• Zalo

Người nước ngoài run rẩy qua đường ở Việt Nam

Thời sựThứ Sáu, 10/10/2014 03:06:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Trang Hạ đã có những chia sẻ hài hước, hóm hỉnh nhưng chua xót khi nói về giao thông ở Việt Nam.

(VTC News) – Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Trang Hạ đã có những chia sẻ hài hước, hóm hỉnh nhưng chua xót khi nói về giao thông ở Việt Nam.

Đến với chương trình “Vì bạn còn có ngày mai”, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Trang Hạ đã chia sẻ
với các bạn trẻ nhiều câu chuyện thú vị về giao thông ở Việt Nam.

Nhà văn Trang Hạ đã chỉ ra các thói xấu, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, các mẩu chuyện vui và phân tích tâm lý muốn thể hiện bản thân của giới trẻ.

Du khách nước ngoài lo lắng khi sang đường ở Việt Nam (Ảnh: Zing) 

Nữ nhà văn nổi tiếng trong giới trẻ cũng nêu ra thực tế có một số người trong đám đông tự cho mình có quyền được nổi giận.

“Chúng ta có thể cư xử đẹp ở văn phòng, nơi công sở, nhưng sao khi tham gia giao thông thì cư xử lại hoàn toàn khác?”, nữ nhà văn băn khoăn đặt câu hỏi.

Lý giải về thói bực tức của người Việt khi tham gia giao thông, chị Trang Hạ cho rằng một phần cũng do môi trường giao thông Việt Nam không ủng hộ việc cư xử tử tế, ví dụ như đèn đường bị khuất, phân luồng đường đi chưa đúng đã gây cản trở cho người đường.

Đứng trước vạch đèn đỏ, nếu bạn vượt thì nhiều người sẽ vượt theo, nếu bạn dừng thì nhiều người sẽ dừng. Nhiều người không phải họ không biết tín hiệu mà họ luôn sợ thiệt hơn những người khác. 

“Những lúc như vậy bạn cần phải phải tự bật đèn đỏ trong lòng. Khi bạn nghĩ còn nhiều điều tốt đẹp chờ mình vào ngày mai, tương lai của bạn đang ở phía trước thì bạn sẽ điều chỉnh được tâm thế, cách ứng xử với tín hiệu giao  thông”, chị Trang Hạ đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ.

Thậm chí, việc tham gia giao thông bây giờ không còn cả việc của người lái xe, cảnh sát giao thông  mà đó còn là quốc thể.
Văn hóa giao thông
Nhà văn Trang Hạ và nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ nhiều câu chuyện về văn hóa giao thông 

“Các bạn có thể nhìn thấy người nước ngoài đang run rẩy đi qua đường vì giao thông Việt Nam quá hỗn loạn. Họ sẽ nghĩ gì về con người Việt Nam?”, nữ nhà văn đặt vấn đề để các bạn trẻ cùng suy ngẫm.
.
Đặc biệt, nữ diễn giả đã kể câu chuyện có thật của chính mình "lấy được chồng" nhờ một tình huống va chạm giao thông thú vị. Cách đây 16 năm, khi trên đường đi học về, chị đã bị một gã “tây tây” đâm thẳng xe vào người.

Nữ nhà văn kể lại khi đó cả hai cùng ngã lăn quay, tay chân sứt sẹo, còn xe hỏng tùm lum. Sửa xe xong, chị về luôn vì đang lo lắng mẹ ốm ở nhà chờ. Về nhà thấy mẹ vẫn đang ngủ say, chị yên tâm và chợt thấy thương hại cho kẻ vừa đâm vào mình.

“Gã bị thương cũng tội nghiệp. Thế là mình đi ra tiệm thuốc, mua hết 11.000 đồng tiền bông băng và cồn, rồi quay lại tiệm sửa xe băng vết thương cho gã. Gã có vẻ cảm động, bèn hỏi số điện thoại của mình. Hai tuần sau thì nhận lời yêu nhau. Rồi ở với nhau được mười mấy năm cho tới tận bây giờ”, nữ nhà văn cười tươi chia sẻ.

Chị cũng không quên nói thêm: "Nếu lúc đó mình mà tay chống nạnh chửi vài câu, đòi bồi thường, hoặc tìm cách hôi của như các vụ đụng xe bây giờ, thì có khi đến bây giờ vẫn còn ế chồng".

Bên cạnh câu chuyện hài hước của nhà văn Trang Hạ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ góc nhìn về những chính sách giao thông với cuộc sống, những chuyện buồn giao thông gây ảnh hưởng đến bản thân, gia đình để nhắc nhở về trách nhiệm của người trẻ.

'Nghẹt thở' khi qua đường ở Việt Nam
 'Nghẹt thở' khi qua đường ở Việt Nam

Nhà thơ Trần Đăng Khoa mở đầu câu chuyện của mình với lời chúc các bạn trẻ lái xe an toàn.

“Vì đằng sau tay lái người yêu, bố mẹ, dự định tốt đẹp. Chúng ta có an toàn, chúng ta có ngày mai là chúng ta có tất cả”, nhà thơ nổi tiếng nhắn nhủ.

Vị diễn giả này cho rằng không nước nào có mức độ tai nạn giao thông thảm khốc như ở Việt Nam. Ở Việt Nam, số lượng người chết vì tai nạn giao thông hàng năm còn nhiều hơn số người đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh.

“Trong thời gian Hội nghị APEC tại Việt Nam, hình ảnh ấn tượng nhất đối với tôi là việc Thủ tướng các nước chạy bộ quanh Hồ Gươm không cần bảo vệ. Nhưng đất nước thanh bình như vậy mà số người chết vì giao thông còn nhiều hơn chết trong chiến tranh. Có người ngồi trong nhà, đi trên vỉa hè mà vẫn chết oan uổng vì tai nạn giao thông”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chua xót nói.

Cũng có cùng quan điểm với nhà văn Trang Hạ, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng văn hóa giao thông còn liên quan đến quốc thể của một đất nước. Nhiều lần, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã được tiếp đón những vị khách quốc tế nổi tiếng nhưng đa số họ đều tỏ ra lo lắng khi tham gia giao thông ở Việt Nam.

Ông cũng cho rằng chỉ ở Việt Nam mới có những quy luật khác thường  khi tham giao thông. Người tham gia giao thông chỉ cần nhìn phía trước, tránh người đằng trước còn người đằng sau không cần quan tâm vì tự họ sẽ phải tránh mình.

Vị diễn giả này cũng cho rằng Việt Nam có thể dễ dàng nhập những công nghệ mới, đưa vào vận hành những loại hình giao thông hiện đại của thế giới nhưng sẽ phải mất cả thế kỷ để giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho thế hệ trẻ và cho người dân.

Chương trình tọa đàm “Vì bạn còn có ngày mai”, do FPT và Công ty TUV Nord Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án GOsmart “Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua chương trình an toàn giao thông đường bộ” do Tuv Nord Việt nam thực hiện.

Thông qua tọa đàm này, dự án truyền tải thông điệp: Thế hệ trẻ ngày nay cần phải có trách nhiệm với cuộc sống của bản thân và cả xã hội.

Trách nhiệm đó không cần là những điều “đao to búa lớn” hay để lại những thành tựu vĩ đại, mà được thể hiện ngay từ những việc nhỏ, suy nghĩ và hành động trong cuộc sống hàng ngày, trong đó có việc ý thức đúng và hành xử có trách nhiệm khi tham gia giao thông.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn