• Zalo

Người trồng cà phê trốn Tết, tranh nhau 'cướp nước trời' ở Gia Lai

Thời sựChủ Nhật, 18/02/2018 16:26:00 +07:00Google News

Tranh thủ thời điểm Tết Nguyên đán 2018, khi nhiều người về nhà để nghỉ ngơi, thì vẫn có một số hộ nông dân trốn Tết để đi "cướp" nước trời.

Cuối năm 2016, đầu năm 2017, toàn khu vực Tây Nguyên phải hứng chịu đợt khô hạn chưa từng có. Chỉ riêng tỉnh Gia Lai có hàng trăm nghìn hecta cà phê bị chặt bỏ, nhiều gia đình vướng vào cảnh nợ nần, trắng tay.

Chính vì vậy, vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhiều gia đình trồng cà phê tại huyện Ia Grai tranh thủ dịp nghỉ Tết, nhiều người ra rẫy đi làm để "cướp" nước tưới cho cây trồng.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh (48 tuổi, ở nông trường cà phê Ia Blang, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết: "Cứ đến cận Tết, những gia đình có nhiều cà phê trong khu vực lại tranh nhau tưới để nghỉ Tết sớm. Chính vì vậy, lượng nước vốn khan hiếm nay càng thiếu thốn".

"Chúng tôi nằm ở hạ nguồn dòng chảy nên lượng nước đổ về không nhiều, mà cà phê là giống cây trồng cần nhiều nước, vì vậy tranh thủ được từng nào hay từng đấy", bà Quỳnh nói.

IMG_0405[1]

 Ông Thiện kiểm tra máy nổ trước khi tưới nước.

Theo bà Quỳnh, tình trạng khan hiếm nước diễn ra nhiều năm nay, tình hình ngày càng khó khăn hơn khiến người dân lo lắng về tương lai cây cà phê ở vùng đất này.

Cùng quan điểm với bà Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết (49 tuổi, ở nông trường cà phê Ia Châm, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho hay: "Gia đình bà kéo máy ra tưới cà phê từ ngày mùng 2 Tết".

Bà Tuyết nói: "Gia đình tranh thủ làm mâm cơm cúng ông bà ngày 30, rồi mùng 1 đi chúc Tết họ hàng. Đến mùng 2 là kéo máy ra tưới ngay, vì chỉ vài ngày nữa hết Tết người ta sẽ tưới ồ ạt, lúc đó không biết lấy đâu ra nước mà tưới".

Bên cạnh những gia đình dùng máy nổ để tưới cà phê như gia đình bà Tuyết, bà Quỳnh, một số hộ dân tại huyện Ia Grai chuyển dần sang tưới nước bằng bét tự động. 

"Tưới máy thì rất nhanh nhưng lượng nước thấm vào đất không nhiều. Vì vậy dân ở đây bắt đầu chuyển dần sang tưới bét, tuy lâu nhưng nó thấm sâu.

Thường người ta sẽ để bét ở 1 chỗ khoảng 8 tiếng rồi về, độ phủ của 1 bét khoảng 16 cây. Cách làm này giúp người trồng không cần cầm vòi đứng tưới mà chỉ cần tranh thủ ra thay bét đi chỗ khác.

Tưới khá hiệu quả nhưng cách làm này sẽ tốn nhiều dầu hơn", ông Lê Đức Thiện (xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) nói.

28275825_894129090764264_1925840827_o

 Hệ thống tưới nước bằng bét tự động được nhiều nông dân ở Gia Lai áp dụng dịp Tết 2018.

Đối với người dân tại Ia Grai, cà phê chính là nguồn thu nhập lớn nhất để nuôi sống gia đình, những ám ảnh về hàng trăm héc ta chết cháy năm ngoái vẫn còn vẹn nguyên khiến họ không dám nghĩ đến việc ăn Tết.

"Ai cũng muốn ở nhà trọn vẹn 3 ngày Tết, nhưng nếu không tưới thì cuối năm không có quả mà thu hoạch, như thế Tết còn buồn hơn. 

Nhà ai có điều kiện khoan giếng sâu thì không lo, chứ dựa vào nguồn nước tự nhiên như chúng tôi thì phải chấp nhận cảnh trốn Tết ra vườn", bà Quỳnh chia sẻ.

Video: Uống trà cà phê quá nóng dễ ung thư cổ họng

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn