Liên quan đến vấn đề người Việt đổ hàng tỷ USD để mua nhà và đầu tư vào Mỹ thay vì dành số tiền đó để đầu tư phát triển kinh tế trong nước, trả lời phỏng vấn VTC News, GS.TS Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.
Người Việt vừa cả tin vừa hoài nghi
- Gần đây có ý kiến cho rằng niềm tin xã hội của người Việt nhìn chung đang bị suy giảm. Cụ thể như người Việt thiếu niềm tin vào nhau, thiếu niềm tin vào chính sách, hệ quả là biểu hiện ra bên ngoài bằng hàng loạt các hiện tượng xã hội như mâu thuẫn, xung đột, bạo lực có xu hướng gia tăng. Ông nhận xét gì về ý kiến này?
Lòng tin sẽ tạo ra được sức mạnh để từ đó tạo ra sự hợp tác. Khi nêu ra vấn đề này không thể nói chung chung. Mà ở đây có đặc điểm chi phối vấn đề này, đó chính là truyền thống văn hóa.
Người Việt sinh cơ lập địa trên một vùng đất phải nói là rất nhiều biến động, hết thời này sang thời khác, đó là những biến động của thiên tai, địch họa... Vì vậy mà tính cộng đồng rất cao, luôn dựa vào nhau để vượt qua.
Thứ nhất, hiệu ứng đám đông là biểu hiện rất rõ của cộng đồng người Việt. Khi có ai đó nói ra một cái gì đó thì khả năng cả cộng đồng tin vào điều đó rồi làm theo điều đó là rất cao. Vì vậy mà người ta nhất loạt có những hành động giống nhau vì một nguồn tin nào đó, thậm chí nguồn tin này còn chưa được kiểm chứng. Hiện tượng này rất phổ biến trong văn hóa người Việt.
Thứ hai, người Việt nhiều khi lại có định kiến, mặc cảm hoặc những cái suy nghĩ tương đối bị bó vào những quan niệm. Ví dụ như cứ cho rằng nước ngoài là phải tốt, là phải hơn trong nước. Chưa nói đến đúng sai ở đây mà chỉ nhìn ở diện tổng quát thì dường như hiện tượng này là đúng của đám đông. Rồi người ta đổ xô đi đến những quyết định mà nhiều khi chỉ xuất phát từ những định kiến.
Đặc điểm này cộng với lại khi chính sách có thể đôi chỗ chưa phù hợp thì càng đẩy hành vi này lên cao hơn.
Video: Nhìn từ các vụ nạn nhân bị đánh nghi bắt cóc trẻ, người Việt đang không tôn trọng pháp luật
Ở trên là nói về đặc tính lòng tin của người Việt. Còn bây giờ là vấn đề mất lòng tin.
Phải nói rằng hiệu ứng mất lòng tin sẽ tạo ra những hệ lụy, ví dụ như chuyện cả làng đổ xô ra đánh hội đồng hai người phụ nữ bán tăm chỉ vì những tin đồn là hiện nay xảy ra tình trạng bắt cóc trẻ con là những ví dụ điển hình của mất lòng tin, hay khủng hoảng lòng tin xã hội. Những hiện tượng như thế không đơn giản chỉ là mất lòng tin, mà còn đặc tính thứ hai là tính trọng pháp luật của người Việt yếu.
Cách đây mấy năm, tôi có đọc một bài viết trên một tạp chí của Pháp có tiêu đề là “Hiệu ứng tin đồn trong xã hội Việt Nam”, trong bài viết tác giả người Pháp có nhận xét thế này: xã hội Việt Nam là nơi ở đó mà chỉ cần thổi một tin nào ra một cái là người ta có thể chi phối một khuynh hướng xã hội. Thì qua đó chúng ta thấy là có hiện tượng người Việt rất dễ tin.
Nhưng một mặt khác lại luôn hoài nghi vào tất cả. Đây là hai mặt trong tính cách người Việt. Một mặt thì quá dễ tin vào một cái gì đó vì cơ chế tin đồn, một mặt lại luôn hoài nghi. Đó là do không đánh giá đúng. Hiện tượng xảy ra thường xuyên gây mất cân đối trong xã hội nhiều phần là do đặc tính này gây ra.
Niềm tin chính trị
- Ở trên ông đã nói về niềm tin xã hội, đặc tính về lòng tin của người Việt. Còn ở phương diện quốc gia thì niềm tin đó được biểu hiện như thế nào?
Mối quan hệ chính trị trong mỗi quốc gia, đôi khi quyết định của người làm chính trị cũng tạo ra được niềm tin trong xã hội. Tôi lấy ví dụ như nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đứng trước quốc dân đồng bào kêu gọi hãy tin vào quyết định của Chính phủ bằng cái cam kết lòng tin với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được lòng tin với nhân dân.
Khi quân Pháp có những hành động gây hấn trở lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải ký hiệp định, tạm ước với Pháp, trong đó có rất nhiều điều khoản có tính nhượng bộ.
Điều này đã dấy lên một sự nghi vấn trong dư luận là có vẻ như Chính phủ này đã thỏa hiệp với thực dân Pháp, không còn như trước đây.
Chủ tịch Hồ Chính Minh khi đó đã khẳng định rằng: "Hồ Chí Minh này không phải là người bán nước, hãy tin tôi và tin vào Chính phủ".
Nên nói thế để thấy lòng tin chính trị rất là quan trọng.
Sau cải cách ruộng đất, có thể nói là xã hội miền Bắc khi đó bị xáo trộn. Quyết định chưa phù hợp là một chuyện thôi, quan trọng là trong quá trình thực thi thì đã có nhiều hành vi quá “thiên tả” làm cho xã hội bị chấn động, lòng dân bị ly tán, xao xuyến trong khi bối cảnh đòi hỏi cần phải có sự thống nhất, đoàn kết rất cao. Trong thời điểm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời xin lỗi, nhận trách nhiệm và động viên nhân dân.
Hay như giai đoạn đất nước lâm vào khó khăn vào giữa những năm của thập niên 80, lúc đó khó khăn vô cùng, lạm phát phi mã, thất nghiệp tràn lan, hàng hóa khan hiếm... Nhưng bằng quyết sách đổi mới, kinh tế tăng trưởng thì niềm tin nhân dân đối với Đảng, với nhà nước đã trở lại.
Điểm lại một vài sự kiện như thế để thấy rằng không phải không có lúc mà nhân dân không tin hay hoài nghi về chính quyền. Đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng bằng các biện pháp cụ thể, hợp lòng dân, chúng ta đã vượt qua, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Nên về phương diện quản trị quốc gia, người lãnh đạo phải hiểu rõ đặc tính này của tính cách người Việt để có những chính sách cho phù hợp.
Bài học của nước Nga
- Mới đây, thông tin người Việt bỏ ra hàng tỷ USD để mua nhà và đầu tư vào Mỹ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi trong khi Việt Nam vẫn phải đi vay nợ để đầu tư phát triển thì lại đang có một dòng tiền từ nội địa chảy ra bên ngoài thay vì đầu tư ở trong nước. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề mà nói thành thật với nhau rằng là đang có sự sứt mẻ, rạn nứt lòng tin trong nhân dân. Việc khắc phục và lấy lại lòng tin nhân dân không thể nói một vài câu đơn giản là xong được mà cần phải có những biện pháp cụ thể.
Tôi lấy câu chuyện của nước Nga để làm một dẫn chứng minh họa về việc chính phủ Nga đã làm như thế nào để người dân yên tâm đem tiền đầu tư trong nước.
Nói với dân là hãy đầu tư vào lĩnh vực này kia, nhưng mà chính người thân của một số lãnh đạo lại chuyển tiền ra nước ngoài bằng cách này cách khác thì dân họ biết chứ, làm sao mà họ tin được. Cho nên đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn. GS.TS Vũ Minh Giang
Khi Liên Xô tan rã thì xảy ra tình trạng thất thoát tài sản rất nhiều. Số tài sản nhà nước thất thoát vào tay các cá nhân lên đến hàng trăm tỷ USD. Chính phủ Nga sau đó liên tục tìm mọi cách để lấy lại số tiền đó nhưng không có tác dụng. Vì vậy mới sinh ra hiện tượng nhà giàu người Nga đem tiền đi tiêu khắp nơi.
Vài năm sau khi Liên X tan rã, tự nhiên xuất hiện chữ Nga rất nhiều trên các nhãn hàng của các địa điểm bán hàng sang trọng ở các nước trên thế giới. Khi tôi sang Nhật, đến thăm những nơi bán hàng đắt tiền mà trị giá mỗi món hàng lên đến hàng nghìn USD thì thấy rất nhiều nhãn hàng xuất hiện tiếng Nga.
Tôi thấy lạ, mới hỏi một nhân viên bán hàng thì họ trả lời đó là do người Nga vào các địa điểm này mua sắm rất nhiều. Sau đó tôi hỏi một người bạn Nga thì người bạn này nói đó là do người giàu ở Nga không biết tiêu tiền ở đâu, về nước thì sợ bị tịch thu. Bởi thế mà thời điểm đó, người giàu ở Nga đem tiền trong nước đi chi tiêu tung phá ở bên ngoài rất nhiều.
Trước tình trạng đó, tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một biện pháp rất khác so với người tiền nhiệm. Đó là ông tuyên bố sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân, tổ chức đã chiếm các khoản tiền ấy nữa, tức là từ nay sẽ không đặt vấn đề truy hồi, truy thu nữa.
Thì ngay sau tuyên bố của tổng thống V.Putin, đã xảy ra một hiệu ứng kì lạ: những dòng tiền ấy lại quay trở về, được đầu tư vào Nga để phát triển kinh tế đất nước.
Nghĩa là những đồng tiền trước kia có thể là “bẩn” thì nay lại trở về Nga, trở thành những đồng tiền sạch để đầu tư phát triển đất nước.
Về chính sách này, một nhà phân tích kinh tế Nga đã nhận định đây chính là một quyết định sáng suốt của Tổng thổng Putin. Tức là họ lấy lại được niềm tin của người dân, của nhà đầu tư.
Theo tôi, hiện nay Việt Nam đang có hiện tượng lòng tin có vấn đề. Người dân hoài nghi vào các chính sách. Mà họ hoài nghi là có sơ sở. Vì lòng tin phải thể hiện trong mỗi quyết định của người lãnh đạo, đã nói là phải làm.
Một hiện tượng rất phổ biến hiện nay là tin đồn. Khi một chính sách chuẩn bị ra thì có tin đồn trước. Sau đó cơ quan chức năng giải thích là không có. Một thời gian sau thì lại có. Thì những trường hợp này chỉ xảy ra một vài lần thôi là người dân sẽ hoài nghi, không còn tin tưởng nữa.
Video: Lãnh đạo nói thì phải làm, tiền hậu không được bất nhất
“Chính phủ đã nói thì phải làm”
- Theo ông, hiện nay cần phải làm gì để củng cố lại lòng tin của người dân, rộng hơn nữa là niềm tin quốc gia mà như ông nói là đang bị “sứt mẻ, suy giảm”?
Thứ nhất, củng cố lòng tin phải thể hiện bằng sự nghiêm túc trong cam kết của Chính phủ. Chính phủ đã nói là phải làm. Trước nói thế nào thì sau phải như thế. Chứ Chính phủ nói mà không làm, “tiền hậu bất nhất” thì rõ ràng người dân sẽ không còn tin tưởng nữa. Nước nào cũng vậy thôi.
Thứ hai, là nói về những giải pháp có tính kinh tế. Hiện tượng “chảy máu” tài chính ra nước ngoài theo tôi cũng chỉ vì chữ “lợi” thôi, chứ cũng chẳng phải do người dân chán ghét ai cả.
Vì khi đem tiền để mua nhà, rồi đầu tư ở nước ngoài thì người ta nghĩ rằng làm như thế là có lợi. Bây giờ muốn người ta quay trở lại thì Chính phủ phải làm gì đó để cải thiện môi trường đầu tư, phải làm sao để cho người ta thấy đầu tư trong nước là có lợi. Lợi ở đây có hai khía cạnh: lợi thực chất về tài chính, mà như ta hay nói là “một đồng vốn sinh bốn đồng lời” và người ta yên tâm để đầu tư.
Thời bao cấp, có chuyện người dân cứ “giàu là bị soi”, như chuyện “vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn chẳng hạn. Người dân cứ làm ăn rồi có tiền, giàu lên một chút là cơ quan nhà nước lại đến kiểm tra, rồi thu hồi tiền. Thế thì người ta mất đi niềm tin, người ta mới phải giấu tiền, chôn tiền, rồi mua vàng chôn giấu... thay vì đem đầu tư vì sợ rủi ro cao. Vì người ta không tin vào nhà nước. Mà như thế thì nguồn lực xã hội bị đóng băng.
Nên nhiệm vụ của Chính phủ là phải làm sao để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, phải làm sao để người dân đầu tư và tạo được lợi thật, quan trọng hơn là cái lợi đó của người dân phải được Chính phủ bảo vệ, nó an toàn.
Thứ ba, cần phải căn cứ vào văn hóa người Việt, cụ thể ở đây là yếu tố hiệu ứng đám đông. Muốn người dân tin theo, nghe theo thì người lãnh đạo phải đi đầu, phải làm trước. Tôi lấy ví dụ như các Bộ trưởng, ủy viên Trung ương hay nói đến các chính sách, cơ chế. Vậy thì vợ hoặc người nhà của mấy đồng chí hãy thử làm trước theo các chính sách ấy đi. Tôi tin khi đó các nhà đầu tư, người dân họ sẽ làm theo ngay.
Còn nếu mà lãnh đạo mà chỉ nói là phải làm cái này, nhưng mà vợ các đồng chí lại làm cái khác thì người dân quan sát họ phát hiện ra ngay. Nói với dân là hãy đầu tư vào lĩnh vực này kia, nhưng mà chính người thân của một số lãnh đạo lại chuyển tiền ra nước ngoài bằng cách này cách khác thì dân họ biết chứ, làm sao mà họ tin được.
Cho nên đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn. Phải có sự thống nhất của các nhà lãnh đạo để có các giải pháp cụ thể. Chứ còn hiện nay cứ nói chung chung theo tôi là rất khó.
Thứ tư, trong quản trị xã hội và đất nước, có vẻ như lãnh đạo ở ta còn chưa ứng xử theo cách thấu hiểu đặc tính văn hóa của cộng đồng. Đôi khi là cứ học nước này nước kia vài thứ rồi đem áp vào Việt Nam, mà nhiều khi chưa hẳn là phù hợp, nó sẽ tạo ra độ “kênh” trong vận hành chính sách. Tôi cho rằng đó là chưa trúng với đặc thù nước ta. Khiến cho các thực thể đang quản lý bị ép lại.
Bên cạnh những mục tiêu chính trị phải đạt được thì người lãnh đạo luôn phải thấu hiểu các cơ tầng văn hóa của chính nhân dân, dân tộc mình.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Bình luận