• Zalo

Người phụ nữ bị hiếp dâm xin đi tù: 'Từ nạn nhân lại trở thành tội nhân'

Thời sựChủ Nhật, 10/09/2017 07:18:00 +07:00Google News

Không chỉ đau xót khi đọc đơn xin đi tù của nạn nhân bị hiếp dâm ở Long An, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng những lời tố cáo của người phụ nữ đã bị phủ nhận, bị cho là đồng thuận, từ nạn nhân lại trở thành tội nhân.

Bị xã hội đàm tiếu khi lên tiếng tố cáo kẻ đã 2 lần hiếp dâm mình, chị T.P.T.L (trú tại Long An) đã uất ức và mất niềm tin vào cuộc sống. Để phản đối kết luận không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra, người phụ nữ này đã viết đơn xin đi tù gửi đến Công an huyện Tân Thạnh (Long An).

Liên quan đến vụ việc trên, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.

20140903-hao-anh-danh-duoi-cha-me-ra-duong-khong-ngac-nhien-1 6

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.

- Quan điểm của bà thế nào về vụ việc người phụ nữ bị hiếp dâm viết đơn xin đi tù ở Long Anđang gây xôn xao dư luận?

Tôi mới tiếp cận vụ việc qua báo chí phản ánh, có thể còn nhiều tình tiết khác nữa nên tôi không vội kết luận đây có phải là một vụ hiếp dâm hay không.

Tuy nhiên, nếu thông tin báo chí tường thuật là đúng rằng người đàn ông đã dùng dao để uy hiếp và còn doạ giết cả mấy mẹ con thì đây có thể coi là vụ hiếp dâm.

Theo Điều 111 Bộ luật Hình sự thì hiếp dâm là "dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ". 

Người phụ nữ chỉ có một mình phải trông hai đứa con nhỏ trong đêm khuya, bị ép phải quan hệ tình dục trái với mong muốn. Theo Điều 113 Bộ luật Hình sự: "Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Video: 'Kẻ hiếp dâm thì nhởn nhơ, còn tôi thì bị đàm tiếu' (Quang Hải)

Căn cứ vào một vài chi tiết trong vụ việc mà nói rằng chị ấy thuận tình thì có thể chưa thỏa đáng, cần phải tìm hiểu kĩ hơn. Để điều tra những vụ việc như thế này không chỉ đơn thuần về mặt kĩ thuật, bằng chứng mà còn cần chuyên gia tâm lý phân tích các hành động theo logic của diễn biến tâm lý trong hoàn cảnh cụ thể thì sẽ đầy đủ và khách quan hơn.

- Theo bà, trong những trường hợp người phụ nữ bị xâm hại họ cần làm gì?

H5 (1) 5

 

Tôi e rằng những người xem xét vụ việc này có thể bị ảnh hưởng bởi những định kiến với phụ nữ, do vậy có cái nhìn sai lệch về bản chất của vụ việc.

TS. Khuất Thu Hồng

Nếu quan hệ tình dục mà không phải là do người phụ nữ đồng thuận, nó để lại hậu quả về mặt tinh thần, thể chất, kinh tế, tình cảm, tâm lý... thì người phụ nữ cần tố cáo và phải được những người xung quanh động viên, ủng hộ để cô ấy dám lên tiếng.

Nếu có thể, nạn nhân nên lưu giữ và bảo vệ các bằng chứng để hỗ trợ cơ quan điều tra. Tiếc rằng ít người biết điều này hoặc quá hoảng loạn nên không nhớ phải làm gì.

Tôi cho rằng, ngay cả khi người phụ nữ chấp nhận nhưng là vì trong tình thế bị ép buộc thì có thể kết luận là bị cưỡng dâm hoặc bị ép quan hệ tình dục ngoài ý muốn. Bởi vậy, nạn nhân trong vụ việc ở Long An hoàn toàn có quyền lên tiếng tố cáo và những cơ quan thực thi pháp luật có trách nhiệm tìm hiểu cho rõ ngọn ngành và trả lại công bằng cho nạn nhân.

Tôi e rằng những người xem xét vụ việc này có thể bị ảnh hưởng bởi những định kiến với phụ nữ, do vậy có cái nhìn sai lệch về bản chất của vụ việc.

Chị ấy cảm thấy xấu hổ, uất ức vì bị ép buộc quan hệ tình dục trái với mong muốn của mình cho nên mới lên tiếng tố cáo. Việc lên tiếng của chị lẽ ra mọi người phải ủng hộ. Từ cộng đồng cho đến các cơ quan thực thi pháp luật phải nhìn nhận vấn đề này một cách thực sự khách quan và không định kiến.

11223343-0105092

Lá đơn xin đi tù của chị L. 

- Nhiều người cho rằng, việc chị L. tố cáo kẻ hiếp dâm chị và viết đơn xin đi tù là đang "vạch áo cho người xem lưng"?

Trong nền văn hóa Việt Nam thì những chuyện liên quan đến tình dục là điều rất khó nói. Phần lớn những người bị hiếp dâm, bị cưỡng ép quan hệ tình dục vì sợ mang tiếng đành phải im lặng, chấp nhận thiệt thòi.

Nhiều người còn cho rằng im lặng là khôn ngoan. Huống hồ một người phụ nữ đã có chồng con nếu thuận tình quan hệ tình dục với người khác thì sẽ càng phải cố gắng che giấu vì để lộ ra thì búa rìu dư luận sẽ đổ xuống đầu họ.

Tôi cho rằng trường hợp này chị ấy đã bị ép buộc nên mới uất ức và lên tiếng tố cáo. Song những lời tố cáo của chị đã bị phủ nhận và chị còn bị cho là đồng thuận do vậy vụ việc không bị khởi tố. Chị ấy bị mang tiếng với bà con làng xóm và từ nạn nhân lại trở thành tội nhân.

Còn việc chị L. viết đơn xin đi tù, tôi cho rằng đây là hành động phản kháng mang tính tiêu cực. Đó là phản ứng trong tình trạng bế tắc và cô độc. Có thể vì chị không được ai tư vấn, hỗ trợ để biết cách phải làm thế nào nên mới viết đơn xin đi tù.

chil-1504934754498-0-0-409-660-crop-1504934758497

Chị L. tâm sự với PV. 

Hành động viết đơn xin đi tù phản ánh việc chị ấy đang muốn trốn tránh những lời đàm tiếu, phán xét của dư luận mà chị cho rằng bất công với mình. Chị muốn xa lánh tất cả mọi người vì không tìm thấy sự cảm thông và giúp đỡ.

Tôi rất đau xót khi đọc lá đơn của chị. Tôi cứ bị day dứt với câu hỏi: Cộng đồng hay xã hội ứng xử thế nào để đến nỗi một công dân đang tự do lại muốn được vào tù? Chị thà đánh đổi tự do của mình để được xa lánh cái cộng đồng mà theo chị đã bất công với chị. Liệu có phải cách hành xử của chúng ta đã đẩy người phụ nữ vào chỗ bế tắc?

- Phương án tốt nhất cho người phụ nữ ở Long An lúc này là gì, thưa bà?

Nếu có lời khuyên tôi nghĩ biện pháp tốt nhất bây giờ là chị hãy bình tĩnh, luôn luôn nghĩ đến sức khỏe của bản thân và những đứa con của mình. Nếu chị khẳng định sự việc xảy ra ngoài mong muốn của chị thì hãy kiên trì theo đuổi và đi tìm công lý.

Ngoài ra, chị hãy tìm đến luật sư để họ hướng dẫn đường đi nước bước. Tìm đến hội phụ nữ, chính quyền địa phương, người thân để được hỗ trợ về mặt tâm lý, tình cảm.

Đối với dư luận, chúng ta không thể bỏ mặc chị trong hoàn cảnh như vậy. Chúng ta thử đặt mình vào hoàn cảnh này để hiểu được tâm trạng chị như thế nào khi bị mọi người xung quanh đều lên tiếng tẩy chay, phê phán. Chị cần được thông cảm và giúp đỡ.

Xin cảm ơn bà!

Theo chị L., khoảng 00h ngày 21/6, chị đang ngủ thì phát hiện có một người lạ mặt xông vào nhà. Khi chị hét lên “ai vậy” thì người này lao tới, một tay bịt miệng, một tay dùng dao khống chế và nói: "im lặng, đừng có la, la lên anh xử 3 mẹ con à!”. 

Mặc cho chị L. liên tục van xin, con gái nhỏ gào khóc, đối tượng vẫn không buông tha mà hãm hiếp chị nhiều lần. 

Sau khi sự việc xảy ra, chị L. đã trình báo cho cơ quan công an huyện Tân Thạnh (Long An) để được xử lý. 

Đến ngày 22/8, Công an huyện Tân Thạnh đã có kết luận không khởi tố vụ án vì không có sự việc phạm tội. 

Quá bức xúc vì cho rằng mình bị oan sai, chị L. đã viết đơn xin đi tù. 

Trong đơn chị L. trình bày: "Tôi làm đơn này gửi đến Công an huyện mong mỏi được xét và duyệt cho tôi được trút bỏ quyền công dân của chính tôi, để tôi được ở tù càng sớm càng tốt, càng lâu càng tốt. 

Tôi không còn muốn làm một công dân bình thường do các ông quản lý nữa. Tôi muốn trút bỏ. Tôi đồng ý làm một người mẹ vô tâm, vô trách nhiệm với hai cô con gái bé nhỏ của mình. Giống như lời ông trưởng công an huyện đã nói trước mọi người rằng tôi hãy mặc kệ hai đứa trẻ và chạy ra ngoài thoát thân, tự cứu lấy bản thân tôi.

Giờ tôi bỏ lại hai đứa trẻ làm gánh nặng cho xã hội. Tôi xin được giải thoát cho mình bằng cách đi tù. Rất mong được trút bỏ quyền công dân và bị đi tù càng sớm càng tốt!".

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn