• Zalo

Người Thái nói gì về thương vụ mua lại Metro?

Kinh tếThứ Hai, 15/09/2014 02:51:00 +07:00Google News

Trong bối cảnh dư luận đang đặc biệt quan tâm về thương vụ lịch sử trị giá lên tới 879 triệu đô la Mỹ mà Công ty BJC Thái Lan mua lại Metro Cash & Carry VN.

Trong bối cảnh dư luận đang đặc biệt quan tâm về thương vụ lịch sử trị giá lên tới 879 triệu đô la Mỹ mà Công ty BJC Thái Lan mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam, lãnh đạo BJC đã chủ động đưa ra lời giải thích với báo giới.

Ông Aswin Techajareonvikul, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Berli Jucker Public Company Limited (BJC) nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tuần trước: “879 triệu đô la Mỹ là con số hợp lý, không đắt hay rẻ”. Mức giá này, ông Aswin nói, được BJC và Metro đồng thuận sau hơn một năm đàm phán với sự hỗ trợ của công ty tư vấn Lazard của Mỹ.

Hai bên sẽ trình hồ sơ pháp lý lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh trong tháng 10 tới với hi vọng có thể công bố hoàn thành thương vụ vào nửa đầu năm 2015. BJC chỉ được sử dụng thương hiệu của Metro trong vòng 18 tháng sau đó.

BJC
Ông Aswin Techajareonvikul, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BJC. Ảnh TH 
Giải thích về việc bỏ ra số tiền lớn kỷ lục để mua lại Metro, ông Aswin nói: “Nguyên nhân chủ yếu là BJC thấy được tiềm năng trong việc phân phối các sản phẩm và dịch vụ tai Việt Nam và Metro là thời cơ tốt. Metro có nền tảng và cơ cấu phù hợp với BJC, giúp chúng tôi phát triển nhanh hơn là đầu tư mới”.

Ông Aswin bổ sung thêm, gần 4.000 nhân viên người Việt Nam có kỹ năng, trình độ giỏi của  Metro cũng là “nhân tố quan trọng”, giúp BJC quyết định đầu tư vào Metro.

Thương vụ mua lại hệ thống gồm 19 trung tâm phân phối và bất động sản liên quan tại nhiều tỉnh, thành phố của Metro đã mang lại nhiều lo ngại trong công luận Việt Nam kể từ khi thông tin được rò rỉ cách đây hơn một tháng. Một mối lo ngại đặc biệt là lo lắng người Thái sẽ chỉ tập trung phân phối hàng Thái qua hệ thống này, thay vì duy trì tỉ lệ 90% hàng Việt Nam của Metro hiện nay.

Ông Aswin khẳng định: “Chúng tôi vẫn ưu tiên phân phối hàng Việt Nam, nhưng những sản phẩm đó phải phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam”.

Chủ tịch BJC cũng đưa ra thông điệp trấn an các nhà cung cấp: “Chúng tôi không có kế hoạch tái cơ cấu hay thay đổi nhà cung cấp”. Tuy nhiên, ông Aswin nhấn mạnh, các sản phẩm của họ phải có chất lượng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

“Tôi muốn nhấn mạnh là trong hơn 132 năm lịch sử của BJC tại Thái Lan, chất lượng là tiêu chuẩn hàng đầu. Đây cũng là đòi hỏi hàng đầu của chúng tôi với các nhà cung cấp hàng hóa cho Metro,” ông Aswin nói.

Công luận Việt Nam sốc với thương vụ M&A lớn nhất lịch sử một phần là do BJC đã luôn kín tiếng, dù công ty này đang mở rộng hoạt động rất nhanh tại Việt Nam trong vài năm gần đây.

Năm ngoái, BJC đã chi khoảng 4,5 triệu đô la Mỹ mua lại 75% phần vốn tại Ichiban, nhà sản xuất và phân phối đậu phụ tại Việt Nam.

Năm 2011, BJC cùng với tập đoàn Ball, một trong những nhà sản xuất vỏ lon lớn nhất thế giới, thành lập Công ty TNHH Lon nước giải khát TBC-Ball Việt Nam số vốn 60 triệu đô la Mỹ tại khu công nghiệp VSIP II Bình Dương với công suất thiết kế 850 triệu lon một năm. Nhà máy này đã đi vào hoạt động tháng 3-2012.

Cũng năm 2011, Công ty thành lập BJC Cellox trong lĩnh vực sản xuất giấy vệ sinh.

Từ 2010, BJC trở thành đối tác của Sabeco trong Công ty bao bì thủy tinh Malaya Việt Nam. Cũng năm này, BJC đã đặt chân vào lĩnh vực phân phối bán lẻ tại Việt Nam bằng việc mua lại 75% cổ phần tại Thai Corp, một trong những doanh nghiệp phân phối lớn tại Việt Nam.

Năm 2007, BJC cũng khởi động lại hoạt động của Vina Glass Industries Ltd, công ty sở hữu nhà máy sản xuất chai thủy tinh tại Bình Dương sau khi nhà máy này phải dừng hoạt động do khủng hoảng tài chính khu vực 10 năm trước đó.

Sau thương vụ với Metro, BJC sẽ có tổng cộng 7.000 nhân viên Việt Nam, chiếm một nửa trong tổng số 14.000 nhân viên của BJC trên toàn cầu.

Ông Aswin nói: “Metro mới chỉ là khởi đầu, trong tương lai chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn nữa tại Việt Nam vì chúng tôi nhìn thấy tương lai của các bạn sẽ còn sáng sủa hơn".

Trong năm 2013, tổng doanh thu của BJC là 42 tỉ baht Thái, tương đương gần 1 tỉ euro.

BJC là 1 trong 5 công ty con của Tập đoàn TCC của gia đình tỷ phú Charoen và vợ là bà Khunying Wanna Sirivadhanabhakdi. Ông bà là những người được hoàng gia phong tặng tước hiệu vì những đóng góp cho sự phát triển của Thái Lan. Khách sạn Melia tại Hà Nội là một trong các tài sản của TCC.

Theo Theosaigontimes

Bình luận
vtcnews.vn