Trong báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) đã công bố cho thấy, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã bỏ ra khoảng 3,06 tỷ USD để mua nhà tại Mỹ.
Việt Nam đã đứng trong danh sách 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới. Đáng lưu ý, 5 năm liên tiếp (từ năm 2013) Việt Nam luôn nằm trong danh sách này.
Thông tin này khiến nhiều người giật mình và lo ngại, sau chảy máu chất xám, chúng ta phải đối mặt với tình trạng chảy máu ngoại tệ. Một bộ phận doanh nhân, những cá nhân kiệt xuất, người giàu có… thay vì ở trong nước lại đến hoạt động kinh doanh, đầu tư tại một đất nước khác.
Phải chăng, môi trường đầu tư của chúng ta đang có vấn đề? Việc người dân bỏ ra cả tỷ USD để mua nhà ở Mỹ có đáng lo ngại?
Trao đổi vớiVTC News về vấn đề này, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội - Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Chuyện 3 tỷ USD là con số báo chí đưa ra, nó không phải báo cáo chính thức của cơ quan có thẩm quyền... cho nên rất khó nói điều đấy đúng hay không đúng.
Cứ cho con số đó (3,06 tỷ USD người Việt dùng để mua nhà ở Mỹ) là đúng, thì nó cũng chỉ tương đương với tiền người Việt đi nước ngoài chữa bệnh (1-2 tỷ USD/năm), thậm chí chưa bằng tiền đi du lịch nước ngoài (khoảng 6 tỷ USD năm 2016)”.
Theo TS. Phong, nếu thống kê lại, mỗi một năm chúng ta có hàng chục tỷ USD ra nước ngoài để thực hiện các hoạt động kinh doanh, du học, du lịch, chữa bệnh…
Quan điểm của TS.Phong về việc người Việt sở hữu nhiều nhà ở nước ngoài cũng tốt. Nó giúp cho người Việt sở hữu đất đai ở trên thế giới, có thêm cơ hội cho người việt học tập, phát triển kinh doanh ở nước ngoài với giá rẻ. Sự hiện diện của người Việt ở nhiều nước trên thế giới cũng là tốt.
Ngoài những mặt tích cực, TS. Phong cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt trái như sự thâm hụt một lượng ngoại tệ trong nước. Nếu lượng ngoại tệ bị chảy ra nước ngoài là tiền do quan chức tham nhũng, có thể nói là 'tiền bẩn' thì cần phải ngăn chặn. Đó mới là vấn đề.
Video: Những ai trong danh sách người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ?
Tuy nhiên, trước thông tin người Việt bỏ ra 3 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ, TS.Phong vẫn nhìn nhận sự việc ở góc độ tích cực nhiều hơn tiêu cực.
TS.Phong phân tích: “Tôi cho rằng mọi người mua nhà để cho con cháu học hành còn họ vẫn ở lại trong nước để kinh doanh, họ mua để đi đi về về chứ họ vẫn là người Việt. Người tài vẫn ở lại đất nước, họ không đi đâu cả. Câu chuyện người tài đi khỏi đất nước bằng mua nhà thì không có bằng chứng gì cả.
Trong bối cảnh tự do hóa, nói về điều kiện cá nhân thì việc đi sang những nước phát triển như Mỹ để học hành thành tài cũng là tốt, sau này có điều kiện thì chúng ta thu hút họ về. Trong bối cảnh hội nhập phải có dòng ra dòng vào".
Song TS.Phong không quên nhấn mạnh: “Nếu so sánh tính chất đầu tư tương đương thì số tiền đó để đầu tư trong nước thì tốt hơn, rõ ràng nếu cùng mua nhà thì hãy tạo điều kiện cho trong nước. Nhưng phải rõ ràng, đầu tư nước ngoài không phải là xấu".
Tiến sĩ lấy dẫn chứng rằng, lượng kiều hối của Việt Nam trong 20 năm qua tăng rất tốt, có lúc lên tới 13,5 tỷ USD. Các Việt kiều yêu nước vẫn về nước để giảng dạy, thậm chí có người về hẳn. Điều đó cho thấy, chính sách thu hút kiều hối của ta là khá tốt, thế nên nó mới tăng liên tục, tăng rất nhanh.
Về vấn đề ngăn chặn 'tiền bẩn', tiền tham nhũng. TS.Phong cho rằng, biện pháp ngăn chặn thì có nhưng không dễ, bởi đây là dòng tiền chạy ngầm. Vì là dòng chạy ngầm nên có rất nhiều kênh, nhưng nguyên tắc cao nhất là phải kiểm tra các nguồn thu nhập của quan chức, của những người có khả năng tham nhũng lớn.
“Phải ngăn chặn dòng tiền tham nhũng, nguyên nhân khiến cho đất nước nghèo đi” –TS.Phong nhấn mạnh.
Bình luận