Chiều 15/6, tại trụ sở Cục CSGT (Bộ Công an) đã diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp tác về thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay người nhận theo yêu cầu giữa Cục CSGT và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Đây là dịch vụ có thể nộp tiền phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục có cung cấp dịch vụ của Bưu điện trên cả nước và nhận lại giấy tờ tạm giữ tại nhà.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh – Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, việc nộp tiền và chuyển phát giấy tờ tạm giữ qua bưu điện sẽ mạng lại lợi ích rất to lớn đối với người vi phạm, sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức do chỉ cần đến bưu điện gần nhất để sử dụng dịch vụ và nhận giấy tờ tạm giữ tại nhà, không phải thực hiện nhiều công việc như trước đây là đến cơ quan xử phạt nhận lại giấy tờ tạm giữ.
Đặc biệt, việc nộp phạt qua bưu điện rất thuận tiện đối với những người vi phạm giao thông tại địa bàn xa nơi đang sinh sống.
Bên cạnh đó, cơ quan công an, kho bạc cũng bớt được áp lực trong quá trình xử lý các thủ vi phạm hành chính cho từng người vi phạm.
Việc nộp tiền và nhận lại giấy tờ qua bưu điện cũng góp phần hạn chế việc đi lại, đặc biệt là di chuyển liên tỉnh của người vi phạm trong việc nộp tiền, nhận giấy tờ tạm giữ, qua đó giảm lưu lượng giao thông trên đường, giảm chi phí xã hội.
Ông Phạm Anh Tuấn – Tổng giám đốc công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, Cục CSGT và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thống nhất triển khai việc thu tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm giao thông qua hệ thống Bưu điện trên cả nước từ ngày 15/6.
Khách hàng có nhu cầu sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ trực tiếp với cơ quan công an hoặc bưu điện.
Việc đăng ký với cơ quan công an sẽ thực hiện thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm (bản cơ quan công an lưu) để chuyển tới bưu điện.
Nếu đăng ký với bưu điện thì người vi phạm giao thông có thể đến bưu cục gần nhất để đăng ký và nộp tiền (bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ).
Việc chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm sẽ được thực hiện theo phương thức ưu tiên. Bưu điện Việt Nam đảm bảo chuyển phát nhanh chóng, chính xác, an toàn tới tận tay người nhận.
Người vi phạm giao thông tại các trung tâm tỉnh, thành phố sẽ nhận lại tất cả giấy tờ trong vòng tối đa 2 ngày, đối với các huyện và tỉnh thành khác là từ 3 – 5 ngày.
Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, đây là chương trình được thực hiện theo Nghị quyết số 10/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ, nhằm góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đồng thời đem lại sự thuận tiện, lợi ích cho người dân trên cả nước.
Trước đó, mô hình này đã được thí điểm ở Vũng Tàu rất thành công, sau đó Cục CSGT, Tổng công ty Bưu điện VN làm báo cáo Thủ tướng và được đồng ý cho triển khai.
Đánh giá về buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, ông Dánh nói: "Việc hợp tác giữa Cục CSGT và bưu điện không chỉ phối hợp trong việc xử lý vi phạm mà còn nhiều dịch vụ công khác."
Còn Thứ trưởng bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng đánh giá: "Việc nộp phí tại bưu điện không những giúp người dân thuận tiện trong việc nộp phạt mà còn góp phần làm giảm nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác xử lý vi phạm."
Video: Những cách xử phạt đầy tình người làm nên thương hiệu CSGT Đà Nẵng
Bình luận