• Zalo

Người thứ 2 được chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối

Tin tứcThứ Hai, 20/03/2023 17:47:40 +07:00Google News

Bà Tannaz Ameli, 64 tuổi, ở bang Minnesota (Mỹ), không còn dấu hiệu ung thư sau khi phẫu thuật ghép phổi kép.

Bà Ameli, y tá đã nghỉ hưu, là người không hút thuốc, bị ho mạn tính vào cuối năm 2021. Bà được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn 4. Phương pháp hóa trị không đem lại hiệu quả, bệnh viện đề nghị bà chuyển tới khu chăm sóc cuối đời. 

Theo Daily Mail, vợ chồng bà Ameli không chịu bỏ cuộc. Sau khi ghép phổi kép, bà không cần điều trị thêm. Các bác sĩ của Northwestern Medical đã áp dụng kỹ thuật mổ mới để loại bỏ ung thư đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây lan. 

Người thứ 2 được chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối - 1

Bà Ameli (trái) và ông Khoury được ghép phổi kép. (Ảnh: Northwestern Medicine)

Tiến sĩ Ankit Bharat, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực của Northwestern Medicine, thông tin các bác sĩ thường không cấy ghép phổi cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn 4. Tuy nhiên, trong trường hợp ông Khoury và bà Ameli, ung thư không lan ra ngoài phổi.

Đây là một đặc điểm hiếm gặp đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4. Điều đó cho phép ca cấy ghép loại bỏ hoàn toàn căn bệnh. 

Tiến sĩ Bharat giải thích: "Kỹ thuật này liên quan đến phẫu thuật bắc cầu toàn bộ tim và phổi, lấy ra cả hai lá phổi bị ung thư, làm sạch đường thở và khoang ngực để loại bỏ ung thư, sau đó đặt phổi mới vào”. 

Ung thư phổi là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở Mỹ (120.000 ca mỗi năm). Ước tính có khoảng 240.000 trường hợp sẽ được phát hiện vào năm 2023.

Trước đó, ông Albert Khoury, 54 tuổi, cũng phẫu thuật thành công vào năm 2021 tại hệ thống y tế Northwestern Medicine. Đầu năm 2020, ông bắt đầu bị đau lưng, hắt hơi, ớn lạnh và ho ra chất nhầy. Ban đầu, ông nghĩ mình mắc Covid-19 nhưng rồi ông ho ra máu. 

Ông Khoury sau đó được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn 1, nhưng đại dịch khiến ông không thể bắt đầu điều trị ngay lập tức.

Trong vòng vài tháng, căn bệnh đã phát triển đến giai đoạn 2. Mặc dù đã trải qua nhiều đợt hóa trị, tình trạng của ông tiếp tục xấu đi, cuối cùng chuyển sang giai đoạn 4.

"Các bác sĩ tại các hệ thống y tế khác nói rằng tôi không có cơ hội sống sót", ông Khoury nhớ lại. Sau đó, em gái của ông xem một bản tin về việc tiên phong ghép phổi cho bệnh nhân Covid-19 tại Northwestern Medicine và đã thuyết phục ông đặt lịch hẹn.

Lúc này, ông Khouri bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết và được đặt máy thở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Khi tình trạng của ông xấu đi, các bác sĩ bắt đầu xem xét ca phẫu thuật.

Ung thư không di căn - hoặc lan sang các vùng khác nhau của cơ thể - khiến hy vọng ghép phổi kép trở nên khả thi. Theo đó, cả hai lá phổi bị ung thư của người bệnh sẽ được thay thế bằng hai lá phổi mới trong một lần phẫu thuật. 

Kỹ thuật cấy ghép trước đây có nguy cơ làm lây lan tế bào ung thư giữa lá phổi cũ và phổi mới khi chỉ thay thế một lá phổi.

Các bác sĩ đã phải hết sức cẩn thận trong suốt cuộc phẫu thuật kéo dài 7 tiếng đồng hồ, không để bất kỳ tế bào ung thư nào tràn từ lá phổi cũ của ông Khoury vào khoang ngực hay máu. Bất kỳ tế bào ung thư nào lan ra ngoài đều có thể gây ung thư ở những nơi khác trong cơ thể.

Mười tám tháng sau, không có dấu hiệu ung thư nào trong cơ thể bệnh nhân Khoury và ông đã có thể trở lại làm việc. Ông nói: "Cuộc đời tôi đi từ con số không đến con số 100. Bạn đã không nhìn thấy nụ cười này trên khuôn mặt tôi trong hơn một năm, nhưng bây giờ tôi không thể ngừng cười”. 

(Nguồn: Vietnamnet/Daily Mail)
Bình luận
vtcnews.vn