Video: Người phụ nữ bê gần 3 tấn đá lạnh mỗi ngày giữa thời tiết 8 độ C
Bê xong 5 thanh đá nặng gần 250kg, bà Nhuân ngồi trên chiếc ghế nhựa thở hổn hển. Đưa bàn tay đỏ như gấc, tê cứng vì giá lạnh, bà xoa bóp đều khuỷu tay trái. “Mấy hôm nay thời tiết rét đậm rét hại, phải bưng bê đá lạnh nhiều nên bệnh viêm khớp của tôi lại tái phát, đau nhức ê ẩm lắm”, bà Nhuân nói.
Đi làm 100km bằng xe máy
5h sáng tại Hưng Yên, lúc này nhiệt độ ngoài trời đang là 9 độ C. Bà Chu Thị Nhuân (47 tuổi) nhẹ nhàng bước ra khỏi giường để tránh làm chồng con thức giấc. Bà mặc 3 chiếc áo khoác dày, 3 chiếc quần tất, 2 chiếc áo mưa… để giữ ấm.
Chiếc xe máy Honda cũ trời lạnh đề mãi không nổ, bà phải dùng chân đạp mạnh đến lần thứ 13 mới được. Bà Nhuân cười thở phào, đeo vội đôi găng tay đã sờn chỉ, bà vặn ga lên đường đi làm. Ánh đèn của chiếc xe máy phá tan làn sương sớm mờ ảo và bầu không khí tĩnh mịch.
Tính đến nay, bà Nhuận đã có 10 năm gắn bó với công việc khuân đá lạnh tại chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Mỗi ngày, người phụ nữ quê Hưng Yên phải di chuyển quãng đường gần 100km đi làm. "Mấy năm trước tôi thường ngủ lại nhà em gái ở gần chợ cá Yên Sở để tiện đi làm. Nhưng khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, tôi đi đi về về từ Kim Động (Hưng Yên) đến Hoàng Mai (Hà Nội)", bà Nhuân nói.
Trước đây, bà Nhuân làm nghề bán hàng tạp hoá ở Quảng Ninh. Năm 37 tuổi, bà được em gái rủ lên Hà Nội làm nghề bán đá lạnh. Ban đầu, bà đắn đo mãi vì nhìn tảng đá vừa dài vừa to, nặng gần 50kg đến đàn ông con trai còn phải lắc đầu, huống chi phụ nữ chân yếu tay mềm. Thế rồi, nghe lời động viên của em gái, bà quyết định rời quê lên Thủ đô làm việc.
Thời gian đầu, bà đã nghĩ đến việc bỏ nghề vì thấy quá cơ cực. Tay chạm viên đá chỉ giữ được nó đứng im thôi cũng là cả một vấn đề, chưa nói đến việc bê vác. Nhiều đêm bê đá về người đau nhừ, bà chẳng thể ngủ ngon giấc. Nhưng lúc đó ngoài việc bê đá, bà cũng không biết làm việc gì khác nên đành cố gắng, dần dần cũng thành quen.
Bà Nhuân chia sẻ: “Nghề này ngại nhất vào mùa đông. Sáng nay, tôi cũng muốn ngủ cố thêm chút nữa nhưng sợ muộn giờ đành phải dậy đi làm. Mặc dù tôi đã khoác rất nhiều áo ấm, thêm cả áo mưa nhưng đi đường vẫn rét run cầm cập”.
Mỗi ngày bê gần 3 tấn đá lạnh
Đang uống viên thuốc xương khớp, bà Nhuân giật mình vì tiếng còi xe ô tô đỗ trước cửa hàng. Đặt vội cốc nước xuống bàn, bà chạy ra tươi cười nói "đây rồi, có luôn đây". Hỏi ra mới biết, đây là xe khách quen chuyên lấy đá ở cửa hàng.
Bà vội vã vén tấm bạt đen, dùng con dao sắc nhọn được thiết kế chuyên biệt chặt thanh đá thành 3 phần nhỏ để dễ bê lên xe đẩy. Vì đã quen việc nên chưa đầy 10 phút, 5 thanh đá đã được bà xếp ngay ngắn lên xe đẩy vận chuyển cho khách.
Trung bình một ngày cửa hàng của bà sẽ bán được 40 - 50 viên đá, tháng hè cao điểm bà có thể bán đến hàng trăm viên. Giá một thanh đá ở thời điểm hiện tại là 30.000 đồng/thanh. Lúc đầu chỉ có một vài nhà bán đá, nhưng sau này trong chợ cũng có nhiều người nhập đá về bán nên phải cạnh tranh cao.
Theo bà Nhuân, nghề này cực nhất là vào mùa đông. Bình thường ngồi không chân tay đã lạnh buốt, chưa nói gì đến việc phải ôm cả thanh đá 10 -15 phút. Những ngày đông, hai tay bà phát cước, chỗ đỏ chỗ tím, thậm chí cấu còn không có cảm giác. Nhiều khi cóng quá bà phải chạy vội ra đống củi hơ đều cho nóng.
Theo bà Nhuân, các thanh đá lạnh dài, trơn trượt nên việc xảy ra thương tích trong lúc lao động là không thể tránh khỏi. Bà không nhớ nổi số lần bị đá rơi vào chân, đập tím đầu gối, ống chân... Đưa tay chỉ về phía bàn chân phải, chỗ ngón cái đang tụ máu tím đen, bà nói: “Đấy, mấy tháng trước vừa bị đá rơi vào trúng ngón chân cái, đau tái xanh mặt nhưng cũng phải nghiến răng chịu đựng. Tôi phải dùng rẻ buộc ngón chân đang rỉ máu lại rồi tiếp tục làm việc với đôi chân tập tễnh”.
Từ hồi làm công việc này, bà thường xuyên phải đi viện để kiểm tra xương khớp. Năm 2021, các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán bà bị thoát vị đĩa đệm và viêm đa khớp. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này phần nhiều do ảnh hưởng của việc khuân vác nặng. Bác sĩ khuyên bệnh nhân hạn chế làm nặng, nghỉ ngơi kết hợp ăn uống hợp lý.
Về nhà nghỉ được chục hôm, khi bệnh đỡ hơn một chút bà lại tiếp tục đi làm khiến bệnh mãi không khỏi. Mỗi khi trái gió trở trời, căn bệnh này lại hành hạ bà đau nhức không ngủ nổi. Nhận thức công việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, nhưng vì miếng cơm manh áo bà vẫn phải tiếp tục theo nghề.
Người phụ nữ 47 tuổi dự định nghỉ nghề khi cảm thấy sức khỏe không thể làm được nữa, lúc ấy các con bà cũng trưởng thành.
“Nhà tôi có hai con, con gái lớn sinh năm 1998, cậu con út sinh năm 2001 đang học đại học năm 3. Tôi vất vả cũng được miễn sao nuôi các con học thành tài, cực đến mấy cũng chịu được”, bà Nhuân nhắc về hai con bằng giọng đầy tự hào.
Bình luận