• Zalo

Người Việt đầu tiên sang Liên Xô học về vũ khí

Thời sựThứ Tư, 07/12/2011 02:10:00 +07:00Google News

Ông đã tham gia sản xuất nhiều loại vũ khí nổi tiếng của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như: SKZ 60, A12, mìn định hướng…

Là người Việt Nam đầu tiên được Liên Xô giúp đỡ đào tạo chính quy về chế tạo vũ khí, ông đã tham gia sản xuất nhiều loại vũ khí nổi tiếng của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như: SKZ 60, A12, mìn định hướng…

Ông Lê Văn Chiểu miệt mài bên bản thiết kế vũ khí trong thời gian học tại Liên Xô. 

Ông thuộc lớp cán bộ có công gây dựng nên Học viện Kỹ thuật Quân sự từ buổi sơ khai. Ông là Thiếu tướng Lê Văn Chiểu, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự); nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật; nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

 

Trong đoàn vệ quốc 60 ngày đêm khói lửa ở Hà Nội

 

Sinh ra và lớn lên tại Phú Nhân, thuộc thành nội Huế, năm 1946, sau khi đỗ tú tài tại Trường Quốc học Huế, chàng thanh niên Lê Văn Chiểu háo hức ra Hà Nội theo học ngành Toán học đại cương.

Tuy nhiên, mùa đông năm 1946 là bước ngoặt của cuộc đời anh. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, anh đã “xếp bút nghiên”, xung phong vào lực lượng công binh, tham gia trong trận chiến 60 ngày đêm máu lửa chống Pháp ở Hà Nội.

 

Khi quân ta rút lên chiến khu Việt Bắc, Lê Văn Chiểu được cử làm thư ký cho ông Hoàng Đạo Thúy - Hiệu trưởng Trường Lục quân. Kháng chiến ngày càng ác liệt mà vũ khí của quân ta lúc ấy lại quá thô sơ, thiếu thốn, chủ yếu vẫn là gậy gộc, giáo mác… đối phó với cả một cỗ máy chiến tranh của đế quốc Pháp.

Ngành quân giới đứng trước yêu cầu phải tập hợp những trí thức yêu nước để tự nghiên cứu, chế tạo vũ khí. Lúc ấy, những ai giỏi Toán đều được xếp vào quân giới. Những trí thức còn chưa rời ghế nhà trường, chưa trải qua đào tạo về chế tạo vũ khí như Lê Văn Chiểu, chiếm đa số. Vốn quý nhất của họ là lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng và tinh thần vượt khó.

 

Lê Văn Chiểu nằm trong biên chế của Phòng Xạ thuật (hay còn gọi thuật phóng) của Nha Nghiên cứu kỹ thuật - cơ quan nghiên cứu, chế tạo vũ khí, hàng quân dụng đầu tiên của quân đội ta.

 

SKZ 60 sấm sét phá vòng vây

 

Cuối năm 1948, yêu cầu đặt ra là quân ta phải có súng lớn để xuyên phá được hệ thống công sự bê tông của quân Pháp, Nha Nghiên cứu kỹ thuật triển khai nghiên cứu súng không giật SKZ 60. Ban nghiên cứu gồm 5 người do ông Nguyễn Trinh Tiếp - Trưởng phòng Xạ thuật - là trưởng ban, chủ trì đề tài. Ông Lê Văn Chiểu được phân công phụ trách tiến hành các bước thử nghiệm.

Súng SKZ 60 (quả đạn đã được cải tiến). 

 

Nhớ lại thuở ấy, ông cho biết: “Ban nghiên cứu làm việc trong điều kiện hết sức thiếu thốn: Toàn bộ trang thiết bị chỉ có hai thước lô-ga-rít 7 số và một kính kinh vĩ để đo khoảng cách. Khó khăn hơn là việc thiếu tài liệu phục vụ nghiên cứu. Anh em đều phải tự mày mò, nghiên cứu, tính toán. Vật tư dùng để sản xuất súng đều thuộc loại thu hồi, tận dụng như nòng súng làm bằng ống nước, vỏ bình dưỡng khí… Những tư liệu quý nhất có từ hai nguồn: Thứ nhất là tài liệu do ông Trần Đại Nghĩa tự biên soạn và mang từ Pháp về; thứ hai là các sách về vật lý do ông Tạ Quang Bửu đặt mua tại Pháp nhân chuyến đi dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô…”.

 

Sau khi nhận được tài liệu viết tay của ông Trần Đại Nghĩa về thuật phóng trong của súng pháo động - phản lực, anh em trong ban nghiên cứu đã phân tích, tính toán, tổng hợp kết quả và chọn phương án kết cấu.

 

Lê Văn Chiểu được phân công phụ trách sản xuất loạt “0” (loạt súng thử nghiệm). Loạt “0” được sản xuất tại Xưởng TĐ 97 (khu 10) bao gồm 10 khẩu SKZ 60 và 50 viên đạn. Khi hoàn thành sản xuất, một cuộc bắn thử nghiệm đã được tiến hành.

Súng được đặt trên bờ suối ngắm vào một mỏm đá nguyên khối ở giữa suối. Tất cả hồi hộp chờ đợi. “Uỳnh”, sau khi bóp cò, viên đạn phóng đi, nổ giữa mỏm đá để lại một hõm sâu 1m. Mọi người vui mừng, ôm chầm lấy nhau, coi như thế là thành công. Không ai thấy cần phải bắn thử thêm nữa, để dành đạn nã vào giặc Pháp.

 

Súng SKZ 60 khi đó không theo một mẫu có sẵn nào, chỉ nặng 26kg lại có thể tháo rời để dễ mang vác. Đạn SKZ 60 là đạn lõm, nặng 9kg, có khả năng xuyên bê tông dày 60cm (gấp 3 lần ba-dô-ca 60). Phát huy kết quả nghiên cứu, Phòng Xạ thuật tiếp tục nghiên cứu SKZ 81, SKZ 120, SKZ 185mm. Tuy nhiên, SKZ 60 vẫn được ưu chuộng nhất do gọn nhẹ, tiện cơ động, hiệu quả cao.

 

Cuối năm 1949, trong Chiến dịch Lê Hồng Phong, lần đầu tiên ra trận, SKZ 60 đã lập công, tiêu diệt nhanh chóng các lô cốt bằng bê tông dày 60cm, tạo điều kiện cho những đơn vị xung kích của Đại đoàn Quân Tiên Phong (F308) nhanh chóng mở đột phá khẩu, góp phần quan trọng trong các trận đánh công đồn kiên cố, san bằng các cứ điểm của địch, nổi bật là trận đánh chiếm Phố Ràng, Phố Lu (Lào Cai). Sự ra đời của “đại bác không giật” SKZ 60 có tiếng vang lớn, làm cho kẻ thù khiếp sợ.

 

Trong hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá, sản xuất được SKZ 60 là “thành công lớn” của quân giới nước ta trong những năm chiến đấu trong vòng vây: “Với một nền công nghiệp lạc hậu, không có khả năng sản xuất ra một khẩu súng trường mà chúng ta lại sản xuất được các vũ khí hiện đại, nòng trơn, các vũ khí dùng nguyên tắc phản lực và đạn lõm, như ba-dô-ca, SKZ… Đó là những vũ khí tối tân lúc bấy giờ, đủ khả năng tiêu diệt những phương tiện mạnh nhất của địch như xe tăng, cơ giới, phá tan các lô cốt boong-ke của chúng góp phần làm thất bại chiến lược chiến tranh đồn bốt của bọn thực dân”.

 

Với những thành tích của mình, năm 1949, ông Chiểu được kết nạp Đảng.

 

Năm năm rưỡi khổ học ở Trường Bau-man

 

Năm 1951, ta bắt đầu gửi lớp học sinh đầu tiên sang Liên Xô, với kỳ vọng sẽ là những viên gạch hồng xây dựng cách mạng trong tương lai. Ông Lê Văn Chiểu vinh dự và may mắn được nằm trong lớp du học sinh đầu tiên ấy. Họ gồm có 21 người, trong đó có 4 người theo học đại học gồm: Lê Văn Chiểu; Phạm Đồng Điện, sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Nguyễn Đức Thừa, sau này là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Hoàng Bình, sau này là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp.

Ông Lê Văn Chiểu (người đứng ngoài cùng bên trái) và các bạn học tham gia mít-tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 (năm 1952) tại Liên Xô. 

 

Ông Chiểu bồi hồi nhớ lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ trước ngày lên đường du học. Đó là ngày 18-7-1951… Lúc ấy, cả nhóm du học sinh ngồi đợi Bác bên một dòng suối thuộc Đại Từ, Thái Nguyên.

Bác đến lặng lẽ, mặc bộ quần áo cộc màu nâu gụ, đầu đội mũ ka-ki đã sờn. Bác nói về vai trò, trách nhiệm to lớn và niềm tin của cách mạng đặt trên vai những cá nhân ưu tú được cử đi học.

Bác dặn: “Đây là lần đầu tiên Liên Xô giúp đỡ ta trong việc đào tạo cán bộ, vì thế các cháu phải xây dựng hình ảnh đẹp của người tham gia kháng chiến, người chiến sĩ cách mạng; phải phấn đấu học thật giỏi, thành thật, thân ái với các bạn nước ngoài. Lớp du học sinh đầu tiên này phải có trách nhiệm tạo tiền đề cho các lớp sau được thuận lợi…”.

Rồi bất chợt Bác hỏi: “Ai là người nhỏ tuổi nhất ở đây?” Ông Chiểu đáp: “Cháu ít tuổi nhất, 25 tuổi ạ”. Bác nhìn ông nở nụ cười hiền hậu. Chỉ một chi tiết, một câu nói giản dị ấy thôi đã in đậm trong tâm trí của ông Chiểu, tạo ra ý chí quyết tâm, động viên, thôi thúc, nhắc nhở ông trên mỗi bước đường đời…

 

Lê Văn Chiểu là người duy nhất học về vũ khí. Ông học ở Trường Đại học Tổng hợp Bau-man, Khoa Cơ khí quốc phòng, ngành học vũ khí tự động trong năm năm rưỡi (từ 9-1951 đến 3-1957). Ngành này đào tạo kỹ sư để có thể thiết kế các loại súng từ đại liên cho tới đại bác 30mm (trên máy bay).

 

Để bồi dưỡng kiến thức cơ bản, Lê Văn Chiểu được gửi học từng thầy riêng, một thầy kèm một trò, học các môn khoa học cơ bản và kỹ thuật cơ sở chung. Có lẽ đây là trường hợp đặc biệt nhất của các du học sinh ở Liên Xô lúc đó.

 May mắn hơn, trong 3 năm cuối cùng, ông được học và thực tập cùng với sinh viên Liên Xô. Thời gian về sau, Liên Xô biên soạn giáo án riêng cho sinh viên nước ngoài, với chương trình dạy rất hạn chế, và chỉ dạy về cơ khí cơ bản, hoặc là đào tạo về khai thác vũ khí, chứ không dạy về thiết kế vũ khí nữa.

 

Ông Lê Văn Chiểu nhớ lại thời gian khổ học tại Liên Xô: "Tôi phải “ăn tranh thủ, ngủ tranh thủ”, gắng làm sao ngốn hết được khối lượng lớn kiến thức mà các giáo sư truyền đạt”. Khi được học môn thuật phóng trong và thuật phóng ngoài với các giáo sư danh tiếng, ông mới vỡ lẽ rằng nhiều vấn đề đã trở nên quen thuộc, đã được ngành quân giới non trẻ của chúng ta tự mày mò, tính toán được.

Các tài liệu về B40 và ĐKZ 82 ở Liên Xô lúc bấy giờ vẫn còn ở dạng tuyệt mật. Thế nhưng, trong một buổi học, ông tâm sự với một vị giáo sư rằng nếu sau này học xong mà không được mang tài liệu về, các hệ số còn được giữ kín thì đành phải dùng lại những công thức mà ngành quân giới Việt Nam đã tính toán được khi còn ở trong rừng rậm.

Vị giáo sư hỏi: Công thức ấy là gì? Ông Chiểu bèn trình bày lại những phương pháp tính toán của ông Trần Đại Nghĩa, đồng thời biểu diễn sử dụng phương pháp này để tính phương án súng ĐKZ dùng thuốc phóng lá mỏng và dài, cũng cho kết quả tương tự như giáo trình của nhà trường. Các giáo sư của bộ môn thuật phóng của Trường Bau-man đã hết sức ngạc nhiên và khâm phục.

 

Kỹ sư thiết kế vũ khí Lê Văn Chiểu tốt nghiệp với bằng đỏ (bằng loại giỏi của Liên Xô). Tìm lại trong những tập tài liệu cũ, ông lấy cho tôi xem bảng điểm trong mấy năm học tại Liên Xô. Đã hơn 50 năm nhưng những bảng điểm vẫn phẳng phiu do được cất giữ cẩn thận. Trong hơn năm năm học, ông Chiểu chỉ có duy nhất một điểm 4, còn tất cả đều là điểm 5 (điểm cao nhất trong thang điểm của Liên Xô)…

 

Khi về nước, ngoài những tài liệu giáo khoa, những vở ghi chép mật, những bảng giúp tính toán nhanh các tham số thuật phóng trong và đường đạn của súng pháo do Trường Bau-man gửi đến qua đường tổ chức liên lạc giữa hai nước, ông Chiểu còn mang về nhiều sách mua được về các ngành khoa học kỹ thuật có liên quan đến thiết kế và chế tạo vũ khí. Đây trở thành những tài liệu quý cho ngành quân giới Việt Nam.

(còn nữa)

Theo Hồ Quang Phương(Quân đội Nhân dân)

Bình luận
vtcnews.vn