Hôm 27/4 tới đây, Nhật Bản sẽ bắt đầu kỳ nghỉ dài chưa từng có nhân sự kiện Nhật hoàng Akihito thoái vị, nhường ngôi cho con trai cả của ông, Naruhito. Kỳ nghỉ kéo dài trong 10 ngày và kết thúc vào ngày 6/5, trùng với kỳ nghỉ truyền thống trong "Tuần lễ vàng" vào đầu tháng 5 tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, đa số lao động Nhật Bản đều không mấy vui trước kỳ nghỉ này.
Theo một cuộc điều tra gần đây của tờ Asahi Shimbun, 45% người Nhật cảm thấy không thoải mái với kỳ nghỉ dài, chỉ 35% nói cảm thấy thoải mái khi có ngày nghỉ.
Một phần trong số những người tham gia khảo sát là các lao động được trả lương theo giờ hoặc ngày, họ lo sẽ mất đi khoản thu nhập đáng kể trong 1/3 tháng. Số khác thì lại sợ công việc sẽ dồn đống trong những ngày họ nghỉ và làm ảnh hưởng tới guồng quay công việc khi họ trở lại làm việc.
Một số phụ huynh thì lo lắng không thể tìm được nơi trông giữ con em mình. Số còn lại đơn giản là không biết phải làm gì trong ngày nghỉ.
"Thành thật mà nói, tôi không biết phải làm gì trong 10 ngày nghỉ dài đột ngột đó, Đi du lịch chắn chắc sẽ rất đông đúc và giá tour cũng cao. Tôi có lẽ sẽ ở nhà với bố mẹ vậy", Seishu Sato, một nhân viên tài chính chia sẻ.
Người Nhật từ lâu đã nổi tiếng là những người "tham công tiếc việc" nhất thế giới. Họ đi làm nhiều hơn bất cứ quốc gia nào với 1/4 các công ty yêu cầu nhân viên làm thêm hơn 80 giờ/tháng.
Theo một cuộc khảo sát của Expedia năm 2017, lao động Nhật Bản chỉ sử dụng một nửa số ngày nghỉ của họ và 63% cảm thấy có lỗi với các công chủ quản khi nghỉ phép có lương.
Để giải quyết phần nào tình trạng này, chính quyền Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng luật cải cách lao động, giới hạn số giờ làm thêm của người lao động để thay đổi thói quen làm việc quá giờ.
Theo luật mới, người lao động chỉ được làm thêm tối da 45 giờ/tháng, 360 giờ/năm và được đảm bảo trả lương xương xứng với công sức mình bỏ ra. Mức phạt áp dụng với các hành vi vi phạm có thể lên tới 2.700 USD.
Bình luận