Tối 14/6, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, từ trần ở tuổi 85. Ông là phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong chiến thắng mở màn mặt trận trên không ngày 3/4/1965, được coi như huyền thoại của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Là một trong những người gắn bó nhiều năm với Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, coi Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan như thần tượng, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam xúc động chia sẻ với VTC News những kỷ niệm, ký ức về người thủ trưởng cũ của mình.
Trong ký ức của Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan chính là thần tượng, là huyền thoại phi công của Không quân Việt Nam.
"Một trong những động lực để khiến tôi mơ ước trở thành phi công chính là nhờ thần tượng 2 phi công đầu tiên bắn rơi máy bay địch ở mặt trận trên không trong ngày đầu đánh thắng năm 1965, là phi công Phạm Ngọc Lan và phi công Trần Hanh", Thượng tướng Tuấn nói về mơ ước trở thành phi công của mình.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn nhớ lại, năm 1979, khi từ Liên Xô về nước, ông được đưa vào Trung đoàn 929 của Sư đoàn không quân 370. Đây là Trung đoàn đóng ở sân bay Đã Nẵng, tập trung huấn luyện cho những phi công mới ra trường để sau đó sẽ đưa về các đơn vị khác.
“Lúc này, phi công Phạm Ngọc Lan là Tư lệnh của Sư đoàn 370. Tôi thực sự ấn tượng rất sâu sắc về ông - một phi công huyền thoại của không quân ta, người đầu tiên bắn rơi máy bay địch. Ông là phi công đâu tiên trong trận đánh 3/4/1965 khi ta mở mặt trận trên không, Biên đội “Lan - Túc - Quỳ - Phương” do ông là Biên đội trưởng bắn rơi 2 máy bay F-8U của Mỹ ở trên bầu trời cầu Hàm Rồng và giành thắng lợi trên mặt trận trên không.
Tiếp đến ngày 4/4, Biên đội "Hanh - Huân - Năm - Giấy" do anh hùng Trần Hanh làm Biên đội trưởng tiếp tục bắn rơi 2 máy bay F105 nữa”, Thượng tướng Tuấn nhớ lại.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ, lúc đó ông mới chỉ là Thiếu úy, vừa đi học từ Liên Xô về, gặp Đại tá Phạm Ngọc Lan nên ông cảm thấy rất ngưỡng mộ. Đặc biệt, quê của Đại tá Phạm Ngọc Lan ở Quảng Nam, cùng quê với mẹ của ông nên ông Tuấn càng quý trọng người thủ trưởng của mình.
"Được gặp thần tượng từ nhỏ của mình bằng xương bằng thịt, sau này được tham gia huấn luyện và bay cùng Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan khiến tôi càng cảm thấy kính trọng và tự hào", Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ.
Chính tài năng và sự hóm hỉnh của ông Phạm Ngọc Lan đã khiến những người tiếp xúc không khỏi trầm trồ, thán phục.
"Đến khi tiếp xúc, tôi càng cảm phục khi cảm nhận phi công Phạm Ngọc Lan không chỉ là một người có đầu óc rất nhanh nhẹn, thông minh mà ông còn rất hóm hỉnh, hài hước. Càng tiếp xúc càng cảm thấy ông có trí tuệ uyên bác nhưng lại rất giản dị đời thường.
Nhớ thời gian đầu, trong công việc tôi gọi ông là thủ trưởng nhưng bên ngoài tôi gọi ông là chú và xưng cháu. Ông rất hóm hỉnh bảo “cậu gọi tớ là anh đi cho nó trẻ”, Thượng tướng Tuấn nhắc lại.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ, sau này cứ đến ngày 3/4 hàng năm (ngày kỷ niệm trận đầu đánh thắng) ông đều đến chúc mừng Tướng Phạm Ngọc Lan. Những câu chuyện binh nghiệp cứ dài mãi, dài mãi trong những lần gặp gỡ giữa hai người.
Mỗi lần gặp gỡ, Tướng Phạm Ngọc Lan đều rất vui mừng khi được gặp và trò chuyện cùng những người đồng đội, những người tiếp nối trang sử hào hùng của bộ đội Phòng không - Không quân.
Từ năm 2016, Tướng Phạm Ngọc Lan lâm bệnh, Thượng tướng Võ Văn Tuấn vẫn đều vào bệnh viện thăm và chúc mừng Thiếu tướng.
"Dịp 3/4 năm 2018, dù rất mệt nhưng cụ vẫn nhắc nhiều đến tôi, hỏi thăm tôi. Khi vào thăm cụ, tôi đã hát bài “Phi đội ta xuất kích” bên giường bệnh của cụ. Cụ còn hát cùng tôi mấy câu. Còn năm nay, tôi cũng hát, nhưng cụ chỉ lặng yên lắng nghe.
Tình cảm của thế hệ phi công lớp sau với tiền bối, những người mở mặt trận trên không thắng lợi ấy là rất thiêng liêng và chỉ chúng tôi, những phi công có thể hiểu được nhau”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn nói.
"Dẫu biết, sự ra đi của Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan là quy luật bắt buộc của cuộc sống, khi cụ tuổi đã cao, sức lực đã không còn. Tuy nhiên, sự ra đi của người phi công huyền thoại, phi công đầu tiên vẫn khiến cho người ta cảm thấy tiếc nuối khuôn nguôi. Với cá nhân tôi, đó còn là sự tiếc nuối với một người thủ trưởng đáng kính, một thần tượng mẫu mực của mình", Thượng tướng Võ Văn Tuấn bày tỏ.
Video: Thượng tướng Võ Văn Tuấn hát tặng Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan bên giường bệnh
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan (SN 1934, quê Quảng Nam), Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân từ trần lúc 21h10 ngày 14/6. Hưởng thọ 85 tuổi.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan là phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong trận không chiến vào ngày 3/4/1965.
Tiểu sử của Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan:
Năm 1952, ông nhập ngũ và là chiến sĩ văn thư Ban Chính trị Trung đoàn 84 Nơ Trang Long Liên khu 5.
Từ tháng 1/1953, ông lần lượt là chiến sĩ, tiểu đội phó, tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 602, Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 96, Đại đoàn 305.
Kể từ khi tham gia đánh trận đầu, trận đèo An Khê, trên đường 19, cho đến khi ngừng bắn năm 1954, ông đã tham gia chiến đấu trên 10 trận từ Pleiku đến Quy Nhơn và dọc tuyến đường số 1 từ Nha Trang đến Quảng Nam, bắt sống 6 tù binh, trong đó có một lính Pháp.
Sau khi về nước, Biên đội trực chiến đầu tiên được thành lập. Ông được phân công vai trò bay số 1 và là Biên đội trưởng. Trong vai trò này, ông cùng các phi công tập luyện các kỹ thuật bay trên bầu trời Bắc Việt Nam để chuẩn bị cho các cuộc giao chiến sau này. Tháng 1/1965, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm dẫn đường Trung đoàn Không quân 921, hàm Trung úy.
Ngày 3/4/1965, ông tham gia vào trận đánh đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam, tấn công các máy bay của Hải quân Mỹ đang tập kích vào khu vực cầu Hàm Rồng – một cây cầu huyết mạch, yết hầu trên tuyến chi viện Bắc Nam.
Trưa cùng ngày, chiếc F-8E thuộc biên chế Phi đoàn VF-211 Hải quân Hoa Kỳ, do Thiếu tá Spence Thomas điều khiển bị Phạm Ngọc Lan bắn trúng, hỏng nặng.
Với chiến công này, Phạm Ngọc Lan trở thành phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong không chiến.
Tháng 4/1967, ông được thăng Đại úy và được cử làm Trung đoàn phó Trung đoàn Không quân 921.
Năm 1969, ông được cử làm Chủ nhiệm Kỹ thuật bay Bộ Tư lệnh Không quân Quân chủng Phòng không Không quân.
Tháng 7/1974, ông được cử làm Trưởng phòng Tác huấn Không quân Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không Không quân, hàm Thiếu tá.
Tháng 4/1975, ông được Bộ Tư lệnh Quân chủng cử vào chỉ đạo, tham gia tiếp quản Sân bay Đà Nẵng.
Sau năm 1975, ông lần lượt giữ các chức vụ như sau: Tham mưu phó Quân chủng Không quân; Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370 mới thành lập; quyền Cục trưởng Cục Huấn luyện Nhà trường, Quân chủng Không quân; Cục trưởng Cục Huấn luyện Nhà trường Quân chủng Không quân; Phó Cục trưởng Cục Huấn luyện Chiến đấu Bộ Tổng Tham mưu.
Ông được thăng hàm Thiếu tướng tháng 6/1992.
Bình luận