• Zalo

Người phụ nữ 30 năm làm nghề bốc vác nuôi chồng bệnh tim

Bệnh và thuốcThứ Tư, 26/04/2023 11:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Lấy nhau hơn ba mươi năm, bà Bùi Thị Khuê trở thành trụ cột chính trong gia đình, hàng ngày đi bốc vác thuê nuôi chồng bệnh tật và hai con trai ăn học.

11h, anh Đức Thịnh - nhân viên phòng công tác xã hội Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội) đi dọc hành lang khoa Nội tim mạch lồng ngực gọi tên từng bệnh nhân nhận cơm từ thiện.

"Mời bệnh nhân Phạm Hồng Công, 53 tuổi - Diễn Kỷ - Diễn Châu - Nghệ An nhận cơm", nghe thấy vậy, từ trong phòng bệnh chị Bùi Thị Khuê (54 tuổi) vợ anh Công chạy ra nhận hai suất cơm miễn phí, miệng liên tục cảm ơn các bác sĩ.

Mấy ngày trước vợ chồng chị mang theo nồi cá kho mặn nhập viện, tính làm thức ăn trong những ngày ở lại, nhưng các bác sĩ nói người bệnh tim không được phép ăn quá mặn. Vay mượn khắp nơi mới được chút tiền đưa chồng ra Hà Nội thăm khám, chị Khuê chẳng dám tiêu gì vì sợ không có tiền phẫu thuật mổ tim cho chồng. Biết hoàn cảnh gia đình anh chị, các bác sĩ trong khoa hỗ trợ cơm cho vợ chồng chị mỗi ngày.

Anh Công nhập viện được hai tuần, chờ mổ thay van tim. Nhìn chồng ngày nào cũng đặt máy đo nhịp tim, chị Khuê chỉ mong ca mổ sớm diễn ra.

Ngồi bên hành lang bệnh viện, người phụ nữ 54 tuổi tâm sự chồng chị bị tim bẩm sinh, do gia cảnh nghèo khó nên tận năm 20 tuổi mới làm ca phẫu thuật nong và thay van tim. Từ ngày đấy sức khoẻ của anh yếu, không thể làm được việc nặng.

Chị Khuê gặp và lấy anh Công khi hai người đi làm công nhân cho một xương sản xuất thực phẩm trong huyện. Mấy năm sau anh chị có hai người con trai. Sức khoẻ của chồng ngày một yếu, chị trở thành người lo kinh tế chính cho gia đình.

Để có tiền nuôi con ăn học và thuốc thang cho chồng, người phụ nữ tính gửi con cho cha mẹ rồi ra tỉnh khác làm thuê, nhưng ngặt nỗi chồng ốm đau liên miên, thường xuyên ngất, cần người chăm sóc. Chị Khuê đành tìm việc khác gần nhà. Chị tìm đến các khu công trình xin làm cùng. Mới đầu người ta không cho chị làm vì nghĩ cảnh phụ nữ không đủ sức, chị xin mãi họ mới đồng ý.

Chị Khuê trở thành thợ bốc vác, hàng ngày chị dậy từ 4-5h chuẩn bị rau cho gà, lợn, rồi ra công trình bốc vác. Hôm thì bốc ngói, hôm lại vác đá thuê. Vất vả là thế nhưng thu nhập chỉ được 70.000 - 80.000/ngày.

Nhìn bệnh tật dày vò chồng, chị Khuê luôn cố gắng làm việc để có tiền chạy chữa.

Nhìn bệnh tật dày vò chồng, chị Khuê luôn cố gắng làm việc để có tiền chạy chữa.

Tuổi càng cao tim của anh Công ngày một yếu đi, nhiều hôm đi bốc vác về chị Khuê thấy chồng mình nằm ngất ở sân nhà. Thương chồng bệnh tật, con nhỏ phải học hành, chị làm việc bất kể ngày đêm, chỗ nào có người nhờ làm chị đều nhận, mong thêm thu nhập trang trải gia đình. Nhưng công việc không đều, mỗi tháng chị kiếm được 3 đến 4 triệu, chỉ đủ tiền thuốc mỗi tháng cho chồng.

Đề có tiền trang trải chị vay mượn khắp nơi. Có thời điểm gia đình quá khó khăn, chị mang sổ đỏ đi cầm vay mượn 50 triệu đồng để có tiền đóng học cho con và đưa chồng đi viện.

Tiền vay ngân hàng chưa trả hết thì tim của chồng lại xảy ra vấn đề. Phần van tim trong lần phẫu thuật trước đã vôi hoá, mấy năm trước bác sĩ khuyên mổ thay, nhưng ngặt nỗi không có tiền nên anh chị để liều.

Dạo gần đây anh Công hít thở không thông vì van hẹp lại. Thấy chồng bị bệnh tật giày vò, gia cảnh lại quá khó khăn, chẳng còn gì để cầm cố, chị sang nhờ anh em trong nhà đứng ra vay mượn cho một số tiền để đưa chồng ra Hà Nội thay van tim.

“Mọi người khuyên tôi còn người là còn của, mổ xong rồi về làm rồi trả nợ”, chị Khuê nói. Tuy chồng bệnh tật nhưng với chị, anh luôn là chỗ dựa tinh thần cho gia đình, vì thế chị luôn nỗ lực làm lụng để chạy chữa cho chồng.

Chứng kiến cảnh vợ bốc vác ngược xuôi, có hôm ốm vẫn cố gắng đi làm, anh Công tự trách bản thân không làm gì đỡ đần cho gia đình. “Cô ấy về hai tay bỏng rộp lên vì vác ngói, tôi thấy rất có lỗi nhưng bản thân lại chẳng thể giúp được gì”, anh Công chia sẻ.

Bác sĩ Trần Hữu Nghị - Khoa tim mạch và lồng ngực, cho biết anh Công nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, tim bị tổn thương van hai lá hẹp khít và tổn thương van động mạch chủ, hở van ba lá.

Bệnh nhân có tiền sử van tim hậu thấp, từng nong van tim. Sau một thời gian dài thì phần van cũ bị hư hỏng gây khó thở, cần phải phẫu thuật lại. Anh Công cần thay van hai lá và van động mạch chủ, đồng thời sửa lại van ba lá, với khoảng chi phí phẫu thuật 60 triệu đồng.

Nguyễn Ngoan
Bình luận
vtcnews.vn