Người say mê giải mã những bí ẩn trong lòng đất

Thời sựChủ Nhật, 06/02/2011 01:42:00 +07:00

(VTC News) - Ở cái ngưỡng tuổi 70, chưa lúc nào tiến sĩ Vũ Văn Bằng thôi khám phá và người ta đặt cho ông biệt danh "ông Bằng tia đất" xem ra rất hợp...

(VTC News) - Nụ cười hiền, gương mặt sáng và  ánh mắt lúc nào cũng lấp lánh sự năng động, nhiệt huyết, ông luôn thu hút mọi người bằng những câu chuyện ly kỳ nhưng được giải thích rất khoa học và logic. Ở cái ngưỡng tuổi 70, chưa lúc nào tiến sĩ Vũ Văn Bằng thôi khám phá...

Bởi với ông, những tìm tòi, phát hiện mới trong lòng đất chính là niềm vui của cuộc đời. Có lẽ đó là lý do tại sao tên ông lại được gắn với biệt danh rất lạ - “ông Bằng tia đất”.

Hóa giải những uẩn khúc...

Bạn bè và người thân của ông thường bảo, ngày trước, ai cũng nghĩ cái cậu Bằng ấy phải là nghệ sĩ mới đúng. Sinh ra và lớn lên ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, Nam Định - nơi bùn lầy, nước đọng, nơi lắm cá nghèo cơm, học giỏi môn Văn, ông cũng đã mơ ước sau này mình sẽ trở thành nhà văn, nhà thơ hay chí ít là một họa sĩ. Năm cuối học trung học, ông đã từng đoạt giải nhì thơ và họa của báo Lao động, còn tranh biếm họa thì thường xuyên xuất hiện trên mặt báo Văn nghệ.

Nhưng có lẽ ước mơ ấy khó thành hiện thực với một người đa tài và “tham lam” như ông tiến sĩ này. Học giỏi văn, họa nhưng ông cũng rất đam mê khoa học. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ngành địa chất công trình) ông được phân công về công tác tại Viện Thiết kế thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ, rồi Viện Khoa học Việt Nam, sau đó chuyển sang Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng cơ bản. Năm 1990, ông được cử sang Ba Lan học về cơ đất nền móng, và có lẽ bước ngoặt cuộc đời ông thay đổi từ đây.

"Ông Bằng tia đất"...

Ông Bằng kể, quãng thời gian 10 năm sống ở Ba Lan, chính là thời điểm ông nhen nhóm niềm say mê tìm hiểu về những bí ẩn chứa trong cái gọi là “tia đất”. Thời điểm đó, người bạn thân của ông thường hay kêu mệt mỏi, sức khoẻ không được tốt, ông liền tìm hiểu và sắp xếp lại đồ đạc trong nhà cho người bạn theo phong thủy xem có thay đổi gì không. Nhưng mọi thứ vẫn không thực sự được như ý. Cho đến một hôm, sức khoẻ của người bạn hồi phục khi nhờ một công ty của nước ngoài xử lý "tia năng lượng xấu" cho căn nhà, bạn ông đã nghĩ tới sự “tương đồng” giữa Vũ Văn Bằng và việc xử lý “tia năng lượng xấu”. Vậy là nhen nhóm lên trong ông  một cuộc chinh phục mới - cuộc chinh phục mang tên "tia đất".

Theo giải thích của ông, tia đất là một dạng vật chất bao gồm tất cả những tia phát ra từ vỏ cứng của trái đất và lan tỏa lên mặt đất dưới dạng bức xạ - dạng trường. Nói cách khác, đó là những tia được sản sinh bởi hiện tượng bức xạ của những vật chất khác nhau từ dưới đất. Đó chính là một trong những thành phần của môi trường sống.

Nghiên cứu môi trường đất trong đó có tia đất mang nhiều ý nghĩa: Thông qua nguyên lý tia đất - địa bức xạ với thiết bị tương ứng ta có thể tìm được các đối tượng cần tìm dưới lòng đất như: Khoáng sản, quặng mỏ, đá quý, nước ngầm, hang động, nứt đất, nứt đê... Và điều đặc biệt là, “bảo bối” của ông có thể phát hiện ra những tia đất xấu có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.

Tại sao lại có “làng ung thư”, tại sao lại có khu vực mà khi sống ở đó, người ta luôn thấy mệt mỏi, đau đầu, khó thở... Và trạng thái thường gặp nhất là giấc ngủ không sâu, không ngon, trằn trọc, đứt quãng, chập chờn, hồi hộp, ác mộng, thậm chí cả hiện tượng “bóng đè”... Tất cả những hiện tượng kể trên đều sinh ra ở vùng có tia đất xấu. “Kỹ thuật đo tia đất sẽ hoá giải được mọi uẩn khúc trong các ngôi nhà, sẽ tìm được đúng nguồn nước ở những vùng đất khô một cách thuận lợi. Đặc biệt, nó sẽ chứng minh cho những thầy bói rằng, không có oan hồn hay ác quỷ nào tồn tại, đó chỉ là sự tồn tại mang tính khoa học của từ trường” – ông Bằng giải thích.

Theo ông Bằng, những mồ mả, hài cốt nằm sâu trong lòng đất đã sản sinh ra những tia đất tiêu cực 

Lâu nay, khi xây nhà, người Việt chỉ dựa trên việc xem hướng, chọn ngày giờ động thổ, đổ mái... nhưng lại hoàn toàn bỏ qua khâu khảo sát địa chất, đặc biệt về tính chất cơ lý của đất, từ trường xung quanh khu đất xây dựng xấu hay tốt... Đây chính là căn nguyên của rất nhiều “uẩn khúc”.

Bằng những việc làm cụ thể, thực tiễn kiểm chứng, tiến sĩ Bằng đã đưa ra một con số gây sửng sốt trong dư luận: Trong số 2000 căn hộ ông cùng đồng nghiệp đo đạc, khảo sát, có tới hơn 90% nền đất bắt gặp tia đất tiêu cực và khoảng 60% có vong và hài cốt. Chính những mồ mả, hài cốt nằm sâu trong lòng đất đã sản sinh ra những tia đất tiêu cực gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người. Để hóa giải những tiêu cực từ tia đất xấu, ông đã chế tác ra than hoạt tính và chỉ cần đặt những giỏ than vào những nơi xuất hiện tia đất là có thể an toàn cho thân chủ.

...V à giải cơn khát ngàn đời

Vũ Văn Bằng, cái tên không xa lạ trong giới khoa học mà cũng thật gần gũi với nhiều bà con nông dân. Từ cao nguyên núi đá Hà Giang đến đất mũi Cà Mau, có lẽ chưa có một nơi nào trên dải đất hình chữ S mà ông chưa đặt chân đến. Không chỉ phát hiện những tia đất xấu, khám phá những “vật thể lạ” dưới lòng đất, mà lạ một điều và mừng cho nhiều người - cứ nơi nào ông xuất hiện là nơi đó người dân được đón nguồn nước sạch.

Nếu chỉ tìm nguồn nước bằng phương pháp “khoa học truyền thống” là thăm dò địa chất vật lý và khoan với độ sâu hàng vài chục mét, thậm chí hàng trăm mét mới biết có nước sạch hay không, vừa tốn kém, vừa mất thời gian,  thì ông tiến sĩ này chỉ cần một dụng cụ nhẹ và dài như cái râu ăngten tivi, uốn thành hình chữ L là có thể phát hiện chính xác tới 100% điểm có nước ngọt ở mọi điều kiện địa hình.

Tiến sĩ Bằng giải thích, thiết bị này được gọi là Máy đo tia bức xạ, nó được ứng dụng nguyên lý “tia đất” vào tìm kiếm nước ngầm, có một bộ phận gọi là “cảm biến”, khi gặp sóng điện từ trường của bất cứ vật gì dưới lòng đất phát ra sẽ tác động lên chong chóng, làm cho chong chóng quay. Tất nhiên, khi chiếc máy này hoạt động, phải giải mã được tín hiệu đó.

Tính đến nay, cùng với các cộng sự của mình, ông đã giải mã thành công và tìm được nguồn nước ngầm cho hơn 30 tỉnh thành phố và hải đảo, khoan thành công nhiều giếng nước, khảo sát đo và xử lý tia đất độc hại cho trên 2000 gia đình và rất nhiều cơ quan, đơn vị, trường học...

Năm 2002, ông Bằng được Viện Địa chất mời cộng tác tham gia đề tài nghiên cứu “Hồ treo cho các tỉnh thuộc vùng núi cao phía Bắc”. Trước đó, phương pháp thăm dò địa chất vật lý và khoan, nhiều đề tài tìm kiếm nước ngầm ở đây đã từng tiêu tốn tiền tỷ nhưng tưởng chừng như vô vọng.  Sau một thời gian dài cùng các cộng sự thăm dò địa hình, đưa thiết bị ứng dụng nguyên lý “tia đất” vào tìm kiếm nước ngầm - ông đã thành công ngoài sự mong đợi.

Hai công trình hồ treo thử nghiệm khoa học ở xã Tà Phìn, huyện Đồng Văn (3.000m3 nước) và Tả Lủng, huyện Mèo Vạc (30.000m3 nước) đã ra đời. Cũng nhờ công trình này, tỉnh Hà Giang đã được Chính phủ phê duyệt cấp kinh phí cho xây dựng hàng chục hồ treo khác, giải cơn khát ngàn đời của cao Nguyên đá.

 Ông tiến sỹ lọ mọ khắp miền để giải mã bí ẩn của lòng đất

Nhưng có lẽ nhớ nhất lần về Quảng Trị, ông kể, đó là dự án tìm nguồn nước cho một khu công nghiệp lớn. Người ta đã tốn hàng chục mũi khoan, ước tính hàng trăm triệu đồng nhưng cũng không dò ra được nguồn nước ngọt. Chính quyền địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Bởi nếu không có nước ngọt, coi như “khai tử” cả khu công nghiệp đó. Khi mọi thứ tưởng chừng như phải buông xuôi, thì người ta nhớ tới ông.

“Không phải lần đầu giải mã lòng đất, nhưng không hiểu sao lần ấy tôi thấy tim mình cũng như loạn nhịp, có lẽ là bởi sự hồi hộp và nóng ruột đan xen sự hoài nghi đong đầy trên những gương mặt của các thân chủ. Mỗi lần mũi khoan đưa xuống đất, cả chủ và khách đều căng thẳng chờ đợi. Rồi niềm vui như vỡ oà khi mũi khoan chạm mạch nước, dòng nước trắng xóa phun trào lên, mọi người ôm chầm nhau, mừng vui khôn xiết. Họ bảo tôi đã cứu được cả trăm người khỏi cơn khát nước ngọt – ông Bằng cười rất đỗi tự hào.

Cùng với những người bạn thành lập công ty “Tia đất”, ông Bằng cứ miệt mài với những công trình khai thác nước ngầm, tìm tia đất xấu... Ở tuổi của ông, người ta đã muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ những niềm vui cuộc sống. Song ông tiến sĩ lại coi niềm vui sống chính là sự khám phá thế giới xung quanh, là hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho mọi người. Có lẽ, những niềm vui giản dị và  sự đam mê khoa học khiến ông cứ trẻ mãi, 70 tuổi nhưng mái tóc mới chỉ lấm tấm vài sợi bạc.

Đồng hồ đã điểm qua giờ Ngọ, ông tiến sĩ kết thúc cuộc trò chuyện bằng một “bật mí” khiến chúng tôi không khỏi sốc: “Năm Đinh Mão, tôi sẽ khởi động chương trình khám và chữa bệnh, hồi phục sức khoẻ bằng những ứng dụng từ “dụng cụ đo tia đất” của mình".

Vâng, trong thời khắc của năm mới Tân Mão, chúng ta cùng chúc cho những dự định của “ông tia đất”  sẽ thành công rực rỡ!

Uyên - Thảo
Bình luận
vtcnews.vn