Theo Bộ Y tế, những ca bệnh nhiễm viêm phổi cấp do chủng virus corona (nCoV) thường bao gồm những dấu hiệu nghi ngờ sau:
Người bị sốt và viêm phổi, viêm phổi kẽ hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác, bao gồm tất cả trường hợp có chỉ định lâm sàng xét nghiệm viêm phổi cộng đồng.
Người tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14 ngày) với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong 14 ngày, sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới.
Người sống hoặc đi du lịch tới những vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới trong vòng 14 ngày, trước khi bắt đầu có triệu chứng.
Những người có dấu hiệu sốt và có các triệu chứng bệnh lý hô hấp (ho, khó thở...) và có mặt tại các cơ sở y tế ở các vùng dịch tễ, đã xác định có các ca mắc bệnh do virus corona mới liên quan chăm sóc y tế.
Người tiếp xúc vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày.
Người bị sốt hoặc có các triệu chứng hô hấp và khởi phát trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc bệnh do nCoV.
Ngoài ra, những trường hợp nhiễm bệnh do virus corona được phát hiện qua các bằng chứng lâm sàng và dịch tễ gồm:
Người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm bao gồm những người chăm sóc bệnh nhân (nhân viên y tế, gia đình, người thăm bệnh) trong thời gian có biểu hiện.
Người bệnh có các biểu hiện lâm sàng, X-quang hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh của bệnh lý mô phổi (ví dụ như viêm phổi hoặc ARDS) phù hợp với các triệu chứng của bệnh viêm phổi lạ.
Người bệnh không được khẳng định bằng các xét nghiệm bởi không lấy được mẫu bệnh phẩm hoặc không làm được xét nghiệm để chẩn đoán căn nguyên nhiễm trùng hô hấp cũng như không lý giải được bằng các nhiễm trùng hay căn nguyên khác.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), coronaviruses (CoV) là họ các virus có thể gây ra các bệnh lý đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở người, một số loài động vật. Virus corona thường lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp của người bệnh. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân.
Ở người, virus corona có thể gây bệnh nhẹ từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như: Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV); Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV)…
Hiện tại, do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên bệnh nhân nhiễm virus corona chủ yếu được điều trị triệu chứng, qua đó phát hiện sớm tình trạng suy hô hấp và suy các tạng (nếu có).
Bệnh nhân nhiễm virus corona chỉ được xuất viện trong trường hợp có tất cả các chỉ số: huyết áp, mạch, X-quang phổi, kết quả máu, chức năng cơ quan trở lại bình thường và không sốt sau 3 ngày.
Phòng tránh lây nhiễm virus corona thế nào?
Để hạn chế lây nhiễm viêm phổi do coronavirus, công tác phòng bệnh vẫn được đặt lên hàng đầu. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới coronavirus, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt 5 biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
- Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Bình luận