Khảo sát một số chợ truyền thống tại TP.HCM cho thấy, thịt gà, thịt heo đã “dắt tay nhau” cùng tăng giá. Đây là món ăn phổ biến trên mâm cơm của nhiều gia đình Việt nên chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới ví tiền của các bà nội trợ.
Thịt gà, thịt heo đồng loạt tăng giá
Anh Hoàng Hiệp, tiểu thương bán gà tại chợ Bình Thới (quận 11), cho hay, chi phí vận chuyển tăng; cám, thức ăn chăn nuôi tăng nên đầu mối bán gà đã tăng giá. Tiểu thương này cho biết, gà bán ra trung bình lãi khoảng 20.000 đồng/con nhưng do giá xăng tăng, họ buộc phải tăng giá theo nếu không sẽ thành bán hàng không công. Trước đây, gà ta có giá khoảng 130.000 đồng/kg thì giờ lên 140.000 - 150.000 đồng/kg.
Anh Quốc Bình, tiểu thương bán heo, cũng thông tin, thịt heo tăng trung bình khoảng 5.000 đồng/kg, sức mua giảm nhưng giá vẫn phải tăng theo nhà cung cấp. Nhiều bà nội trợ khó chịu mỗi khi hỏi giá để mua thịt vì thấy tăng nhưng tiểu thương cũng không biết giải thích sao. Tương tự, cốt lết heo, nạc dăm, giò trước cũng đều tăng giá tại Chợ đầu mối Hóc Môn.
Đáng chú ý, khi so sánh mức giá tại thời điểm ngày 1/6 và ngày 28/6, Phòng Kinh doanh của Chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, có tới 44/122 mặt hàng chủ yếu tại chợ tăng giá. Các mặt hàng còn lại đứng giá hoặc có mức giảm không đáng kể.
Tỷ lệ tăng giá mạnh nhất rơi vào các loại rau củ quả có nguồn gốc từ Đà Lạt, một phần nguyên nhân được lý giải bởi khoảng cách vận chuyển xa, bị ảnh hưởng bởi chi phí xăng dầu cao. Ngoài ra, tác động từ thời tiết, trời mưa nhiều ảnh hưởng phần nào tới sản lượng thu hoạch.
Một số mặt hàng tăng giá mạnh tại chợ đầu mối này như: Su su Đà Lạt tăng từ 4.000 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg (gần gấp đôi); cà chua tăng từ 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; ớt sừng Bến Tre tăng từ 25.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg; nấm rơm đen tăng từ 60.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg; rau má tăng từ 18.000 đồng lên 25.000 đồng/kg; mãng cầu (trái na) tăng từ 27.000 đồng/kg lên 33.000 đồng/kg...
Việc 44 mặt hàng chủ yếu tăng giá chỉ trong vòng một tháng tại chợ đầu mối là điều đáng lưu ý, bởi với mức giá biến động tại chợ đầu mối thì hàng về chợ lẻ truyền thống và đến tay bà nội trợ sẽ còn ở mức giá cao hơn nữa.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,91%. Có 9/11 các nhóm tăng so với tháng trước. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng 1,05%.
Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,28%, giá gạo tăng 0,57% do nguồn cung giảm khi vụ thu hoạch Đông Xuân gần kết thúc. Nhóm thực phẩm tăng 1,27%; trong đó, thịt gia súc tăng 0,41%; đặc biệt trứng các loại tăng 2,59%; thịt gia cầm tăng 1,58%; giá dầu thực vật tăng 1,29%...
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, khẳng định, giá thức ăn chăn nuôi đầu vào đã tăng hàng chục phần trăm và nhích dần theo biến động giá xăng dầu. “Giá thành cao quá, nước nổi thì bèo phải nổi thôi. Người chăn nuôi buộc phải tăng giá bán khi cung cấp ra thị trường”, ông nói.
Cũng theo ông Quyết, thời điểm hiện tại như một cuộc “thanh trừng” và sàng lọc thị trường chăn nuôi. Khi nhiều người nuôi không thể trụ được với giá thành sản xuất cao, buộc phải chấp nhận thua lỗ, phá sản vì bán giá đắt quá sẽ không ai mua. Đây là điều không thể tránh được. Chỉ còn lại những trang trại đưa khoa học công nghệ vào chăn nuôi, tăng năng suất, hạ giá thành mới có thể trụ được.
Siêu thị cố ghìm giá
Dẫu vậy, nếu nói tới biến động giá thì hệ thống siêu thị tại TP.HCM thời điểm này đang ghìm đà tăng tốt hơn so với các chợ truyền thống, với nhiều DN bình ổn xuất hiện. Đại diện một hệ thống siêu thị cho hay, chi phí vận chuyển cùng giá nguyên vật liệu tăng mạnh khiến một số nhà cung cấp đề xuất điều chỉnh giá. Siêu thị đang phối hợp chặt với các bên để đảm bảo mức giá tốt cho người tiêu dùng. Đồng thời, đơn vị sẽ có nhiều chương trình ưu đãi về giá, đồng hành cùng người dân, giảm gánh nặng chi tiêu giai đoạn này.
Tương tự, hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ cũng nhận được đề nghị điều chỉnh giá của nhiều bên. Tuy nhiên, WinCommerce duy trì đàm phán cùng đối tác nhằm trì hoãn tăng giá, đặc biệt với nhóm hàng nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống cũng đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm trong giai đoạn biến động giá này.
Đơn cử, giảm gần 30% nhóm hàng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô; giảm hơn 20% nhóm sản phẩm đồ uống, bánh kẹo, bơ sữa trứng; giảm hơn 30% các mặt hàng thời trang, hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân và khoảng 40% các mặt hàng gia dụng.
MM Mega Market cũng có chính sách giảm giá nhiều mặt hàng thiết thực như dầu ăn, sữa, mỳ tôm, thịt gà, thịt heo... với mức giảm sâu. Ví dụ, dầu ăn giảm 39%; nước mắm giảm 22%; sườn non heo giảm 34%, cánh gà giảm 21%... Bên cạnh đó, nhóm hàng đồ gia dụng; hóa mỹ phẩm cũng có các chương trình khuyến mại đi kèm.
Nhân kỷ niệm 10 năm, Aeon Việt Nam cũng tặng khách hàng chương trình ưu đãi, giảm giá khi thanh toán không dùng tiền mặt qua VNPAY, Grab Moca;... ưu đãi giảm giá các sản phẩm điện máy, gia dụng, thực phẩm... Mức giảm giá trung bình từ 30 - 50%.
Còn theo kế hoạch bình ổn thị trường từ nay cho tới Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn TP.HCM, hàng loạt DN tham gia chương trình sẽ đăng ký giá bán bình ổn thị trường với Sở Tài chính TP.
Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các đơn vị đảm bảo giá bán thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5 - 10% xuyên suốt trong năm và giữ ổn định giá bán trong thời gian 2 tháng trước, trong, sau Tết Quý Mão năm 2023; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, đảm bảo giá bán thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 10 - 15%, thực hiện xuyên suốt thời gian tham gia chương trình; các mặt hàng sữ, đảm bảo giá bán có tính hợp lý, ổn định và có khả năng dẫn dắt thị trường.
Bình luận