(VTC News) - Các quan chức Iran đã kết án tử hình 1 phụ nữ bằng cách ném đá, nhưng theo các phương tiện truyền thông thì cách thi hành án đang còn tranh luận.
Vụ án của Sakineh Mohammadi Ashtiani đã thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế khi cô bị kết án ném đá đến chết do ngoại tình. Theo ông Hojatoleslam Sharifi, người đứng đầu cơ quan tư pháp tỉnh Azarbaijan, Ashtiani đã phạm 2 tội nghiêm trọng là ngoại tình và giúp đỡ tình nhân sát hại chồng. Theo luật pháp Iran, tội đồng phạm giết người sẽ phải ngồi tù 10 năm và tội ngoại tình sẽ phải chịu hình phạt ném đá đến chết.
Mặc dù vậy, ông Sharifi cho biết họ cảm thấy không cần thiết phải thực thi mức án ném đá và đã xin ý kiến tư vấn của người đứng đầu cơ quan tư pháp Iran lúc đó, ông Ayatollah Hashemi Shahroudi. Tuy nhiên vào thời điểm 2006 khi Ashtiani bị kết án, ông Shahroudi đang quá bận rộn và việc này đã được chuyển cho người kế nhiệm ông xử lý.
Sakineh Mohammadi Ashtiani, người đã phạm tội ngoại tình và đồng phạm sát hại chồng có thể "chỉ" bị treo cổ thay vì ném đá đến chết. |
Người đứng đầu cơ quan tư pháp Iran hiện nay là Ayatollah Amoli Larijani đã nêu ý kiến dùng hình phạt treo cổ thay cho ném đá đối với Ashtiani. Tuy nhiên ông cũng cho biết phải tham khảo ý kiến của các học giả Hồi giáo để có thể đưa ra quyết định cuối cùng.
Hiện các quan chức Iran vẫn đang chờ đợi quyết định cuối cùng của ông Larijani. Nếu như có thể, người phụ nữ ngoại tình này sẽ "chỉ" bị treo cổ chứ không bị ném đá đến chết như hình phạt ban đầu.
Ashtiani, mẹ của 2 đứa trẻ sẽ ngay lập tức bị thi hành án sau khi có quyết định cuối cùng các quan chức Iran. Cô đã bị kết án ngoại tình năm 2006 và sau đó là tội danh đồng phạm sát hại chồng mình, mặc dù gia đình cô khẳng định cô không có liên quan gì đến cái chết của người chồng.
Các tổ chức nhân quyền cũng như chính phủ một số nước đã kêu gọi Iran không thực hiện hình phạt ném đá đối với Ashtiani. Năm ngoái, đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu Catherine Ashton và Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague đã ra lời kêu gọi đồng thời lên án ném đá đến chết là "một hình phạt man rợ". Trong năm 2010, Ashtiani đã được đến Brazil để tị nạn.
Tùng Đinh
Bình luận