Với lãi suất trên 20%/năm, người làm công ăn lương hằng tháng không thể để ra được 10 triệu đồng để mua căn hộ chung cư trung bình giá 1 tỷ đồng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bỏ các nhóm tín dụng gồm cho vay tiêu dùng (sửa chữa, mua nhà để ở trả nợ bằng lương) và nhóm thứ hai đầu tư kinh doanh bất động sản (gồm xây nhà để bán cho người thu nhập thấp, cho công nhân khu công nghiệp, dự án hoàn thiện trước 1/1/2012) ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất.
Tuy nhiên, tham vấn ý kiến nhiều ngân hàng và thực tế khảo sát nguồn vốn dành cho nền kinh tế thì người mua nhà hiện nay khó có thể tiếp cận vốn vay tín dụng.
Chị HT.Trâm (quận 8, TPHCM) cho biết khi nghe tin một số dự án bất động sản ở Nhà Bè hạ giá bán về mức 14 triệu đồng/m2, chị đi tìm hiểu để mua. Nhưng khi đến ngân hàng vay 70% giá trị căn hộ, nhân viên tín dụng tính lãi suất cho chị trên 21%/năm. “Như vậy vay 1 tỷ đồng thì một tháng đóng lãi trên 10 triệu đồng” - chị than.
Trao đổi với phóng viên, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại (NHTM) có trụ sở ở TPHCM cho biết thông tin nới tín dụng bất động sản do NHNN đưa ra như trên giống như một liều thuốc củng cố niềm tin. Thực tế với lãi suất ngân hàng cho vay ra hiện nay 20 - 24%/năm thì người làm công ăn lương sẽ không dám vay để mua nhà ở. Lý do là lãi suất quá cao vượt thu nhập từ lương.
Để thực tế hơn, ông này làm một ví dụ. Một người công chức vay 100 triệu đồng sửa nhà thì một năm người vay phải trả lãi 20 - 24 triệu đồng, đó là chưa kể khoản tiền nợ gốc phải trả kèm. “Mức lãi này tôi cho rằng người làm công ăn lương số đông trong xã hội hiện nay không dám vay mua, sửa chữa nhà” - vị tổng giám đốc trên phát biểu.
Cũng theo vị này, dù NHNN cho phép nhưng thực tế các NHTM cũng khó cho vay ra ở các lĩnh vực nới tín dụng nêu trên. Vì các ngân hàng phải tập trung vốn cho nền kinh tế (xuất khẩu, nông nghiệp), mặt khác lại bị khống chế tăng trưởng tín dụng (năm 2011 dưới 20%, thậm chí còn thấp hơn khoảng 15%).
Đó là chưa nói lúc này là thời điểm quá cận năm, ngân hàng chỉ tập trung vốn cho mùa kinh doanh chứ không giải ngân cho tiêu dùng, đầu tư bất động sản.
Doanh nghiệp đã đi trước
Với sức ép dân số, nguồn cung bất động sản còn khiêm tốn thì nhu cầu mua nhà ở vẫn rất lớn. Nhưng thực tế, thu nhập để mua nhà của người dân còn khá thấp so với giá trị bất động sản. Nên dù NHNN đưa bốn hình thức vay, đầu tư bất động sản ra ngoài danh sách phi sản xuất thì sức cầu thị trường vẫn không lớn.
Minh chứng từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản đã chủ động hỗ trợ lãi suất, thậm chí bỏ vốn để hạ suất khá thấp cho người mua nhà nhằm kích cầu. Nhiều doanh nghiệp còn có các chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà khá hấp dẫn, như cam kết lãi suất 8%/năm cho năm đầu tiên, cam kết lợi nhuận 30% và có đơn vị còn thay ngân hàng cho khách hàng vay vốn mua nhà…
Dù hỗ trợ tích cực như vậy nhưng không phải chương trình bán nhà nào doanh nghiệp cũng thu hút khách hàng quan tâm.
Ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản An cư Lạc nghiệp, nhận định thị trường bất động sản năm 2011 và 2012 sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn. Nhưng lúc này nếu tín dụng bất động sản được nới lỏng cộng với các dự án chủ đầu tư có chính sách thanh toán hợp lý thì may ra cân bằng được.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea), nhận định việc NHNN nới tín dụng bất động sản cho hai nhóm nêu trên cần nhìn ở khía cạnh tích cực là củng cố niềm tin cho thị trường. Cũng sẽ có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản vay được vốn ngân hàng dù lãi suất còn cao là 19 - 20%/năm nhưng như vậy còn hơn là đi vay xã hội đen bên ngoài.
Ông Châu kiến nghị: "Việc nới lỏng tín dụng bất động sản cho các chủ đầu tư giao nhà trước 1/1/2012 như công văn của NHNN là quá gấp vì chỉ có hơn tháng nữa là hết hạn. Sắp tới tín dụng cho lĩnh vực bất động sản cần nới hơn nữa và Horea sẽ thống kê những ngành trong bất động sản cần đưa ra khỏi diện phi sản xuất để được hưởng lãi suất thấp".
Theo Pháp luật TPHCM
Bình luận