• Zalo

Người sống sót sau 10 năm dịch SARS và ký ức kinh hoàng

Sức khỏeThứ Sáu, 26/04/2013 08:20:00 +07:00Google News

Ông Nguyễn Hữu Hùng dường như vẫn còn khiếp đảm với ký ức về trận dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) cách đây đúng 10 năm.

Ông Nguyễn Hữu Hùng dường như vẫn còn khiếp đảm với ký ức về trận dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) cách đây đúng 10 năm.

"Toàn thân mệt mỏi rã rời vì những cơn sốt rét hành hạ. Bụng đau như cắt, từng thớ cơ trên người như bị giằng xé, đầu muốn nổ tung trong trạng thái mơ mơ tỉnh tỉnh. Sống sót đến ngày hôm nay quả là điều kỳ diệu."

Ông Nguyễn Hữu Hùng dường như vẫn còn khiếp đảm với ký ức về trận dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) cách đây đúng 10 năm - trận dịch đã khiến cả thế giới kinh hoàng vì đã  lây lan tới 32 quốc gia với hơn 8.000 người mắc và 916 người tử vong. Riêng tại Việt Nam, đã có 63 trường hợp mắc bệnh SARS, và dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 5 người.

Một phép lạ nhiệm màu

Người đàn ông 60 tuổi có dáng người cao dong dỏng, khuôn mặt luôn thường trực nụ cười tươi và phong cách nói chuyện đĩnh đạc. Nhìn dáng vẻ khỏe mạnh ấy của ông không ai nghĩ rằng người đàn ông này đã từng là một bệnh nhân SARS rất nặng và từng cận kề cái chết.

bệnh nhân sars
Ông Hùng nhớ lại ký ức kinh hoàng. 
Mở đầu cuộc nói chuyện, ông Hùng (Ba Đình, Hà Nội) cứ nhắc đi nhắc lại rằng: “Cho đến ngày hôm nay, tôi có may mắn được tiếp tục sống và sẻ chia những kỷ niệm với mọi người. Dường như đó là một phép lạ vì bệnh SARS đã cướp đi sinh mạng của biết bao người.”

Khi đó, bệnh tình của ông tiến triển từng ngày với chiều hướng xấu đi nhanh chóng, các cơn sốt thường xuyên hơn. Đặc biệt là cứ sau mỗi lần sốt rét thì ông lại chuyển sang sốt nóng, nhiệt độ cứ tăng dần, các cơn ho cũng nhiều hơn, không thể tả hết các đau đớn.

Ông Hùng tâm sự, những ai đã từng trải qua căn bệnh đại họa này mới cảm nhận được những sự đau đớn mà người bệnh phải gánh chịu. Thời gian mắc bệnh, ngày nào ông cũng phải chụp X-quang phổi, xét nghiệm máu. Đã có lúc ông cảm thấy tuyệt vọng, nghĩ rằng mình không qua nổi bởi hình ảnh phổi cứ mờ dần mờ dần, các men biểu thị sự hủy hoại các tế bào cứ tăng lên. Nhiều lúc ngực ông thắt lại như bị ai đó chụp một bao ny lông vào đầu và siết chặt lại, không có không khí để thở, thêm vào đó là bị tiêu chảy ra máu.

Khi ông được đưa đến Viện Lâm sàng các bệnh Nhiệt đới Quốc gia (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện nay), thì nồng độ oxy trong máu đã dưới 70%. Để cứu sống ông, khi đó các bác sỹ của Viện đã có một quyết định rất táo bạo, đó là thay vì mở khí quản để cho thở bằng máy, thì họ cho ông thở máy không xâm nhập, đồng thời họ đã cho ông các kháng sinh để khống chế các bội nhiễm. Sau hơn hai tuần thở oxy bằng mặt nạ có túi, nồng độ oxy trong máu của ông đã được ổn định trên 90% và được chuyển sang thở oxy bình thường.

Sau đó, ông được các bác sỹ dạy tập thở, cử động chân tay, và tập tễnh tập đi lại từng bước một. Bình thường, các việc này rất là đơn giản, nhưng đối với ông lúc ấy những động tác đó như là một cực hình, vì bất cứ một cử động nào cũng gây cho ông sự đau đớn vô cùng. Những lúc tháo dây thở oxy ra để tập thở, ông có cảm giác như bị dìm xuống nước.

 

Toàn thân mệt mỏi rã rời vì những cơn sốt rét hành hạ. Bụng đau như cắt, từng thớ cơ trên người như bị giằng xé, đầu muốn nổ tung trong trạng thái mơ mơ tỉnh tỉnh. Sống sót đến ngày hôm nay quả là điều kỳ diệu.

Ông Nguyễn Hùng
 
Đến ngày 29/4/2003, sau hơn 10 ngày không còn bị sốt, các bác sỹ quyết định cho ông xuất viện và phải hơn 6 tháng dưỡng bệnh tại nhà, ông vẫn phải tiếp tục tập thở, tập vận động mỗi ngày để dần bình phục.


Ông Hùng không phải là nạn nhân duy nhất của SARS trong gia đình. Ngoài ông còn có chú ruột, vợ, cô em họ và tài xế bị mắc bệnh.

Người chú của ông Hùng, một bác sỹ về xương khớp, Việt kiều Pháp, trở về Việt Nam lần đầu tiên sau hơn 50 năm sống ở nước ngoài với hoài vọng được đóng góp một phần nào cho đất nước của mình.

Tuy nhiên, dường như định mệnh đã sắp đặt người chú của ông tình nguyện làm việc tại bệnh viện Việt Pháp đúng vào thời kỳ dịch Sars bắt đầu xuất hiện tại đó. Người chú đó đã bị nhiễm bệnh khi vào chăm sóc cho một bệnh nhân của ông đang được điều trị tại tầng 2, cũng đúng là nơi bệnh nhân người Mỹ gốc Hoa mang bệnh Sars đang được cứu chữa tại đây.

“Vào ngày 12/4/2003, tôi được tin chú tôi đã vĩnh viễn ra đi, nâng số người chết về Sars tại Việt Nam là 5 người,” ông Hùng rưng rưng nhớ lại.

Đội ngũ bác sỹ: Đau đáu nỗi lo

Khi dịch SARS hoành hành thông tin về số người chết, người lây bệnh và thực trạng dịch bùng nổ ra toàn cầu khiến mọi người lo sợ. Vào những ngày cao điểm của đỉnh dịch, khu vực quanh Bệnh viện Việt-pháp và Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia vắng tanh, mọi con đường vào khu vực này dường như không ai dám đến gần và đi ngang qua vì đây là những khu vực “điểm nóng” của dịch bệnh Sars.

bác sĩ nguyễn hồng hà
Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà khám, kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN) 
Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia) cho hay, đây là bệnh dịch mà nó để lại nhiều kỷ niệm và những sự lo lắng tột độ trong hành trình làm nghề bác sỹ của ông. Bởi trong cuộc chiến chống lại dịch Sars đầy cam go và nguy hiểm ấy, các y bác sỹ là những đối tượng dễ bị lây nhiễm bệnh nhất.

Thực tế, trong số 63 trường hợp mắc bệnh SARS, có 37 trường hợp là các bác sỹ, y tá, nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Đặc biệt, dịch bệnh trên đã cướp đi sinh mạng của 5 bác sỹ và y tá của Việt Nam.

Bác sỹ Hà kể, khi đó "chiến trường" của bệnh viện là toàn bộ tầng 2, 3 của tòa nhà 6 tầng. Các bệnh nhân hầu như không nằm thở được, họ phải ngồi gục bên đống chăn gối để cố thở. Đa phần đều rất lo lắng, hốt hoảng nếu không có nhân viên y tế đứng cạnh.

“Tuy nhiên, vì người bệnh, chúng tôi vẫn phát huy tinh thần hết mình vì bệnh nhân, các y bác sỹ vẫn cống hiến hết mình vì sự chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, mặc cho sự xa lánh của người thân, của cộng đồng trong thời gian có dịch,” bác sỹ Hà tâm sự.

Với vai trò là Trưởng phòng hồi sức cấp cứu, suốt trong vòng 45 ngày dịch bệnh diễn ra ông luôn lo sợ và đau đáu một nỗi niềm làm sao cho mình và các nhân viên của viện không bị lây nhiễm, không bị ốm. Bởi hàng ngày, hàng giờ các bác sỹ luôn phải đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm và hít chung bầu không khí cùng với người bệnh.

“Quả thực, trong gần hai tháng tôi và các nhân viên của mình kết thúc một ngày cảm thấy mình không bị sốt hay sau khi dịch bệnh đã được khống chế nửa tháng không có ai bị sốt mới thở phào nhẹ nhõm,” bác sỹ Hà kể lại.

Và quả thực sau khi dịch bệnh kết thúc, tất cả các y bác sỹ của Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia đều phấn khởi vì không có một nhân viên y tế nào nhiễm bệnh này. Tuy nhiên, ông Hà cũng nhấn mạnh sự hy sinh của đội ngũ y bác sỹ trong cuộc chiến với dịch bệnh trên luôn nhắc nhở ngành y phải đề cao cảnh giác trước những bệnh mới phát sinh để có những biện pháp khống chế kịp thời./.




Thùy Giang (Vietnam+)

Bình luận
vtcnews.vn