Không có nước để cấp
Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn dẫn nước về từ suối Đạ Cọ được xây dựng năm 2007 với mục tiêu giải quyết phần lớn nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân thôn Tôn K’Long (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh), hầu hết là bà con dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, công trình này không được sử dụng hơn 3 năm nay, trong khi hạn hán vẫn thường xuyên xảy ra và kéo dài, dân Tôn K’Long ngày đêm lo thiếu nước.
Khoảng 9 năm sau khi đưa vào sử dụng, công trình trên là nguồn nước cung ứng nước sinh hoạt và canh tác dồi dào cho bà con trong thôn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, thượng nguồn suối Đạ Cọ bị một số hộ dân ở xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) chặn dòng, khiến hạ nguồn cạn nước. Công trình nước sinh hoạt được đầu tư 2 tỷ đồng do đó ngừng hoạt động, trang thiết bị, máy móc ngày một xuống cấp, hư hỏng. Dân thôn Tôn K’Long thiếu nước sạch cho sinh hoạt và tưới cây.
Anh K’Vinh nói: “Gia đình tôi đào tận 3 cái giếng nhưng đều gặp đá bàn nên mãi vẫn chưa tìm được mạch nước. Mùa khô năm nay, dân nơi đây phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Muốn có nước, bà con phải vượt hơn 2 km ra tận hồ thủy điện chở về, vất vả lắm. Chúng tôi mong cơ quan chức năng và chính quyền các cấp nhanh chóng vào cuộc để trả lại dòng chảy ngày nào cho suối Đạ Cọ. Đây là con suối tự nhiên, bao đời cung cấp nước cho bà con vậy mà giờ đây bị một số cá nhân ngăn dòng chiếm dụng".
Ông K’Brèo, cán bộ Mặt trận tổ quốc thôn Tôn K’Long, cho biết: “Về việc suối Đạ Cọ bị chặn, chúng tôi có phản ánh với UBND xã Đạ Pal và huyện Đạ Tẻh để can thiệp, nhưng mấy năm trôi qua vẫn chưa có câu trả lời. Từ đó đến nay, dân chúng tôi tìm mọi cách để có nguồn nước sinh hoạt như đào, khoan giếng, dùng can đi lấy nước, nhưng đều không hiệu quả. Hiện là cao điểm mùa khô nên tình trạng thiếu nước càng nghiêm trọng hơn”.
Cà phê dễ bị đốn làm củi
Do hạn hán kéo dài, cà phê - cây trồng chủ lực của dân thôn Tôn K’Long héo úa và rụng lá, các rẫy cà phê đang đứng trước nguy cơ biến thành đám rẫy khô, phải chặt bỏ.
Trong 380 ha cà phê của Tôn K’Long, chỉ khoảng 50 ha được tưới nước, nhưng lượng nước ít ỏi chỉ đủ cứu cây thoát chết chứ không thể giúp trổ hoa, trong khi lẽ ra thời điểm này cây cà phê đang ra hoa, đậu trái.
Anh K’Điệp, dân trong thôn, chia sẻ: “Tôi khoan tới 2 cái giếng nhưng chẳng có giọt nước nào để tưới. Để chống khát cho cà phê, tôi và một hộ khác góp hơn 50 triệu đồng thuê máy múc đào 2 ao tìm nước tưới. Tuy nhiên, do mực nước trong ao quá thấp, vườn cà phê lại ở trên đồi cao, tôi phải nối 20 cuộn ống dài hơn 1.000m và dùng 2 máy bơm nước công suất lớn để tải nước nhưng có vẻ không khả quan. Nước chưa bơm tới vườn thì hồ đã sắp cạn.
Hơn 3 ha cà phê của gia đình tôi và hàng trăm ha cà phê của bà con ở đây phải chịu nắng nóng kéo dài từ trước tết Nguyên đán đến nay. Vì thiếu nước tưới nên toàn bộ cà phê trong vườn héo rũ, rụng lá, khô bông. Cứ nắng hạn kiểu này, trong 10 – 15 ngày tới chắc chắn nhiều diện tích cà phê phải đốn làm củi”.
Ông Chu Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal cho biết: “Địa phương và bà con ở Tôn K’Long triển khai rất nhiều biện pháp chống hạn cho cây trồng, nhưng hiệu quả không cao. Với tình hình nắng hạn đang diễn ra thì chỉ có mưa mới cứu được cây trồng. Còn đối với công trình nước sinh hoạt đang bị bỏ hoang, chúng tôi từng nhiều lần kiến nghị tới các ngành chức năng và UBND huyện Đạ Tẻh nhưng vẫn chưa có giải pháp. Vấn đề là thượng nguồn suối Đạ Cọ bị chặn dòng nằm ở địa giới hành chính huyện Bảo Lâm khiến việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn”.
Theo thống kê của tỉnh Lâm Đồng, do hạn hán kéo dài, khoảng 44.000 ha cây trồng tại huyện Di Linh, 35.000 ha tại huyện Bảo Lâm và hàng chục nghìn ha tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên đang thiếu nước. Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết, Lâm Đồng đang hỗ trợ dân đào ao hồ nhỏ để tạo nguồn nước tưới, phối hợp với cơ quan chuyên môn áp dụng các biện pháp kỹ thuật chống hạn cho cây trồng.
Theo ông S, các địa phương cần chủ động theo sát diễn biến của thời tiết, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi làm tốt công tác điều tiết nước để đảm bảo phục vụ sản xuất, tránh thiệt hại nặng nề mùa vụ tới.
Video: Cà Mau đề xuất đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để hạn chế sụt lún
Bình luận