• Zalo

Người nước ngoài sẵn sàng bỏ triệu đô mua nhà Việt Nam

Kinh tếThứ Năm, 11/04/2013 02:20:00 +07:00Google News

(VTC News) – Mặc dù các quy định đối với người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam đã được nới lỏng, nhưng vẫn còn khá nhiều rào cản cần được tháo gỡ.

(VTC News) – Mặc dù các quy định đối với người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam đã được nới lỏng, nhưng vẫn còn khá nhiều rào cản cần được tháo gỡ, nhằm thu hút một nguồn lực mới cho thị trường bất động sản.

Người nước ngoài “xót” tiền thuê nhà

Nhu cầu mua và sở hữu nhà tại Việt Nam của người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng. Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách thông thoáng hơn đối với các đối tượng này. Nhưng trên thực tế, song song với cơ hội mua nhà được tăng lên thì vẫn còn khá nhiều khó khăn khiến ước muốn có chỗ định cư trên quê nhà của nhiều người nước ngoài vẫn chưa thực hiện được.

Năm 2009, Quốc hội đã có Nghị quyết 19 về việc thí điểm cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại Việt Nam trong thời hạn 5 năm. Một năm sau đó, Chính phủ có Nghị định 51 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết 19. Trong đó cho phép cá nhân người nước ngoài đang làm việc, hoạt động tại Việt Nam được sở hữu một căn hộ chung cư tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trong thời gian tối đa 50 năm.

Mặc dù quy định được nới lỏng nhưng nhiều người nước ngoài ở Việt Nam vẫn cho rằng việc mua nhà ở Việt Nam vẫn còn quá nhiều rào cản.

Anh Philip, quốc tịch Canada, hiện đang giảng dạy tại một trung tâm ngoại ngữ Hà Nội cho biết, anh sang Việt Nam từ năm 2009, đến nay đã được hơn 3 năm, nhưng anh vẫn đủ các điều kiện để được mua nhà tại Hà Nội vì không nằm trong các đối tượng được phép mua nhà tại Việt Nam.

Nhiều người nước ngoài vẫn phải thuê nhà vì chưa đủ điều kiện mua nhà tại Việt Nam. Ảnh: Internet
Hiện anh Philip vẫn đang thuê một căn hộ chung cư 100 m2 tại khu vực Hồ Tây với số tiền lên đến 2.000 USD/tháng, tương đương khoảng 40 triệu đồng/tháng.

“Giá nhà đất ở Việt Nam hiện nay đang rất hợp lý, trung bình các căn hộ chung cư cao cấp, giá cũng chỉ 100.000 – 200.000 USD, tức là 2 – 4 tỷ đồng. So với số tiền tôi phải bỏ ra thuê nhà hàng tháng như hiện nay, rõ ràng mua nhà sẽ có lợi hơn cho tôi rất nhiều”, anh Philip nói.

Anh Alexander, một người Mỹ sống ở Việt Nam lâu năm cũng cho biết, hiện bạn bè anh nhiều người đã sang Việt Nam ở được 5 – 6 năm rồi nhưng vẫn chưa thể có được một chỗ định cư ổn định. Họ đều là các kỹ sư và chuyên gia làm việc tại một số công ty đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao ở Việt Nam.

“Ở Việt Nam, việc thuê nhà cũng rất bất tiện, những căn hộ ở lâu dài, đẹp và môi trường tốt thì có giá rất cao, thường từ 50 – 60 triệu đồng/tháng. Còn các căn hộ rẻ hơn cũng tầm trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Các chủ nhà Việt Nam cũng thường hay tăng giá hoặc thấy có người thuê cao hơn thì sẵn sàng yêu cầu chúng tôi phải dọn đi chỗ khác. Nói chung, nhiều người bạn tôi muốn làm việc lâu dài tại Việt Nam, nhưng lại rất khó có được một nơi ở ổn định”, anh Alexander nói.

Theo anh Alexander, bạn bè anh nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả triệu USD để mua một căn hộ ở Việt Nam, nhưng vẫn bị từ chối vì không đủ điều kiện.

Đó mới chỉ là 2 trong số rất nhiều người nước hiện đang làm việc tại Việt Nam, có nhu cầu được mua nhà nhưng lại không đủ các điều kiện, thủ tục cần thiết.

Theo Cục Đăng ký và thống kê (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường) tính đến ngày 1/2/2013, cả nước có 427 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. TP HCM có số người nước ngoài được mua nhà nhiều nhất, với 342 trường hợp. Kết quả này rất thấp khi cả nước có hơn 80.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc.

Cần “mở cửa” cho người nước ngoài mua nhà

Phó giám đốc CBRE mảng thẩm định giá bất động sản, ông Leon Cheneval, đã sống ở Việt Nam khá lâu, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay chính sách về việc cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam vẫn còn quá “chặt”, khiến cho nhiều người có đủ tiềm lực tài chính nhưng vẫn khó tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở.

Cụ thể nhất là việc quy định người nước ngoài chỉ được phép thuê dài hạn, mà không được phép sở hữu nhà. Còn đối với những người đủ điều kiện để mua thì sẽ chỉ được ở, không được cho thuê lại.

 

"Có thể xem việc cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là một trong những phương án giải cứu thị trường bất động sản", Luật sư Bùi Quang Hưng.


 
“Trong khi đó, tôi được biết, ở nhiều nước khác, Chính phủ rất khuyến khích người nước ngoài mua nhà, điển hình như Thái Lan, người nước ngoài được mua nhà thương mại không hạn chế, chỉ không được mua nhà xã hội”, ông Leon cho biết.


Ngoài ra, theo ông Leon Cheneval, việc nới lỏng các chính sách để cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là một giải pháp tốt cho thị trường hiện nay.

“Tuy nhiên, bản thân tôi cho rằng Chính phủ nên kiểm soát và giới hạn theo tỷ lệ %”, ông Leon nói.

Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự cũng đưa ra phân tích, thực tế cho thấy có nhiều đối tượng khác muốn mua nhà ở Việt Nam. Cụ thể, người nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam theo hợp đồng lao động với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Quan điểm của tôi cho rằng nểu mở rộng điều kiện mua nhà cho các đối tượng này nhưng hạn chế về mặt số lượng nhà được mua thì cũng là phương án cần được xem xét để kích cầu thị trường bất động sản”, ông Hưng cho biết.

Việc nới lỏng chính sách để các đối tượng này có thể mua nhà ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay cũng là điều hợp lý trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng.

Trong tương lai, việc cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng cần được mở rộng và cần phải xem xét nhà như một loại hàng hoá thông thường. Cần khuyến khích người nước ngoài đầu tư và tham gia thị trường bất động sản.

Hiện nay, quy định người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chỉ được ở mà không được đem kinh doanh, cho thuê lại… cũng bất hợp lý.

“Để tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, tôi cho rằng cần mở rộng có cả đối tượng mua thương mại, nhưng chỉ được mua 1 nhà và sẽ điều chỉnh sau”, Luật sư Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hưng, việc người nước ngoài mua nhà không chỉ để ở, mà có thể cho thuê hoặc bán là điều hợp lý.

“Nếu có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì việc cho người nước ngoài mua nhà thương mại sẽ giúp kích cầu phân khúc bất động sản cao cấp. Người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, rất nhiều người có khả năng tài chính tốt, nên chúng ta sẽ tận dụng được nguồn tiền này”, ông Hưng phân tích.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc sàn bất động sản Phát Đạt cũng cho rằng, hiện nay có rất nhiều khách nước ngoài hỏi mua một số dự án cao cấp, chủ yếu có giá từ 8 – 10 tỷ đồng/căn. Họ sẵn sàng thanh toán bằng tiền mặt theo phương thức “chìa khóa trao tay” ngay, nhưng chúng tôi cũng không thể bán được vì họ không nằm trong các đối tượng được phép mua.

“Nhiều người phải nhờ người thân, bạn bè đứng tên để mua hộ, nhưng như vậy cũng rất phức tạp, nên nhiều người nước ngoài hiện nay vẫn đành chấp nhận phải đi ở thuê”, ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, chúng ta không nên quá lo lắng khi cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam vì tài sản của họ vẫn nằm trên đất của Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta lại có thể tận dụng một lượng tiền nhàn rỗi khá lớn.

Ngoài ra, người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống còn tạo ra một không gian văn hóa mới, vừa mang chất “Tây” lại đậm hương vị “Ta”.

Ông Minh lấy dẫn chứng, các khu phố Tây và chợ Tây ở Hà Nội hay TP HCM thường thu hút rất nhiều du khách vì đây là một địa chỉ giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc của nhiều nền văn hóa khác nhau.

Chợ Tây, nhưng bán hàng “Ta” như mật ong, rau xanh, trứng gà, gạo…, và bày trí theo cách “Tây”. Tất cả các hàng hóa đều được xếp gọn gàng, bắt mắt, niêm yết giá cụ thể và có nguồn gốc rất rõ ràng.

“Tôi được biết, hiện rất nhiều bạn trẻ Việt Nam thường rất thích thú đến các khu phố này để thưởng thức một không gian văn hóa mới, một phong cách sinh hoạt mới”, ông Minh cho hay.
“Lâu nay mình quá chặt chẽ với việc người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, cứ sợ vấn đề này vấn đề kia nên chỉ giới hạn thôi. Dự kiến quy định đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà sẽ được quy định lại trong năm nay không chỉ giới hạn người nước ngoài đang làm việc sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mà nên mở rộng ra với người có nhu cầu và hướng họ vào phân khúc nhà giá cao”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trả lời báo chí.

“Có thể xem việc cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là một trong những phương án giải cứu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, do tình hình suy thoái kinh tế, việc thu hút nguồn vốn nước ngoài cần được marketing và được phát triển bài bản. Cần phải xem đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực mua bán nhà là một hình thưc đầu tư cần khuyến khích trong giai đoạn hiện nay”. Luật sư Bùi Quang Hưng – Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự.

“Chủ trương tiếp tục cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam là đúng. Đã đến lúc nên sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan để luật hóa việc người nước ngoài được mua nhà để ở tại Việt Nam, nâng tầm tính pháp lý của vấn đề nhằm tạo ra sự ổn định và yên tâm cho đối tượng mua nhà”, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo quy định của Việt Nam, các trường hợp người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam gồm có: Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó.

Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng quyết định.

Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu. Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam.

Điều kiện để cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà: Phải là người đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Châu Anh


Bình luận
vtcnews.vn