Sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ hồi tháng 6, người dân trên khắp Saudi Arabia đã đổ đến các cửa hàng để mua sắm, từ thực phẩm, quần áo, đồ điện tử đến xe hơi. Họ hy vọng tiết kiệm được phần nào trước thời điểm vương quốc này tăng gấp ba thuế VAT vào tháng 7.
Các siêu thị ở thủ đô Riyadh đông đặc người mua dịp cuối tuần. Cửa hàng nội thất và đồ gia dụng cũng treo biển giảm giá để thu hút khách hàng. Jaber al-Sahari – nhân viên một cửa hàng vàng cũng cho biết nhu cầu tăng đột biến 2 tuần qua.
"Mọi người xông vào các trung tâm thương mại, cứ như là ngày Black Friday vậy", Ali Almarri – một doanh nhân tại thành phố Khobar cho biết. Almari muốn mua xe hơi mới trước khi tăng thuế, nhưng nơi nào anh tới cũng hết hàng.
"Một nhân viên bán hàng nói với tôi rằng số xe họ bán tháng 6 còn nhiều hơn cả 5 tháng trước. Ai cũng muốn tiết kiệm tiền và không phải trả thêm thuế", ông nói.
Hồi tháng 5, Riyadh đã thông báo sẽ tăng thuế từ 5% lên 15% vào đầu tháng 7, nhằm củng cố ngân sách quốc gia khi giá dầu lao dốc và các lệnh phong tỏa khiến nền kinh tế chịu thiệt hại nặng. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi tiêu dùng. Lượng chi tiêu nhảy vọt tháng trước có thể đột ngột dừng lại trong suốt mùa hè và mùa thu này.
Tăng thuế không phải chính sách mới duy nhất mà vương quốc này áp dụng sau đại dịch và nhu cầu giảm. Họ cũng đã ngừng trợ cấp chi phí sinh hoạt cho công chức, giảm chi và hoãn một số dự án trong chính sách Tầm nhìn 2030. Các biện pháp thắt chặt tài khóa này được áp dụng khi quốc gia này cùng lúc chịu hai đòn giáng – phong tỏa và giá dầu thấp nhất 2 thập kỷ.
"Tình hình này sẽ có tác động rất lớn đến kinh tế Saudi Arabia. Ngoài giá dầu thấp và đại dịch, lao động nước ngoài tại đây cũng đang quay về nước vì mất việc làm", Tarek Fadlallah – CEO Nomura Asset Management khu vực Trung Đông nhận định, "Việc tăng thuế tới 10% là chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Nó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và các ngành liên quan đến tiêu dùng".
Almari thì cho rằng sau tháng 6, mọi người "chắc chắn sẽ càng tiêu ít đi". "Họ cảm thấy chùn chân khi nghĩ đến việc phải trả thêm 10% thuế VAT nữa", anh nói.
Fadlallah cũng đồng tình với quan điểm này. "Tôi không biết người dân có chấp nhận việc này dễ dàng không, nhưng tôi cho rằng tháng 7, 8, 9, 10 sẽ là những tháng đặc biệt khó khăn với ngành tiêu dùng". Việc nâng thuế trong bối cảnh người dân mất việc và bị giảm lương chắc chắn sẽ càng gây sức ép lên tiêu dùng và doanh nghiệp năm nay.
Dù vậy, Ehsan Khoman – Giám đốc nghiên cứu tại MUFG cho rằng đây là biện pháp cần thiết trong bối cảnh ngân sách sụt giảm nghiêm trọng. GDP Saudi Arabia đã giảm 1% quý đầu năm và được dự báo còn tệ hơn nhiều trong quý II, do các lệnh phong tỏa. Christopher Payne – kinh tế trưởng tại Peninsula Real Estate ước tính thâm hụt ngân sách nước này năm nay vào khoảng 15% GDP.
Số liệu của Capital Economics cho thấy hoạt động kinh tế trong tháng 6 tại đây thấp hơn khoảng 30% so với tiền đại dịch. Dù vậy, "chúng tôi cho rằng đà phục hồi tại đây sẽ tiếp tục chậm chạp do các biện pháp thắt chặt tài khóa", các nhà phân tích tại Capital Economics kết luận.
Bình luận