• Zalo

Người nặng tình nhất trong vụ án Dương Tự Trọng

Thời sựChủ Nhật, 26/01/2014 09:35:00 +07:00Google News

Trong vụ án Dương Tự Trọng, có một người cũng rất quen thuộc với cánh phóng viên nội chính đó là Vũ Tiến Sơn (nguyên Thượng tá, Phó trưởng phòng PC45 Công an TP Hải Phòng) - một người từng là lính hình sự và được báo chí viết khá nhiều...

Sau khi Dương Chí Dũng chịu án tử hình trong vụ Vinalines, vụ án Dương Tự Trọng cũng được đưa ra xét xử. Trong vụ án Dương Tự Trọng, có một người cũng rất quen thuộc với cánh phóng viên nội chính. Đó là Vũ Tiến Sơn (nguyên Thượng tá, Phó trưởng phòng PC45 Công an TP Hải Phòng) - một người từng là lính hình sự và được báo chí viết khá nhiều...

Không phải cho đến bây giờ, khi vụ việc giúp anh trai là Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài vỡ lở, người ta mới biết đến Dương Tự Trọng (nguyên Đại tá, Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH) mà từ trước đó rất lâu, Dương Tự Trọng đã là cái tên được nhắc đến kèm những chiến công đấu tranh với tội phạm đất Cảng khiến dư luận vô cùng nể phục.

Riêng với cánh phóng viên nội chính như chúng tôi thì Dương Tự Trọng không chỉ là một người lính hình sự giỏi mà còn là một người bạn thân thiết với báo chí, thế nên khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, có rất ít bài báo lên án ông hoặc có thì cũng chỉ như một tiếng thở dài, một sự cảm thông cho cái con người luôn xử lý mọi chuyện trước hết vì chữ "tình". Nhưng lần này, chính xác là Dương Tự Trọng đã đi sai một nước cờ.

Dương Tự Trọng cùng 6 đồng phạm bị đưa ra xét xử, trong đó có một người cũng rất quen thuộc với cánh phóng viên nội chính. Đó là Vũ Tiến Sơn (nguyên Thượng tá, Phó trưởng phòng PC45 Công an TP Hải Phòng) - một người từng là lính hình sự và được báo chí viết khá nhiều.

Vũ Tiến Sơn trưởng thành từ Đội H88 huyền thoại - một đơn vị được giao nhiệm vụ đấu tranh trực tiếp với các đối tượng tội phạm giang hồ cộm cán ở đất Cảng vào những năm cuối thế kỷ XX và được người dân nơi đây cũng như người dân cả nước yêu mến đặt cho danh xưng "Anh hùng dẹp loạn". H là Hải Phòng và cũng là Hình sự, còn 88 là năm thành lập và cũng là biểu tượng của chiếc còng số 8.

Cũng giống như Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn "chết" cũng bởi một chữ "tình". Nếu như Trọng "chết" vì tình thân máu mủ thì Sơn "chết" vì tình anh em, dù không máu mủ ruột rà.

Khi chưa dính vòng lao lý, đó là một cặp bài trùng, họ đi đâu cũng có nhau, kể cả trong công việc đánh án hay cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Sơn là "đứa em" thân thiết của Dương Tự Trọng và tất nhiên những gì đàn anh nói, đàn anh "nhờ việc", Sơn không thể nói lời từ chối.


Vũ Tiến Sơn.

Trong cái nghề hình sự, muốn giỏi, muốn có nhiều thông tin từ thế giới tội phạm, tất nhiên phải có nhiều mối quan hệ. Mối quan hệ ấy, nếu giữ được trong chừng mực nhất định thì sẽ giúp rất nhiều cho công việc phá án, nhưng ngược lại, nếu quan hệ quá sâu, quá thân thiết thì đôi khi lợi bất cập hại, những kẻ xấu sẽ lợi dụng để hoạt động tội phạm.

Không ai có thể nói trước, đứng trước những tình huống liên quan đến người thân mình, chúng ta sẽ xử lý thế nào, nhưng chắc chắn trong câu chuyện của anh em Dương Chí Dũng thì tôi chắc người em của ông ta đã quá duy tình. Ông Trọng đã đi sai một nước cờ, mà nhiều người nhận định, giá như ông và "đứa em" Vũ Tiến Sơn không quan hệ quá sâu với Dũng "Bắc cạn", thì Dũng "Bắc cạn" đã không nhiệt tình giúp đỡ Trọng và Sơn như vậy.

Cách xử sự của những con người nguyên là lính hình sự đất Cảng có gì đó cũng giang hồ không kém. Khi nhận lệnh từ Dương Tự Trọng, ngay lập tức Vũ Tiến Sơn đã gọi cho Dũng "Bắc cạn" - một đối tượng giang hồ cộm cán để nhờ Dũng tìm cách cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài. Theo đó, Dũng "Bắc Kạn" đã thông qua các mối quan hệ xã hội của mình, đưa Dương Chí Dũng đi sang Campuchia trót lọt qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh.

Sau đó, đích thân Dũng "Bắc cạn" sang Campuchia để bố trí chỗ ở cho Dương Chí Dũng và chuyển 30 nghìn USD do Dương Tự Trọng đưa để cho Dũng có tiền chi tiêu. Tiếp tục, Dũng "Bắc Kạn" tìm đường cho Dũng trốn sang Singapore rồi từ đây đi sang Mỹ nhưng không nhập cảnh được nên đành quay lại Campuchia.

Hai anh em ông Dũng - Trọng đều thuộc diện hào hoa và cả đào hoa. Cả hai người đều có vợ bé và những người phụ nữ ấy đều sinh con cho họ, đôi lúc phải chấp nhận sống cảnh "kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng". Vợ hai của Dương Tự Trọng là một phụ nữ rất đẹp, người Quảng Ninh mà trong nhiều cuộc rượu, Trọng vẫn nói, ông còn "nợ" người phụ nữ đó rất nhiều.

Cánh phóng viên nội chính mỗi khi về Hải Phòng công tác, bao giờ Dương Tự Trọng cũng đích thân đón tiếp, dù bận việc gì ông cũng gạt hết để ngồi với anh em báo chí. Và ông được quý bởi sự nhiệt tình. Trọng hát, đọc thơ trong lúc uống rượu và đôi lúc còn ôm đàn, hát như một nghệ sĩ. Đặc biệt, Trọng luôn ứng xử với những người phụ nữ có mặt trên bàn rượu một cách rất hào hoa, lịch thiệp.

Tôi tin là ấn tượng mà Dương Tự Trọng để lại đối với nhiều nhà báo thì cái được nhiều hơn cái chưa được. Chỉ có điều, sai lầm của ông đã đi quá xa, như các cụ xưa vẫn nói "sảy một ly đi một dặm". Giá như Dương Tự Trọng tỉnh táo hơn, xử lý vụ việc theo đúng pháp luật với tinh thần thượng tôn pháp luật thì có lẽ, ông ta đã không tự chuốc lấy rắc rối cho mình cũng như kéo theo rất nhiều anh em, đồng nghiệp thân thiết vào vòng lao lý.

Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn - Những "khắc tinh của tội phạm" một thời giờ đã sụp đổ. Muốn dành cho họ một chữ: Tiếc!

Bình luận
vtcnews.vn