) thì va chạm phải một thanh sắt rơi xuống từ trên xe ô tô tải BKS 61H.4039 do tài xế Phạm Viết Tiến (huyện Bến Cát) điều khiển.
Va chạm khiến ông Thành ngã đập đầu xuống đường khiến ông bị chấn thương sọ não. Giám định pháp y, ông Thành bị mất trí, tỷ lệ thương tật 71%.
Khởi tố vụ án để rồi không ai phải chịu trách nhiệm
Sau 2 năm tai nạn xảy ra, ngày 13/10/2010, TAND thị xã Thủ Dầu Một mới quyết định đưa vụ án ra xét xử, truy tố Nguyễn Văn Đô, phụ xe ô tô tải, về tội “Vô ý gây thương tích”.
Theo cáo trạng của Viện KSND thị xã Thủ Dầu Một, sáng 8/1/2008, Đô đến nhà Trần Văn Tiến Hoàng, thuê xe ô tô đi chở hàng. Xe do Phạm Viết Tiến điều khiển.
Khi thanh sắt trên xe rơi xuống đường, Đô xuống nhặt nhưng lại đá vào đầu thanh sắt làm thay đổi vị trí rơi ban đầu. Vừa lúc đó, ông Thành chạy xe đến cán lên thanh sắt, khiến ông té ngã, gây chấn thương sọ não, thương tật 71%.
Cáo trạng buộc Đô phải bồi thường cho bị hại Thành chi phí điều trị thương tích cũng như những chi phí hợp lý cho việc bồi dưỡng, hồi phục sức khỏe và chức năng bị mất với số tiền là 264,6 triệu đồng nhưng tuyệt nhiên không hề nhắc tới trách nhiệm hình sự liên đới của Phạm Viết Tiến - người điều khiển xe ô tô. Tiến chỉ bị phạt 400.000 đồng vì điều khiển xe để hàng hóa rơi trên đường.
Sau gần 3 năm với nhiều lần đưa ra xét xử không có kết quả. Ngày 28/5/2013, Viện KSND TP Thủ Dầu Một ra quyết định đình chỉ vụ án với bị can Đô. Lý do, theo khoản 2, điều 107, Bộ Luật Tố tụng Hình sự hành vi của Đô không cấu thành tội phạm. Quyết định này xem như không có ai phải chịu trách nhiệm về việc đã gây ra tai nạn cho ông Thành.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, vợ ông Thành, tiếp tục khiếu nại tới các cơ quan chức năng. Nhưng vụ việc vẫn bị đình trệ, thậm chí bị chuyển sang hướng vụ án dân sự. Ngày 25/5/2016 TAND TP Thủ Dầu Một lại ra quyết định đình chỉ vụ án dân sự với lý lo bà Thúy chưa yêu cầu tuyên bố ông Thành bị mất năng lực hành vi dân sự nên không có quyền khởi kiện ông Đô, ông Tiến, ông Hoàng.
Gia đình khánh kiệt – công lý đi vào ngõ cụt?
Từ một chủ cơ sở chế biến muối tạo việc làm cho hơn 30 người, một trụ cột của gia đình, sau tai nạn ông Thành bị tàn phế, cơ sở chế biến muối phải đóng của. “Từ bệnh viện về, chứng tâm thần ngày càng nặng, mỗi lần lên cơn là ông Thành lại la hét, đập đồ đạc. Mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc” - Bà Thúy kể trong uất ức kể khi bao năm phải tốn tiền chạy chữa và chi phí đi đòi công lý cho chồng.
Suốt thời gian từ năm 2008 đến nay, bà Thúy phải đưa ông Thành đi qua nhiều bệnh viện để chữa bệnh tâm thần. Bà Thúy cho biết, chỉ tính riêng tiền viện phí, tiền thuốc đã hết hơn 700 triệu đồng. Suốt thời gian đó, bà không đi làm. Gia đình phải vay mượn ngân hàng, người thân, số nợ đã lên hàng tỉ đồng.
Hiện ông Thành đang dần bình phục, đã đi được nhưng chậm chạp, trí nhớ vẫn chưa hồi phục hẳn thì không thể tự đứng đơn khởi kiện đòi quyền lợi cho mình. Hai vợ chồng, một người thương tật đầy mình, một người đau ốm triền miên khiến con đường đi tìm công lý đang dần vào ngõ cụt.
Luật sư Nguyễn Quốc Anh, Văn phòng Luật sư Phạm Quốc Hưng, cho biết đây là một vụ án có dấu hiệu không bình thường. Cụ thể một vụ án tai nạn giao thông gây thương tích 71% cho nạn nhân nhưng phải hơn hai năm mới đưa ra xét xử trong khi lái xe, chủ xe, chủ hàng, đều có địa chỉ rõ ràng.
Cáo trạng của Viện KSND truy tố bị can Đô ( chủ hàng) phạm tội vô gây thương tích tại khoản 1, Điều 108, Bộ luật Hình sự. Vì khi thanh sắt từ trên xe rơi xuống đường, Đô đã xuống xe để nhặt thanh sắt và đã có hành vi đá vào thanh sắt làm nó chuyển hướng khiến ông Thành điều khiển xe máy cán lên thanh sắt gây tai nạn.
Theo luật sư Quốc Anh, việc đình chỉ vụ án là không có căn cứ pháp lý, nếu sau khi điều tra bổ sung nếu có đủ chứng cứ bị cáo Đô có hành vi đá vào thanh sắt thì đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Nếu không có căn cứ Đô đá vào thanh sắt thì phải khởi tố Phạm Viết Tiến (lái xe) với tội danh “ Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ( Điều 202 Bộ Luật Hình sự) vì khi vận chuyển hàng không ràng buộc cẩn thận để thanh sắt rơi xuống đường gây tai nạn cho ông Thành và trách nhiệm bồi thường dân sự thuộc về chủ xe.
Bình luận