• Zalo

Người Nga lại khóc ròng vì "lời nguyền Sao Hỏa"

Thế giớiThứ Tư, 09/11/2011 01:20:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ngay sau khi được phóng lên, tàu thăm dò không người lái Phobos đã gặp trục trặc và có nguy cơ trở thành... đống rác vũ trụ.

(VTC News) - Nga vừa thực hiện một sứ mệnh táo bạo khi phóng tàu thăm dò không người lái lên mặt trăng Phobos của Sao Hỏa để lấy mẫu đất đá về nghiên cứu. Tuy nhiên, ngay sau khi được phóng lên, con tàu Phobos đã gặp trục trặc và có nguy cơ trở thành đống rác vũ trụ.

Những mẫu đất đá tàu thăm dò thu được sẽ đem lại cho các nhà nghiên cứu nhiều hiểu biết mới về mặt trăng có bề rộng 27km - nơi nhiều nhà khoa học tin rằng thực chất là một tiểu hành tinh đã bị lực hấp dẫn của Sao Hỏa giữ lại.

Sứ mệnh này được đặt tên là Phobos-Grunt, grunt trong tiếng Nga có nghĩa đất. Ngoài phóng tàu thăm dò lên mặt trăng Phobos, chuyến bay lần này còn mang theo vệ tinh Yinghou-1 của Trung Quốc.

Yinghou-1 với khối lượng 115kg là vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc phóng lên Sao Hỏa, nó sẽ bám trên lưng tàu thăm dò, sau đó được thả vào quỹ đạo của hành tinh đỏ để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tàu thăm dò không người lái Phobos sẽ làm nhiệm vụ tiếp cận mặt trăng của Sao Hỏa

Hệ thống đã được đẩy lên không gian bởi tên lửa Zenit-2SB tại sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan vào 3h16 sáng nay 9/11 (giờ Hà Nội). Theo dự kiến, tàu thăm dò sẽ tiếp cận với Phobos vào tháng 9/2012 và trở về Trái Đất sau 33 tháng kể từ ngày được phóng lên.

Tuy nhiên, sau khi bay vào không gian và tách khỏi 2 tên lửa đẩy, hệ thống đã không thể khởi động bộ phận tự hành để đi vào quỹ đạo như tính toán. Các thùng nhiên liệu đã không hoạt động theo đúng dự kiến khiến cho các nhà khoa học đang phải lao đao tìm cách kích hoạt trở lại.

Sứ mệnh Phobos-Grunt lần này đã được kì vọng sẽ đập tan lời nguyền về chinh phục Sao Hỏa của giới nghiên cứu khoa học vũ trụ Nga. Từng có tất cả 16 sứ mệnh được người Nga thực hiện từ năm 1960 nhằm tiếp cận và chinh phục hành tinh đỏ, tuy nhiên tất cả đều thất bại. Gần đây nhất là vụ thất bại ngay từ khi rời bệ phóng vào tháng 10/1996. 

Người đứng đầu Viện nghiên cứu Vũ trụ của Moscow, ông Alexander Zakharov cho biết: trong 15 năm trở lại đây, họ chưa thành công trong bất kì chuyến bay liên hành tinh nào. Trong khoảng thời gian đó đã có có nhiều điều thay đổi, con người, công nghệ và trong một số vấn đề gần như là hoàn toàn mới mẻ với các nhà khoa học. Nói cách khác, họ đang trở về vạch xuất phát.

Hình ảnh mặt trăng Phobos của Sao Hỏa

Phobos là một tàu thăm dò phức tạp và cần có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố để có thể hạ cánh lên mặt trăng cùng tên của Sao Hỏa và trở về Trái Đất an toàn. Trọng lượng của hệ thống bao gồm Phobos, Yinghou-1 và toàn bộ nhiên liệu lên đến 11 tấn. Sau khi thả Yinghou-1 vào quỹ đạo Sao Hỏa, Phobos sẽ tiếp cận mặt trăng.

Hiện tại, bản đồ chi tiết của mặt trăng Phobos đã được vệ tinh của Cơ quan vũ trụ châu Âu vẽ lại, nhờ đó các nhà khoa học có thể tính toán vị trí và thời điểm chính xác Phobos hạ cánh xuống mặt trăng này trong tháng 2/2013. Các robot của tàu thăm dò sẽ dùng những cánh tay tự động để thu thập mẫu đất, dự kiến khoảng 200mg đất đá sẽ được cho vào bình đựng và chiếc bình này sẽ quay về Trái Đất tại sa mạc Kazakhstan vào tháng 8/2014.
Bình luận
vtcnews.vn