• Zalo

Người Việt sở hữu bằng sáng chế công nghệ tế bào gốc độc quyền tại 47 quốc gia

Khám pháThứ Ba, 18/02/2020 17:03:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Công trình tế bào gốc từ cuống rốn của GS. BS Phan Toàn Thắng được đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế tại 47 quốc gia.

GS. BS Phan Toàn Thắng là người Việt Nam đầu tiên sở hữu bằng sáng chế độc quyền công nghệ tách, nuôi và bảo quản tế bào gốc từ màng dây cuống rốn do Cục sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USP) cấp.

Công nghệ này đến nay được đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế trên 47 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, trong đó có các nước sở hữu nền y học phát triển bậc nhất như Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Phát minh độc đáo này được GS. BS Phan Toàn Thắng tìm ra năm 2004 tại phòng thí nghiệm ở Đại học Quốc gia Singapore sau khi trở về từ Viện Sinh học tế bào gốc và Y học tái tạo, Đại học Stanford (Mỹ).

Năm 2005, ông mang công trình của mình đăng ký bằng sáng chế trên toàn thế giới. Phải đến 3 năm sau đó, công trình của ông mới được hai quốc gia đầu tiên là Mỹ và Anh cấp bằng sáng chế.

Công nghệ tế bào gốc từ đó đến nay vẫn luôn được coi là cuộc cách mạng đối với nền y học hiện đại, mở ra kỷ nguyên mới là y học tái tạo.

Người Việt sở hữu bằng sáng chế công nghệ tế bào gốc độc quyền tại 47 quốc gia - 1

GS. BS Phan Toàn Thắng (thứ 2) chia sẻ về "đứa con tinh thần" tại phòng thí nghiệm ở Đại học Quốc gia Singapore đầu năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Công nghệ tế bào gốc từ màng dây cuống rốn

Giải thích về tầm quan trọng của công trình nghiên cứu này, BS. Thắng cho biết, cơ thể con người sinh ra với hơn 200 loại tế bào khác nhau để hình thành các bộ phận trong cơ thể như da, xương, niêm mạc, mô, não, tim... Tất cả đều được chuyển hóa từ một loại tế bào gọi là tế bào gốc.

Tuy nhiên, việc nuôi cấy và tìm nguồn tế bào gốc từ trước tới nay vẫn luôn là bài toán khó khăn, đòi hỏi chi phí cao. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp chiết tách từ da, tủy, xương, máu, cuống rốn, phôi thai lại có số lượng tế bào gốc hạn chế và ko phù hợp y đức người thầy thuốc. Với cách này, nhiều bệnh nhân trên thế giới không thể tiếp cận được, thậm chí ở các quốc gia phát triển trên thế giới.

Người Việt sở hữu bằng sáng chế công nghệ tế bào gốc độc quyền tại 47 quốc gia - 2

GS. BS Phan Toàn Thắng từng được thế giới vinh danh là cha đẻ của phương pháp ghép tế bào gốc từ cuống rốn. (Ảnh: VnExpress)

Trăn trở với bài toán khó này trong nhiều năm, GS. BS Phan Toàn Thắng cuối cùng cũng tìm ra giải pháp có thể thu được số lượng lớn với hàng tỷ tế bào gốc với chất lượng rất mang tên: Công nghệ chiết tách tế bào gốc từ màng dây cuống rốn.

“Động lực với tôi là phải tìm được nguồn tế bào gốc mà không đi ngược lại vấn đề y đức; tế bào phải trẻ khỏe và số lượng phải nhiều. Quá trình nuôi cấy phải thuận lợi để giảm thiểu chi phí, giúp bệnh nhân có thể dễ dàng tiếp cận được”, BS. Phan Toàn Thắng chia sẻ.

Đồng thời, ông cũng giải thích thêm rằng, sau khi chào đời, dây rốn là thứ trẻ nhất chúng ta có. Tuy nhiên, nó thường bị coi là loại “rác y học”, chẳng có ý nghĩa gì.

“Với công nghệ của tôi, các vấn đề được xử lý thuận lợi, phát triển, nhân rộng nhiều lần hàng tỷ các tế bào mà chưa cần nuôi cấy gì. Lượng tế bào khổng lồ này giảm chi phí, giá thành điều trị xuống rất nhiều”, bác sĩ chia sẻ.

Sáng chế có tính ứng dụng cao

Nhà nghiên cứu y học phương Đông Nguyễn Thái Hà từng chia sẻ trong cuốn sách về kỹ thuật châm cứu của mình về việc ứng dụng sản phẩm làm từ tế bào gốc vào phương pháp thuỷ châm. Phương pháp này được người Nhật tin dùng nửa thế kỷ qua.

Người Việt sở hữu bằng sáng chế công nghệ tế bào gốc độc quyền tại 47 quốc gia - 3

Ông Nguyễn Thái Hà (trái) và GS BS Phan Toàn Thắng (phải) tại khuôn viên ĐH Quốc gia Singapore. (Ảnh: NVCC)

Còn theo Tiến sĩ Setephen Chang - Cử nhân Y khoa, Cử nhân Ngoại khoa (Đại học quốc gia Singapore), tại Việt Nam và Singapore, bệnh viêm gan B rất phổ biến. Bệnh nhân thường không có bất kỳ biểu hiện hay triệu chứng nào cho đến khi ở giai đoạn muộn, lúc này họ rất khó sống sót.

“Thông thường, chúng tôi điều trị bằng cách ghép gan. Tuy nhiên, ghép gan cũng có những vấn đề riêng. Đầu tiên là cuộc đại phẫu, bệnh nhân cần thuốc kéo dài sự sống sau phẫu thuật.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian gần đây, chúng tôi thử sử dụng tế bào gốc. Những tế bào gốc dây cuống rốn này được cấy trên động vật thí nghiệm. Kết quả cho thấy, men gan phục hồi tốt hơn nhiều trên động vật được cấy tế bào này”, TS Stephen Chang nhận định. Ông đồng thời bày tỏ sự tin tưởng trong tương lai gần sẽ có những thử nghiệm lâm sàng, hướng tới ứng dụng trên con người.

Đến nay, sau nhiều năm được phát hiện, tế bào gốc từ dây rốn ngày càng được thế giới chấp nhận và quan tâm, sử dụng trong y học tái tạo, điều trị các bệnh lão suy và phòng chống lão hoá. Không những vậy, y học hiện đại cũng ứng dụng công nghệ đặc biệt nào vào chữa trị các bệnh nan y, mãn tính như ung thư, tiểu đường, alzheimer, bệnh khớp hay ứng dụng trong làm đẹp, trẻ hoá cơ thể.

“Chúng ta sẽ thừa kế thành tựu của y học thế giới, trên nền tảng kết quả nghiên cứu tại Singapore cũng như Mỹ, châu Âu... Những nghiên cứu này có thể triển khai dần dần cho bệnh nhân Việt Nam với chi phí hợp lý, tiến tới lan rộng  và phát triển ở các nước trong khu vực châu Á”, cha đẻ của công nghệ tế bào gốc từ màng dây cuống rốn khẳng định.

Năm 1991, GS. BS Phan Toàn Thắng tốt nghiệp Học viện Quân y. Ông về công tác tại Viện Bỏng quốc gia đến năm 1996 thì chuyển sang làm việc tại Khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Singapore từ năm 1997.

Từ năm 2002 đến 2004, ông công tác tại Viện Sinh học tế bào gốc và Y học tái tạo, Đại học Stanford (Hoa Kỳ), tập trung hết sức nhằm tìm ra phương pháp tách tế bào gốc từ nhau thai.

Năm 2004, GS Phan Toàn Thắng trở về Singapore để mở rộng các thí nghiệm trên cuống rốn. Cũng trong năm này, ông cho ra đời công nghệ tách chiết tế bào gốc từ màng dây cuống rốn.

Hiện, ông và các cộng sự của mình đang vận hành một phòng thí nghiệm để nghiên cứu sâu hơn công trình này tại Đại học Quốc gia Singapore.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn