• Zalo

Người Việt Nam: Năng suất lao động thấp, làm nhiều, thu nhập ít vẫn thấy hài lòng

Kinh tếThứ Hai, 25/04/2016 06:07:00 +07:00Google News

Với năng suất lao động thấp, phải mất hơn 60 năm Việt Nam mới đuổi kịp được Singapore, trong khi đó riêng phụ nữ đang phải "cày cuốc" trung bình 54 giờ/tuần

Với năng suất lao động thấp, phải mất hơn 60 năm Việt Nam mới đuổi kịp được Singapore, trong khi đó riêng phụ nữ đang phải "cày cuốc" trung bình 54 giờ/tuần với mức thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.

7.000 loại giấy phép con hành doanh nghiệp Việt Nam


Theo Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, hiện có 7.000 giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp, một nửa trong số đó không còn pháp lý để tồn tại, tạo gánh nặng rất lớn.
“Hiện nay môi trường kinh doanh của chúng ta chưa thuận lợi, kém thân thiện mà còn mà còn thiếu an toàn. Trong đó, yếu tố an toàn là đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư, doanh nhân, người dân...”, ông Lộc nói và khẳng định, niềm tin của doanh nhân phải được đảm bảo bởi tính an toàn của môi trường kinh doanh.

Nhưng điều khiến Chủ tịch VCCI lấy làm lạ, là ngoài những điều kiện kinh doanh được quy định bằng những Thông tư trước đây, thì một số Bộ, ngành vẫn “phớt lờ” coi như không có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, và ban hành những giấy phép con.

“Tôi thấy điều này rất lạ là việc này trái với quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Vì thế, cần phải rà soát chặt chẽ để đảm bảo tính nhất quán”, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.

Bình luận về vấn đề này, bà Bùi Thu Thuỷ - Cục phó Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư - KHĐT) chia sẻ, không chỉ “vướng” vì giấy phép con mà doanh nghiệp Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn cả khách quan và nội tại của doanh nghiệp, như thị trường, cải cách hành chính…

Một nghịch lý nữa cũng được Cục phó Cục Phát triển DN đưa ra, đó là chính sách hỗ trợ DN thì nhiều, nhưng phân tán, không đi vào cuộc sống nên DN chưa tiếp cận được. “Có những DN cầm giấy chứng nhận khoa học công nghệ nhưng lại không được hưởng ưu đãi. Vì thế cần có giải pháp để đảm bảo chính sách đã ban hành thì phải có hiệu lực”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

1 người Singapore lao động năng suất bằng 16 người Việt Nam

Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo vĩ mô về năng suất lao động Việt Nam thời kỳ 1992-2015. Theo đó, năng suất của toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành đạt 79,3 triệu đồng một người, tăng 6,42% so với năm 2015.

Theo CIEM, tính chung giai đoạn 1992-2014, năng suất lao động tính theo sức mua tương đương của Việt Nam tăng trung bình 4,64%, là mức tăng cao nhất trong khu vực ASEAN.

Do xuất phát điểm rất thấp nên đến năm 2014, năng suất lao động của người Việt đạt 9.138,6 USD theo ngang giá sức mua (PPP) của năm 2011. Với mức này, gần 16 lao động Việt mới có năng suất làm bằng một người Singapore. Nếu giữ tốc độ này, phải mất hơn 60 năm, Việt Nam mới đuổi kịp được Singapore.
Tương tự, một người Hàn Quốc cũng có năng suất lao động bằng 7 người Việt cộng lại. Mức năng suất lao động của nước ta cũng bị Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… bỏ xa. Khoảng cách này lại phần nào được nới rộng, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 15 người Việt Nam có năng suất lao động bằng một người Singapore năm 2013.

Như vậy, người Việt Nam dù chăm chỉ, tốc độ tăng năng suất cao nhất Đông Nam Á nhưng vẫn mãi nghèo. CIEM nhận định: "Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và tăng chậm, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực có năng suất thấp, phương tiện sản xuất chậm đổi mới, chất lượng lao động thấp và môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh".

Cơ quan này cho rằng, trong khi đổi mới sáng tạo là động lực không có giới hạn của tăng trưởng, là chìa khóa giúp một số nước Đông Á vượt qua "bẫy thu nhập trung bình". Tuy nhiên, công nghệ và sáng tạo vẫn là "vùng trũng nhất" (có xếp hạng thấp nhất), kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Phụ nữ Việt Nam "cày" 54 giờ/tuần, thu nhập thấp vẫn thấy hài lòng

Báo cáo “Kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao ở miền Bắc Việt Nam” được công bố mới đây do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại học Chung Ang (Hàn Quốc) thực hiện khảo sát với hơn 1.000 lao động nữ thuộc 5 tỉnh/thành phía Bắc.

TS. Dương Kim Anh, Trưởng khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trưởng nhóm khảo sát, cho biết: Trung bình một lao động nữ phải làm việc 54 giờ/tuần. Thực trạng trên cho thấy thời gian làm việc một tuần của lao động nữ đều ở mức rất cao, vượt xa mức tiêu chuẩn là 40 giờ/tuần.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh
Ảnh: Nguyễn Việt Thanh 
Trong đó, số giờ phải làm trong tuần của lao động nữ địa phương cao hơn khoảng 5 giờ so với lao động nữ trong doanh nghiệp (56,38 giờ so với 51,49 giờ). Không chỉ vậy, lao động nữ địa phương có số ngày phải làm thêm giờ cao hơn so với lao động nữ trong doanh nghiệp là 3,48 ngày so với 2,3 ngày.

Lý giải về điều này, bà Dương Kim Anh cho biết: Thời gian làm việc tại khu vực nông thôn thường thiếu chính xác, thường xuyên bị ảnh hưởng hoặc xen kẽ các công việc nhà, các công việc cộng đồng, tham gia các hoạt động sinh hoạt gia đình…

Tuy thời gian làm việc nhiều nhưng thu nhập bình quân tháng của lao động nữ trong nghiên cứu này là gần 3 triệu đồng. Theo bà Dương Kim Anh, có sự khác biệt rõ ràng trong thu nhập bình quân của 2 nhóm lao động nữ này. Thu nhập bình quân của lao động nữ trong doanh nghiệp cao gấp hơn 2 lần so với lao động nữ địa phương (gần 4,1 triệu đồng so với 1,85 triệu đồng).

Một nghịch lý không nhỏ là thời gian làm việc nhiều, thu nhập thấp, nhưng khi được hỏi về mức độ hài lòng với cuộc sống, đa phần lao động nữ ở cả 2 nhóm này cho rằng hài lòng một phần (chiếm 71,3%). Có 28% lao động nữ hài lòng hoàn toàn với cuộc sống. Đặc biệt là không có ai cho rằng mình không hài lòng với cuộc sống.

"Đại gia điếu cày" sắp cho ra mắt dự án biệt thự giá 1 tỷ đồng

Những ngày gần đây, thị trường BĐS Hà Nội xôn xao với thông tin Tập đoàn Mường Thanh đã gần như hoàn tất việc mua Công ty Cienco 5 Land và trở thành nhà đầu tư tiếp quản dự án Thanh Hà - Cenco5 Land.

Tổng giá trị thương vụ này được chính đại diện Tập đoàn Mường Thanh tiết lộ là 3.500 tỷ đồng, trong đó bao gồm 1.000 tỷ đồng mua lại 95% cổ phần tại Cienco 5 Land và 2.000 tỷ đồng khoản nợ Mường Thanh sẽ đứng ra trả thay cho Cienco 5 Land.

Trả lời truyền thông mới đây, đại gia Lê Thanh Thản cũng cho biết ngay sau khi tiếp quản dự án tập đoàn đã bắt tay vào công việc, vừa hoàn thành nghĩa vụ với TP Hà nội là xây tiếp tuyến đường cao tốc chạy từ KĐT Xa La đến huyện Ứng Hoà dài 42km do Cenco5 Land bàn giao, vừa khẩn trương phân khu triển khai dự án Thanh Hà - Cenco5 Land.

Liên quan đến kế hoạch triển khai cho siêu dự án BĐS này, ông Thản cũng tiết lộ, giai đoạn đầu Mường Thanh sẽ tiến hành phân lô bán đất nền các căn hộ biệt thự liền kề: "Chúng tôi dự kiến đưa ra thị trường các loại căn hộ biệt thự từ 60 - đến trên 300m2, có giá từ 1 tỷ đồng đáp ứng mọi nhu cầu ở thực của người dân và nhà đầu tư".

Từ trước đến nay, "đại gia điếu cày" thường nhanh chóng bán được hết tất cả các dự án nhà ở của mình là bởi mức giá “không thể rẻ hơn được nữa”.

Ông Thản từng nói: “Khi ít vốn và cả khi đã trường vốn, nên áp dụng sách lược mua rẻ để bán rẻ hoặc kinh doanh lâu dài”, chính sách giá rẻ luôn là một “chiêu” bán hàng hay nhất”.

Và tại dự án Thanh Hà - Cenco5 Land này, ông Thản lại tiếp tục sử dụng chiêu bán hàng này. "Để nhu cầu giữa khách hàng và chủ đầu tư gặp nhau chúng tôi khoanh ô bán đất nền cho khách hàng. Giá bán hợp lý, cộng đất nền không tính phần xây sẽ giảm giá thành cho khách hàng rất nhiều"- ông Thản phân tích.

Theo dự kiến, biệt thự với giá chỉ 1 tỷ đồng của vị đại gia Lê Thanh Thản sẽ sớm được ra mắt thị trường trong thời gian tới đây.

Tiệp Tiệp (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn