‘Tôi không biết những nỗi mất mát của thầy'
Thế hệ chúng tôi, những người có cơ hội được tiếp cận với chương trình dạy tiếng Anh trên truyền hình những năm 90 đều ngưỡng mộ thầy Nguyễn Quốc Hùng, người vẫn được rất nhiều học trò thế hệ chúng tôi biết đến với cái tên Nguyễn Quốc Hùng, M.A.
Người đều đều xuất hiện trên truyền hình dạy tiếng Anh với giọng nói truyền cảm, ấm cúng và lôi cuốn hóm hỉnh ấy giúp chúng tôi dần dần yêu môn tiếng Anh.
Và thời gian cứ trôi đi, đến một ngày gần đây, đọc được thông tin về thầy cùng tâm sự về nỗi đau quá khứ - khi thầy mất đi người con, người học trò sau một vụ tai nạn máy bay tôi đã không kìm được nước mắt. Chia sẻ câu chuyện về thầy trên trang facebook cá nhân, tôi còn bất ngờ hơn nữa khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đọc được và chia sẻ bà cũng từng có một thời là học sinh của thầy Nguyễn Quốc Hùng.
‘Tôi muốn gặp lại thầy Nguyễn Quốc Hùng vì tôi là học trò của thầy trong thời gian học bác sĩ nội trú và học các khoá nâng cao tiếng Anh, những năm 1982-1985. Sau đó, tôi vào Sài Gòn sống 20 năm nên không còn biết thông tin về thầy. Tôi cũng không biết về những mất mát của thầy’, Bộ trưởng Tiến chia sẻ.
Chia sẻ của bộ trưởng Tiến càng làm tôi có thêm động lực thôi thúc muốn tìm gặp thầy Hùng, hỏi thăm sức khoẻ và biết thêm cuộc sống hiện nay của thầy. Qua nhiều lần cố gắng tìm hiểu, tôi tìm ra số điện thoại và nơi ở của thầy và xin phép được đến thăm. Thầy đón tiếp tôi hồ hởi và giản dị trong căn phòng làm việc đầy ắp sách tiếng Anh.
Khi nhắc đến việc thầy có nhớ từng dạy Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thầy Hùng nói: ‘Trong thời gian công tác, tôi dạy nhiều lắm nên không nhớ hết học trò. Bộ trưởng có thể học lớp nâng cao tiếng Anh dành cho sinh viên y khoa.
Tôi đi dạy từ năm 1967 cho đến 2002 thì nghỉ hưu. Sau này, tôi làm công tác nghiên cứu, chủ yếu là phương pháp giảng dạy và ngữ âm học. Cả cuộc đời, tôi nghiên cứu và muốn đưa ra phương pháp dạy làm sao để người Việt học tiếng Anh hiệu quả’.
'Tôi thích học ngoại ngữ từ bé dù chưa có định hướng gì'
Gia đình thầy Nguyễn Quốc Hùng vốn đã năm đời ở Hà Nội. Từ bé, thầy đã được học ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh ở những trường hàng đầu như Lý Thường Kiệt, trường Bưởi…
Học xong lớp 10, thầy Hùng lên Cao Bằng dạy học ba năm rồi mới thi vào Đại học Sư phạm, Khoa tiếng Anh.
‘Từ bé, tôi đã rất thích học ngoại ngữ dù chưa có định hướng gì. Ngày ấy, tiếng Anh không được chú trọng như tiếng Nga. Sau khi tốt nghiệp 1 năm, năm 1967, tôi mới được nhận bằng và dạy tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Giáo trình dạy, học không có nhiều, giáo viên phải tự bươn chải. Mãi đến năm 1986, đất nước mở cửa, xã hội chuyển mình với nhu cầu học tiếng Anh mọi việc mới bắt đầu vào guồng quay thuận lợi hơn.
Dù tôi đi dạy tiếng Anh nhưng vẫn nhận ra mình cần trau dồi ngôn ngữ tiếng Việt để hiểu biết ngôn ngữ mẹ đẻ phong
phú hơn, tôi sang đại học Tổng hợp học thêm chuyên ngành Ngữ văn.
Duyên trời đưa đẩy, năm 1986, đài Truyền hình mời tôi tham gia xây dựng chương trình dạy tiếng Anh. Mất hai năm nghiên cứu, xây dựng kịch bản, xin bản quyền nước ngoài, đến năm 1988 thì chương trình được phát sóng’, thầy Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Một cơ may đã đến khi Đại sứ Anh tại Việt Nam lúc bấy giờ đã hỗ trợ đưa ‘người của truyền hình Việt Nam’ sang Anh học về thiết kế chương trình truyền hình.
Trước khi đi học, thầy Hùng làm Trưởng khoa tiếng Anh, khi về nước, ông được thăng chức lên vị trí Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ kiêm giám đốc Trung tâm dịch thuật và Trung tâm Đào tạo từ xa của trường.
Trong suốt thời gian làm quản lý, ông không ngừng lao động, học tập, nghiên cứu. Ông bảo: ‘Tôi khá may mắn vì có những người học trò tâm huyết, những trợ lý tận tâm như Thạch đó’. (TS.Phạm Ngọc Thạch – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Hà Nội từng là học trò của thầy - PV)
Ông bảo, khi chọn cộng sự, ông thường dựa vào lòng tin và tính cách con người, rồi xem năng lực người đó có làm được không. Tuy nhiên đôi khi cũng không tránh được có con người vì tiền mà sẵn sàng phản thày, phản bạn.
Cuộc sống là sự tha thứ
Trong câu chuyện của mình, không ít lần thầy Hùng nhắc đến người vợ thứ hai PGS - TS Hoàng Thị Ngọ, công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm nay đã nghỉ hưu. Không giấu được nét tự hào khi nhắc về người bạn đời, thầy Hùng kể: Bao nhiêu năm nay rồi, ngày ngày bà ấy vẫn hỏi tôi 'Thế hôm nay anh ăn gì?''
Thấy ông ngồi tiếp chuyện tôi, bà Ngọ đã vội vàng cầm lược đến chải tóc cho ông, rồi cười bảo: ‘Người của mình thì mình phải chăm chứ’. Ở tuổi này rồi, bà vẫn ân cần với ông, mỗi khi ông ra đường, bà chỉnh cho ông từ cổ áo đến mái tóc. Mái tóc ông, mấy chục năm nay cũng do bà cắt vì ‘sợ thợ cắt tóc có khi không cắt đúng kiểu mà ông ưng và hợp với ông’.
Kể về cuộc sống riêng của mình thầy bảo, ‘Trong cuộc sống gia đình, tôi sống bằng sự tha thứ. Ngày trẻ, tôi cứ liên miên, chìm đắm trong công việc. Công việc lôi tôi đi nên tôi chưa chu đáo với vợ con'.
‘Nghĩ lại nhiều chuyện cũ đã xảy ra, giờ mình cho rằng nó chỉ là chuyện lặt vặt. Khi người ta trẻ, vì không tìm được giải pháp thỏa đáng cho hai bên khi đưa ra quyết định nên phải chia tay. Và khi lớn tuổi rồi, người ta có thể tha thứ cho nhau nhưng lúc còn trẻ thì rất dễ nổi đóa lên', thầy Hùng nhắc tới người vợ đầu tiên của mình. Dù bà không còn nữa nhưng ông vẫn kể về bà với một tình cảm trân trọng.
‘Hồi sinh viên, tôi yêu cô ấy, một người con gái miền Nam tập kết. Thời ấy có phong trào "ba khoan", là sinh viên mà yêu thì bị kỷ luật. Chúng tôi không có thời gian tìm hiểu tính cách nhau. Bởi thời đó, không được bên nhau nhiều. Nhưng rồi chúng tôi vẫn lấy nhau hai tháng trước khi ra trường. Sống với nhau, có được hai đứa con, dần dần, mới nhận ra chúng tôi mâu thuẫn về cách suy nghĩ, nếp sống dù chúng tôi hoàn toàn quý mến nhau.
Cô ấy là người miền Nam tốt tính, thẳng thắn. Còn tôi, lúc ấy còn trẻ, có nhiều hoạt động xã hội, đi làm, công tác, đi dịch, dạy thêm để kiếm sống, làm truyền hình… Rồi có lúc, bạn bè rủ đi ngồi với nhau, quá đà thế là về muộn. Còn cô ấy muốn tôi dành thời gian cho gia đình, chăm sóc, đưa vợ con đi chơi theo kiểu gia đình lý tưởng. Tôi nghĩ những đòi hỏi ấy hoàn toàn đúng nhưng tôi không đáp ứng được.
Lúc đó bà ấy nói 'Em rất buồn, đến lúc chúng ta cần nhau thì lại phải xa nhau', ý bà ấy là đã sống với nhau đến tuổi ngoài 40 rồi, đến lúc cần chăm sóc lẫn nhau thì phải chia tay nhau.
Tôi buồn về cuộc chia tay nhưng rồi cũng không khác được. Sau đó, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn gọi điện cho nhau, chúng tôi không ghét bỏ nhau. Chỉ là sống không thoải mái thì chia tay nhau, mỗi người quá đà một tí, nhiều khi chia tay nhau không phải lỗi tại ai’, thầy Hùng kể.
Sau khi thầy Hùng chia tay người vợ đầu tiên, người con trai lớn ở lại với thầy, người thứ 2 vào TP.HCM ở với mẹ. Vài năm sau, thầy Hùng lập gia đình với cô bạn học cùng lớp ở trường ĐH Tổng hợp.
‘Cô ấy chăm lo rất chu đáo cho chồng con. Cô ấy có những công việc và mục tiêu phấn đấu về chuyên môn của riêng mình và đã trở thành PGS – TS. Con trai riêng thứ hai của tôi quý Ngọ lắm, bảo con gọi cô ấy là bà nội. Nó bảo cô ấy nhân hậu, đối xử đúng mực’, thầy Hùng tâm sự.
Nỗi đau sâu kín tâm can
Trải qua đủ những thăng trầm trong cuộc sống sau mấy chục năm, từ bao vinh quang trong công việc đến những nỗi đau sâu kín tâm can, giờ nhắc lại chuyện cũ, thầy Hùng còn tiếc nuối: 'Giá như Hoàn, cậu con trai đầu của tôi còn sống. Nó sẽ tiếp bước tôi, cả cái thư viện đầy sách này, cả các công trình nghiên cứu này. Nếu nó còn, sẽ kế nghiệp đam mê của tôi’.
Đó là thầy nói về sự ra đi của người con trai lớn, anh Nguyễn Quốc Hoàn (SN 1967), người đã mất năm 1988 sau
một tai nạn máy bay thảm khốc khi đang là du học sinh năm thứ 3 tại Iraq về văn học Arab.
‘Có điều xót xa nhất, tôi mất một người học trò – con trai tôi. Nó rất yêu thích tiếng Anh, nhưng may, tôi có con gái kế nghiệp mình và cậu con trai thứ hai Nguyễn Quốc Long theo nghiệp xuất bản và phát hành sách’, thầy Hùng tâm sự.
Được biết, người con gái thầy Hùng có với người vợ thứ 2 hiện giảng dạy tiếng anh tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hiện giờ, sau tất cả những thăng trầm của cuộc sống, dù đã 75 tuổi, thầy Hùng vẫn miệt mài bên bàn làm việc mỗi ngày. Thầy vẫn nghiên cứu, viết sách và làm việc với niềm đam mê dường như chưa bao giờ tắt sau mấy chục năm qua. Cách đây 7 tháng, thầy thấy đau ran, tức ngực, phải điều trị theo liệu trình của bác sỹ nhưng giờ sức khỏe đã ổn định. Thầy lại tiếp tục viết bộ sách ngữ pháp tiếng Anh cho học sinh phổ thông. Thầy bảo, 'Tôi hy vọng bộ sách sẽ nâng tầm học tiếng Anh của học sinh phổ thông’.
*Chú thích: M.A: Master of Art (Thạc sỹ nhân văn)
Bình luận