Bác sĩ Phan Văn Sử, Bệnh viện Bình Dân, TP. HCM cho biết, vừa điều trị thành công cho một nữ bệnh nhân bị đại tràng dài bất thường khiến phải luôn mang thuốc xổ gần 20 năm bên người.
Theo bệnh án, chị Nguyễn Thị L. (41 tuổi, quê quán tỉnh Long An) bị táo bón cách đây đã gần 20 năm và tình trạng ngày càng nặng dần. Đặc biệt, sau khi sinh con, lúc nào chị L. cũng phải mang thuốc xổ theo người.
Gần đây, cứ khoảng 10 ngày hoặc 2 tuần, khi bụng chướng to, căng tức thì chị L. uống một lúc 6,7 viên thuốc xổ để ép mình đi vệ sinh cho chất thải ra ngoài. Dù bệnh đã lâu chạy chữa tốn kém vẫn không khỏi nên chị L. mệt mỏi, căng thẳng.
Do tình trạng táo bón lâu ngày, manh tràng bệnh nhân có dấu hiệu giãn. Đại tràng dài thường gây ra chậm nhu động đại tràng dẫn tới táo bón.
Các bác sĩ quyết định phải phẫu thuật cắt ngắn đại tràng sigma để điều chỉnh nhu động ở đoạn đại tràng này, giúp giải quyết tình trạng táo bón cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt, bắt đầu được cho ăn cháo và lần đầu tiên trong nhiều năm qua có cảm giác đau quặn nhẹ bụng và đi vệ sinh bình thường.
Bác sĩ Sử cho biết, táo bón ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân và là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý đường tiêu hóa như trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa niêm trực tràng, lồng trực tràng ống hậu môn hay sa các tạng chậu khác...
Táo bón mạn do chậm nhu động đại tràng chiếm 15% đến 37% trường hợp và thường gặp ở nữ giới. Bệnh lý này có thể được điều trị bằng ngoại khoa, cắt bỏ bán phần hay toàn phần đại tràng qua nội soi với vết mổ rất nhỏ, hậu phẫu nhẹ, thời gian nằm viện ngắn.
Nếu không can thiệp sớm, sẽ dẫn đến hậu quả đại tràng giãn lớn một đoạn hoặc toàn bộ đại tràng. Đại tràng mất khả năng vận chuyển phân gây tình trạng ứ đọng kéo dài, tạo thành sỏi phân trong lòng đại tràng và gây tắc ruột do sỏi phân.
Bình luận