Phụng dưỡng người dưng
Chiều tắt nắng. Bà Lê Thị Mộng Thu, 52 tuổi, vội vã chạy chiếc xe đạp cà tàng về nhà ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam.
Lật đật ôm mớ rau, con cá tươi rói vừa mua từ ngôi chợ trung tâm xã, bà đi thẳng vào gian bếp. Chừng nửa tiếng sau, đôi món canh rau đạm bạc được bày biện sẵn sàng lên bàn ăn.
Trong khi chồng và các con quây quần bên mâm cơm tối, bà Thu bới riêng một tô cơm đặc biệt với nhiều thức ăn hơn, nâng niu trên hai tay, nhẹ nhàng đến chiếc giường đặt ở góc nhà, nơi cụ bà mù lòa an tọa.
Sau khi nhẹ nhàng lấy khăn mùi xoa lau sạch vết trầu vương trên làn môi móm mém của cụ Mịch, bà Thu ân cần bón từng muỗng cơm. Lo cơm nước cho cụ xong xuôi, bà mới bắt đầu bữa tối của mình.
Khung cảnh thân thương ấy vẫn diễn ra đều đặn mỗi ngày trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ. Dù đã 5 năm trôi qua, dân làng Tân Quý vẫn chưa hết lạ lùng khi chứng kiến cảnh người phụ nữ có tuổi chưa nhẹ gánh gia đình vẫn tận tâm nuôi nấng, nâng giấc cụ bà mù lòa Nguyễn Thị Mịch, dù hai người chẳng hề "dính" chút ruột rà thân thích nào.
Kể về hoàn cảnh éo le của cụ Mịch, bà Thu rớm nước mắt: "Hồi mới lọt lòng mẹ, một vết thương ở mắt khiến cụ Mịch bị mù vĩnh viễn. Tai ương tiếp tục giáng xuống khi cha mẹ cụ không lâu sau cũng lìa xa cõi đời".
Mấy chục năm qua, một người anh của cụ chấp nhận không lấy vợ để chăm lo cho cô em gái bất hạnh. Thế nhưng vào năm 2014, người thân duy nhất đó của cụ qua đời vì tuổi cao sức yếu.
“Quặn lòng trước hoàn cảnh của cụ, thời gian đầu, tôi thường mang cơm nước sang. Đến cuối năm 2014, căn nhà nhỏ của cụ bị mối ăn trơ cả đòn tay nên tôi muốn đưa cụ về nhà mình để tiện bề phụng dưỡng, để cụ không phải thấp thỏm trong căn nhà sắp sập”, bà Thu chia sẻ.
Trải lòng về hành động khiến nhiều người bảo là “khùng” này, bà Thu khẽ cười và giải thích ngắn gọn: “Vì thương”.
Trước khi đón cụ Mịch về sống chung dưới một mái nhà, bà Thu thủ thỉ với chồng về ý định mà thiên hạ vẫn bảo "chẳng khác nào rước nợ vào thân” ấy. Ông lập tức gật đầu cái rụp và ngay trong đêm, người phụ nữ có tấm lòng cao cả này cuốc bộ một mạch cả cây số sang rước cụ Mịch về nhà mình.
Từ đó, cụ Mịch không còn sống trong cảnh quạnh quẽ. Nụ cười bắt đầu nở trên đôi môi khô héo của con người mang lắm nỗi ngặt nghèo này.
“Thêm đôi đũa với cái chén, tôi có mẹ trên đời”
Từ ngày có cụ Mịch, căn nhà nhỏ đơn sơ của bà Thu thêm phần ấm cúng. Theo tháng năm, mối quan hệ giữa những “người dưng” trở nên khăng khít như máu mủ ruột rà.
Đang bới gọn lại mái tóc bạc phơ rối rắm của cụ Mịch, khóe mắt bà Thu bỗng rưng rưng. Giọng nghèn nghẹn, bà bộc bạch: “Có lẽ, tôi và cụ có duyên nợ từ kiếp trước. Đến kiếp này, cả hai từ người dưng lại hóa thành người thân. 5 năm nay, mỗi bữa ăn, gia đình tôi có thêm đôi đũa với cái chén nhưng đổi lại, tôi có mẹ trên đời”.
Bà Thu chia sẻ, tình thương bà dành cho cụ Mịch khởi nguồn từ sự đồng cảm. Cũng giống như cụ, bà Thu mồ côi mẹ từ hồi còn rất nhỏ. Cha đi bước nữa, bà khăn gói về ở với mẹ kế.
“May mắn, tôi được mẹ kế yêu thương và nuôi nấng đàng hoàng. Lòng vị tha trong con người tôi có lẽ được nuôi dưỡng từ mẹ kế.
Sau này, khi bắt gặp hoàn cảnh của cụ Mịch, lương tâm tôi mách bảo mình cần phải làm một điều gì đó để san sẻ khó khăn với mảnh đời này. Và tôi đã toại nguyện bởi nhiều năm qua, tôi có một người mẹ trên đời để mà chăm sóc, phụng dưỡng”, bà Thu thổ lộ.
Khi bà Thu vừa dứt lời, cụ Mịch nắm chặt lấy đôi tay chai sần của con gái nuôi. Cụ nói bằng giọng run rẩy, phần do tuổi cao sức yếu, phần vì xúc động: “Số phận cay nghiệt khiến cả đời tôi không thể nhìn thấy. Mấy năm qua, nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ, đến cuối đời mình lại may mắn có được một cô con gái ngoan hiền và hiếu thảo. Bây chừ, có nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng mãn nguyện lắm rồi”.
Bình luận